Ngày 21/08 mới đây, nhà sáng lập ra tuần lễ thời trang Helsinki – bà Evelyn Mora vừa chia sẻ về việc ngừng trình diễn những bộ sưu tập dùng da động vật trong khuôn khổ sự kiện: “Đây là hành động cứng rắn của chúng tôi để chống lại sự tàn nhẫn của con người khi sử dụng da động vật và những hệ quả tác động xấu đến môi trường kéo theo đó”.
Điều này được minh chứng bởi báo cáo doanh thu của Veja – thương hiệu đến từ Paris nổi tiếng với cách dùng chất liệu thay thế cho da động vật. Theo đó, doanh số của Veja đã tăng 60% so với năm trước đó, với chênh lệch lên đến 16 triệu Euro. Với những con số này, ngành thời trang hoàn toàn có quyền tin rằng khách hàng có thể bị thuyết phục bởi các sản phẩm từ chai nhựa tái chế, da tổng hợp, cao su tự nhiên,… thay vì dùng da thú như trước.
Trước đó, Giám đốc của website Net-a-Porter (kinh doanh bán lẻ mặt hàng thời trang) là bà Lisa Aiken cho biết lý do muốn trở thành đối tác phân phối đồ da của Veja: “Suy cho cùng, các thương hiệu vẫn cần mang đến cho khách hàng những món đồ đẹp và chất lượng, song song đó là sự đảm bảo cho yếu tố bền vững cho môi trường. Điều này khiến chúng tôi rất khó để chọn được nhà cung cấp sản phẩm cho chuỗi bán lẻ của mình. Thế nhưng Veja lại hội tụ đủ cả 3 yếu tố ấy”. Được biết, Net-a-Porter cũng vừa ký hợp đồng với Nanushka – thương hiệu làm áo khoác da tổng hợp từ Budapest. Điều này cho thấy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng hiện nay đã chấp nhận những món đồ giả da và thị trường này có tín hiệu ngày càng mở rộng hơn.
Xu hướng sử dụng các chất liệu thay thế cho da động vật hiện đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng thời trang thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục đích to lớn này thì cần có sự hợp tác giữa các thương hiệu và người tiêu dùng, cũng như thông điệp phải được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Theo bà Rachel Stott – chuyên gia nghiên cứu về sáng tạo tại The Future Laboratory – cũng từng đề cập rằng thế hệ Z (những ai sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1990-2000) đang là những người sẵn sàng thay đổi, nhất là dưới sự bùng nổ về phong trào tiêu dùng xanh như hiện nay: “Khách hàng ngày nay không những bỏ tiền để mua sản phẩm mà họ còn có nhu cầu được biết về nguồn gốc sản xuất của chúng. Tiếng nói của họ thể hiện qua số tiền mà họ chi trả cho thương hiệu có thể mang lại chất lượng sản phẩm lẫn giá trị về đạo đức”.
Hiện tại, có một số vật liệu được sử dụng thay thế cho da động vật tiêu biểu như da tổng hợp, B-mesh, PVC giả da,… Bên cạnh đó cũng có rất nhiều loại chất liệu được làm từ thiên nhiên như vải giả da làm bởi sợi lá dứa (thơm), cùng những công thức nấm men biến đổi gen có thể sản sinh ra sợi collagen như da động vật, mà điển hình trong số đó là MycoWorks – chất liệu được làm từ mô nấm thực vật.
Stella McCartney là một trong những nhà mốt đi đầu trong phong trào thiết kế trang phục thuần chay, khi chưa từng sử dụng da động vật để làm quần áo cho thương hiệu của mình. Tính đến nay, mẫu túi xách Falabella có giá hơn 21 triệu đồng của thương hiệu này vẫn nằm trong top 10 những món đồ phải có được giới mộ điệu đánh giá cao, kể từ khi ra mắt vào năm 2010.
Qua đó, có thể thấy các thiết kế không sử dụng chất liệu da động vật vẫn tạo được sức hút và vẻ đẹp thuần chay của chúng cũng góp phần lan tỏa thông điệp nhân văn rộng rãi hơn. Trong bối cảnh thế giới đang dần ý thức được sự biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của con người đến với thiên nhiên thì giới thời trang cũng bắt đầu cân nhắc lựa chọn nói không với sử dụng da thú, cùng chung tay, góp sức bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu nói chung và thế giới động vật hoang dã nói riêng.