Một mối quan hệ tình cảm bạo hành là mối quan hệ mất cân bằng về quyền lực, khi một người thường xuyên sử dụng mưu mẹo để kiểm soát người còn lại về mặt tâm lý, thân thể, tài chính, cảm xúc và tình dục, cũng như thể hiện quyền lực với người còn lại. Nạn nhân thường cảm thấy lo âu về phản ứng của đối phương, cảm giác cuộc sống bị xáo trộn, bị cô lập với xã hội, mất đi sự tự tin vốn có, v.v…
Những kẻ bạo hành thường gán tình yêu với những hành động bạo lực để bào chữa cho việc làm tổn thương những người sống quanh họ. Hãy chắc chắn rằng mối quan hệ hiện tại của bạn không vướng phải những biểu hiện sau đây, nếu có thì bạn cần cân nhắc liệu có nên duy trì hay không.
Tỏ ra ngọt ngào sau mỗi lần gây tổn thương
Kẻ bạo hành thường tỏ ra là một người yêu lí tưởng sau mỗi lần làm tổn thương đối phương, ví dụ như xin lỗi, hứa hẹn sẽ cư xử tốt hoặc mua quà, v.v… Cứ sau mỗi lần phạm sai như thế, anh ta lại giở “chiêu bài” cũ để khiến bạn quen dần với hành vi đó đến quên mất chuyện cần phải phản kháng (hoặc có chăng nữa cũng rất yếu ớt). Chính những khoảnh khắc ngọt ngào tinh quái ấy là chất xúc tác khiến nạn nhân chấp nhận thứ tha và chịu đựng sự bạo hành ngày này qua tháng nọ.
Đổ lỗi và có những hành vi quá khích khi tranh luận
Dù là tình huống nào, mọi lý lẽ luôn thuộc về anh ta. Một biểu hiệu chung của kẻ bạo hành thường thấy chính là luôn có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Trong một mối quan hệ dù có tốt đẹp cũng khó tránh những lúc bất đồng ý kiến. Nếu anh ấy phản ứng bằng cách la hét, làm tổn thương bạn, đập bể đồ đạc, v.v… thì đó là kiểu hành vi dùng sức mạnh để gây sức ép, thị uy để làm bạn sợ sệt và khuất phục. Kẻ bạo hành luôn thường hay bào chữa cho việc làm của mình bằng cách nói rằng: anh ta quan tâm tới bạn sâu sắc đến mức không thể kiềm chế được những hành động tiêu cực.
Luôn chỉ trích thay vì tỏ ra đồng cảm, bao dung
Trong một mối quan hệ lành mạnh, cặp đôi thường trao đổi trung thực và cởi mở để hiểu nhau hơn. Nếu thường xuyên bị chê bai hay miệt thị, có thể bạn đang bị bạo hành cảm xúc. Anh ta dùng lời nói để dẫn dắt cảm xúc khiến bạn tin rằng mình không đẹp, không giỏi, thậm chí không đủ tốt, v.v… Phải hiểu rằng việc khiến đối phương cảm thấy mất tự tin, rụt rè, yếu ớt sẽ giúp anh ta giành lấy quyền kiểm soát mối quan hệ.
Biểu hiện ghen tuông thái quá
Nếu người yêu của bạn tỏ ra giận dữ, cấm cản việc giao lưu với bạn bè hoặc ghen tuông mỗi lần bạn nói chuyện với người khác giới thì anh ta đang có dấu hiệu ghen tuông quá mức. Thậm chí, lý do có là “sợ mất bạn” chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng: người đàn ông này đang kiểm soát sự tự do và xâm phạm quyền riêng tư của bạn. Hơn cả hành vi ghen tuông vô tội vạ là anh ta đang có ý muốn chiếm hữu, cô lập bạn với thế giới bên ngoài.
Tính tình thay đổi thất thường
Vài phút trước anh ta đang dịu dàng với bạn nhưng ngay sau đấy lại tỏ ra hằn học, khó chịu thậm chí la hét, mất bình tĩnh chỉ vì một câu nói. Đối với kiểu người yêu này bạn sẽ luôn có cảm giác hoài nghi vị trí của mình trong lòng anh ta, chẳng biết lúc nào thật lòng hoặc khi nào giả dối. Nếu việc thay đổi thái độ thất thường trở thành thói quen, bạn sẽ rơi vào tình trạng lo sợ làm đối phương tức giận và có xu hướng chiều lòng anh ta một cách vô thức.