Những mảnh ghép sót lại từ quá khứ
Tôi quyết định đi Ai Cập vào mùa xuân để tránh cái nắng nóng lên tới 40oC của mùa hè xứ này. Mặc dù đã biết đến Ai Cập qua các thước phim, bức hình của những người đi trước, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác sững sờ khi tận mắt ngắm nhìn những đền đài kỳ vĩ mà chỉ riêng thời gian xây dựng chúng đã kéo dài tới 600 năm, những công trình khoét núi đào sông được dựng lên bởi tầm nhìn xa và kiến trúc kì tài của người cổ đại. Để hoàn thiện những công trình này, “nguyên liệu” cần nhất không phải là những vết đòn roi trên lưng nô lệ mà là niềm tin tín ngưỡng, lòng trung thành và sự cống hiến tận tụy, nối tiếp của biết bao thế hệ người dân Ai Cập. Với sức mạnh của niềm tin, con người có thể làm nên những kì quan bất tử.
Tim tôi đập nhanh vì xúc cảm. Sự tinh xảo của từng đường nét điêu khắc chạm trổ, cách thiết kế được tính toán tài tình vượt xa sức tưởng tượng của con người, chẳng trách không ít giả thiết đặt ra rằng các pharaoh chính là… người ngoài hành tinh.
Đi dọc đất nước nằm bên bờ sông Nile – con sông dài nhất thế giới bắt nguồn từ hồ Victoria đổ ra Địa Trung Hải, choáng ngợp không phải cảm xúc duy nhất hiển hiện trong tôi. Phần nào đó tôi thấy buồn khi chứng kiến những kiến trúc huy hoàng, nền văn minh vĩ đại của thế giới (về văn hóa, chữ viết, khoa học…) giờ đây chỉ còn lại tàn tích. Xuôi theo dòng sông huyền thoại chất chứa biết bao kiêu hãnh và bí ẩn, từng khóm đền đài nguy nga giờ nằm lặng im như triết lý cuộc sống có thịnh có suy. Quá khứ dẫu lẫy lừng đến đâu thì cuộc sống muôn màu cũng vẫn luôn tiếp diễn.
Khi chính quyền Ai Cập chưa cho phép xây dựng con đập thủy điện Hight Dam, sông Nile là nơi nuôi sống nền văn minh vĩ đại và những phát kiến khoa học kĩ thuật vượt trội của loài người. Nhưng kể từ “cuộc cách mạng dòng chảy” năm 1971, khi con đập khổng lồ được xây dựng để đẩy lùi những đợt lũ lụt tràn bờ xảy ra đều đặn hàng năm, khi người Ai Cập tự hào với thành tựu chế ngự thiên nhiên, cũng là lúc họ dần xóa mờ dấu ấn của mình trong những trang sử thế giới. Giữa bầu không gian rộng lớn và u tịch, tôi nhận ra một sự thật trớ trêu: thiên nhiên là để ngắm nhìn và học cách sống chung, chứ không phải để con người chinh phục và chế ngự.
Dấu tích của cả một nền văn minh rực rỡ cách tôi hàng thiên niên kỷ, nền văn minh mà loài người hiện đại không tài nào lý giải được người cổ đại đã xây dựng và phát triển nó như thế nào, giờ đây chỉ còn lại những mảnh ghép bé nhỏ. Những đế chế đô hộ đã mang đi ngôn ngữ, chữ viết và tôn giáo, khiến đất nước Ai Cập giờ đây loay hoay không biết mình còn lại gì ngoài một quá khứ vàng son hào hùng.
Ốc đảo Siwa giữa sa mạc
Sau chuyến du thuyền dọc một phần của sông Nile, chúng tôi đặt chân đến một ốc đảo khổng lồ. Siwa là nơi kiểm soát nguồn nước ngọt của cả một khu vực rộng lớn, ai làm chủ được nó sẽ trở thành bá chủ sa mạc.
Buổi đêm ở đây vô cùng yên tĩnh, không phải sự yên tĩnh đáng sợ mà là một sự yên tĩnh xa xỉ, khi tâm trí tôi được nghỉ ngơi, đôi tai không bị làm phiền bởi bất cứ âm thanh gì ngoài tiếng gió, đôi mắt không phải choáng ngợp vì bất cứ điều gì ngoài ánh lửa và vầng trăng vàng mát dịu treo lơ lửng giữa trời.
Tôi hay ngồi đến khuya tâm sự với người hướng dẫn viên. Anh từng học về lịch sử và khảo cổ, là một người vô cùng tâm huyết với những chuyến đi khám phá cuộc sống và lịch sử Ai Cập. Chúng tôi có một suy nghĩ chung rằng mình là một công dân thuộc về Trái đất này, nghĩa là kim tự tháp cũng là di sản của tôi và hang Sơn Đoòng cũng là của anh, chúng tôi đều có một phần trách nhiệm với chúng.
Bầu trời sa mạc ban đêm nhuộm một màu đen thăm thẳm, lặng như tờ. Nhiệt độ không khí xuống thấp, đoàn chúng tôi ngả vào nhau bên đống lửa tìm hơi ấm, cùng ca hát, cười nói và lắng nghe tiếng nhạc mộc mạc của những người Siwa bản địa. Những nơi yên tĩnh thường cho ta cảm giác bình yên và thuộc về. Lúc mới tới Siwa, tôi có ham muốn được ở đó lâu lâu, nhưng rồi cũng biết rằng chỉ cần sống ở đây vài bữa, có thể tôi sẽ phát điên vì cảm giác bồn chồn. Trên sa mạc, thời gian dường như trôi đi quá chậm so với tốc độ vận hành liên tục của thế giới bên ngoài.
Dù thế nào, một giấc ngủ ban đêm trên sa mạc, lắng nghe tiếng gió khi dịu êm mơn trớn đồi cát, lúc dữ dội gào thét tự do vẫn là trải nghiệm vô giá mà bất cứ ai cũng nên có một lần trong đời. Siwa đã là sa mạc thứ ba mà tôi từng đặt chân qua. Tuy bầu trời hôm ấy có mây, không nhiều sao, nhưng cái mênh mông của gió cát và ánh trăng tháng Giêng đối với tôi vẫn là một kỉ niệm thú vị.
– Bạn có thể mua tour trọn gói đến Ai Cập với giá tầm 40-50 triệu đồng, bao gồm vé máy bay, visa và chi phí ăn ở tại khách sạn 4 sao trong 2 tuần.
– Đồ ăn Ai Cập hơi nhiều gia vị; ngoài những loại rau củ như cà chua, dưa leo rất ngon thì các món mặn lại dễ gây ngán nếu ăn liên tục suốt tuần. Bạn nên mang thêm chà bông, mì gói… để ăn xen kẽ.
– Nên mang kem chống nắng và kính râm vì ban ngày ở đây nắng gắt. Nếu bạn đi trong khoảng tháng 10 đến tháng 2, nhiệt độ ban đêm xuống khá thấp, nhớ chuẩn bị áo khoác dày. • Nên đầu tư một đôi giày thật êm vì bạn sẽ phải đi bộ khá nhiều.