Tuy nhiên, tôi không phải một người khéo léo. Tôi mất một khoảng thời gian tập tành việc bếp núc và gây ra không ít rắc rối. Những việc khó và nặng nhọc, tôi thường réo rắt gọi “anh ơi!”. Anh luôn xuất hiện kịp lúc như một chuyên gia gỡ rối bất đắc dĩ. Dần dần, tôi học được cách nấu những bữa ăn thật nhàn nhã cho một gia đình hiện đại mà đôi khi người vợ và người chồng (cụ thể là chúng tôi) không phải tốn quá nhiều năng lượng và thời gian khi vào bếp. Những bữa ăn chỉ mất chưa đầy 30 phút để chuẩn bị, vẫn đầy đủ dinh dưỡng, và quan trọng là, khi nấu ăn xong, tôi không phải đầu xù tóc rối mà vẫn có thể xinh đẹp ngồi đối diện người mình yêu, cùng thưởng thức bữa ăn trong khung cảnh thân thuộc với một bản nhạc nền êm ái.
Và vì thế, vào một ngày thứ hai quay cuồng với những cuộc họp và buổi chụp ảnh, tôi mệt nhọc trở về nhà. Căn bếp chính là nơi tôi có thể thả lỏng cơ thể, uống một cốc nước ép và bình yên chờ năng lượng tích cực quay lại. Tôi nghĩ về món ăn mình sẽ nấu cho bữa cơm tối. Xem nào! Trong tủ có phi lê gà, trứng gà, rất thích hợp để làm Oyakodon – món cơm Nhật tôi học được trên mạng và điều chỉnh lại một chút theo công thức của riêng mình. Cả hai chúng tôi đều thích ngay từ lần đầu nếm thử.
Túi thịt ức gà tươi được làm sạch sẽ, đóng gói cẩn thận của CP quả thật tiện lợi và hợp với một ngày quá nhiều việc khiến tôi đâm lười. Tôi chỉ cần dùng kéo cắt chiếc túi màu đỏ tươi xinh xắn, rửa thịt gà qua một lần nước, để ráo, rồi thái miếng vừa ăn. Hành tây thái lát mỏng. Ngò và hành lá thái nhỏ. Nước tương, rượu gạo và nước dùng dashi trong bếp sẵn có rồi, chỉ cần thêm một chút đường, khuấy đều, cho gà và hành tây vào, và bật bếp đun đến khi thịt gà chín hẳn. Thao tác cuối cùng của tôi dành cho món ăn đơn giản và tiện lợi này là với tay đến hộp trứng gà vừa mua hôm trước, lấy ra 2 quả trứng, đập vào bát, dùng đũa đánh tơi rồi đổ vào nồi thịt gà. Lúc này, nồi cơm cũng vừa chín tới. Mùi gạo thơm nức làm bụng tôi đói cồn cào.
Tôi lại gọi “anh ơi!”, nhưng không phải để nhờ anh trợ giúp. Chúng tôi cùng xúc phần gà trứng ra hai chiếc bát đã xơi đầy cơm, trang trí, và thong thả vừa ăn vừa kể nhau nghe những chuyện vui buồn trong ngày. Anh hơi kén ăn, bình thường chỉ ăn thịt gà thả vườn ở quê thịt săn chắc, nhưng với loại thịt gà tôi dùng nấu Oyakodon, anh bảo “ngon đấy!”. Tôi cười tươi như thể anh đang khen mình chứ không phải miếng thịt gà.
Hạnh phúc mỗi ngày của chúng tôi, có lẽ, đơn giản chỉ có vậy: ngày làm việc chăm chỉ, tối cùng nhau chia sẻ một bữa ngon. Những kỷ niệm được tạo ra quanh bàn ăn luôn là những kỷ niệm ngọt ngào, là một liệu pháp tốt cho tinh thần vào những lúc thất vọng hay suy kiệt. Tôi tin, mỗi người chúng ta đều ít nhất một lần nhớ về một món ăn thân thương, một gian bếp quen thuộc, một hay nhiều những gương mặt của người yêu dấu bên bàn ăn. Vào bếp, không nhất định phải nấu những món ăn cầu kỳ. Vào bếp, là để tạo ra những kỷ niệm.
Cơm Oyakodon
Khẩu phần: 2 người
Thời gian: 30 phút
Nguyên liệu
+ 2 miếng phi lê gà
+ 2 quả trứng gà
+ 2 lòng đỏ trứng gà
+ 1/2 củ hành tây
+ 2 cọng ngò
+ 1 cọng hành lá
+ 4 thìa canh nước tương
+ 4 thìa canh rượu gạo
+ 4 thìa canh nước dùng dashi
+ 1 nhúm đường
+ 1 ít rong biển
+ 2 bát cơm trắng
Cách làm
– Gà thái miếng mỏng vừa ăn. Hành tây thái lát mỏng. Ngò và hành lá thái nhỏ. Rong biển cắt thành những sợi nhỏ.
– Cho nước tương, dashi, đường vào chảo, khuấy đều. Cho gà và hành tây vào. Bật bếp, đun sôi đến khi gà chín.
– Đánh tan trứng bằng đũa.
– Từ từ cho trứng vào chảo, đến khi trứng chín tái, cho ngò vào. Tắt bếp.
– Xúc phần trứng & gà trong chảo đặt lên mặt tô cơm trắng.
– Thêm lòng đỏ trứng vào giữa bát cơm. Trang trí với hành lá, rong biển.