Một trong những điều khiến tôi tò mò khi tới Thổ Nhĩ Kỳ là thói quen ăn uống của người dân nơi đây. Bữa đó, ở một nhà hàng buffet, tôi tò tò đi theo anh hướng dẫn viên bản địa để xem anh chọn những món gì và kết hợp các món như thế nào. Thấy tôi nhìn chằm chằm vào đĩa thức ăn trên tay mình, anh giải thích rằng ở quê anh, mọi người ăn rau là chính, thi thoảng mới có thêm thịt bò, thịt cừu, cá và các loại hải sản. “Ra chợ muốn tìm mua thịt lợn cũng chẳng mấy nơi có. Tôi không ăn thịt lợn từ bé, vì được dạy đó là loài bẩn thỉu, nên nghĩ đến thịt lợn thôi là tôi đã buồn nôn rồi.” – anh vừa nói vừa nhăn mặt.
Ngoài việc kiêng không ăn thịt lợn, so với các quốc gia Hồi giáo khác, ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến với sự đa dạng về nguyên lịệu và cách chế biến, do nơi đây có mối giao thoa giữa nhiều nền văn hóa. Thức ăn Thổ Nhĩ Kỳ vừa mang hương vị Á Đông đậm đà, vừa có sự thanh thoát của ẩm thực phương Tây, lại rất đơn giản và tươi mới, đem đến cảm giác sảng khoái như các món ăn Địa Trung Hải.
Súp rau chân vịt
4 phần ăn
30 phút
Đây là món ăn cực kỳ đơn giản và nhiều dinh dưỡng. Bạn sẽ không biết sự kết hợp giữa rau chân vịt và sữa chua Hy Lạp tuyệt vời đến mức nào cho tới khi nếm thử.
Nguyên liệu
+ 250gr rau chân vịt
+ 150ml nước
+ 300ml sữa chua không đường
+ 3-4 thìa mật ong
+ Muối
+ Tiêu
+ Một ít hạt khô (tùy ý)
Thực hiện
– Cho rau chân vịt và nước vào nồi, nấu chín rau, sau đó xay nhuyễn rau bằng máy xay, tiếp tục đun liu riu. Thêm sữa chua, mật ong. Nêm muối và tiêu cho vừa ăn.
– Bày món ăn ra đĩa. Rắc hạt khô lên trên.
Ô liu trộn
4 phần ăn
15 phút
Thổ Nhĩ Kỳ là xứ sở của những cây ô liu xanh tốt trĩu quả. Ô liu xuất hiện khắp mọi nơi trong cuộc hành trình của chúng tôi. Trong các nhà hàng, đầu bếp thường sử dụng dầu ô liu chứ không dùng bơ. Người Thổ Nhĩ Kỳ có thói quen muối ô liu rất mặn để giữ được lâu, ăn kèm với các món khác trong cả 3 bữa chính trong ngày: sáng, trưa và tối. Một số loại ô liu ngâm có thể dùng để ăn kèm hoặc trộn salad, salsa.
Nguyên liệu
+ 8 quả cà chua bi
+ 2 quả dưa chuột
+ 2 cọng thì là
+ 15 quả ô liu ngâm
+ 25gr phô mai Feta
+ 3 thìa canh dầu ô liu
+ ½ thìa canh nước cốt chanh
+ Muối
+ Tiêu
Thực hiện
– Cà chua bi và dưa chuột thái hạt lựu nhỏ.
– Thì là băm nhuyễn.
– Phô mai Feta cắt khối vuông nhỏ.
– Cho cà chua, dưa chuột, quả ô liu, phô mai vào một chiếc bát hoặc đĩa. Rắc thì là, rưới nước cốt chanh. Thêm một nhúm muối và tiêu.
– Trộn đều trước khi ăn.
Nước ép lựu
5 phần uống
20 phút
Những quả lựu đỏ tươi và mọng nước được người Thổ Nhĩ Kỳ trữ để làm nước ép quanh năm. Trên mọi nẻo đường chúng tôi ghé qua, chỉ cần mệt và khát, sẽ thấy ngay một quầy bán nước ép lựu đâu đó. Vừa uống nước lựu, vừa ngắm những người đàn ông rắn rỏi, quyến rũ bên chiếc máy ép tay, thật sảng khoái làm sao!
Nguyên liệu
+ 6 quả lựu Thổ Nhĩ Kỳ
+ 4 quả cam Ai Cập
Thực hiện
– Lựu và cam ép lấy nước, trộn đều.
– Để lạnh, uống nguyên chất hoặc thêm đá tùy ý.
Bánh mì mặt trời
1 phần ăn
10 phút
Bánh mì là thực phẩm chính trong các bữa ăn của người Thổ Nhĩ Kỳ. Có đến hàng trăm loại bánh mì với mùi thơm khó cưỡng được bày trong các nhà hàng và cửa hiệu. Trong đó, bagel với hình dáng như chiếc vòng có lỗ trống ở giữa là một trong những loại bánh mì phổ biến nhất. Chỉ cần đập thêm một quả trứng vào chính giữa chiếc bánh, bạn sẽ có ngay một món ăn ngon lành. Ở Việt Nam, nếu khó tìm mua bagel, bạn có thể dùng bánh mì hình tròn và khoét ruột để tạo lỗ tròn giữa bánh.
Nguyên liệu
+ 1 chiếc bánh mì loại tròn
+ 1 quả trứng gà
+ Một ít bột ớt
+ 1 lát phô mai Cheddar
+ Muối
Thực hiện
– Dùng dao khoét lỗ tròn giữa ruột bánh mì.
– Trên một chiếc chảo không dính, đặt miếng phô mai vào giữa lòng chảo, kế đến đặt bánh mì lên trên.
– Bật bếp. Đập trứng gà vào lỗ trống giữa bánh mì.
– Rắc bột ớt và muối lên mặt trứng.
– Chiên lửa nhỏ đến khi lòng trắng trứng chín và lòng đỏ chín lòng đào.
Cá nấu đậu
5 phần ăn
1 tiếng
Để làm món này, bạn chỉ cần cho tất cả các nguyên liệu vào nồi và bật bếp là xong. Vị chua của những lát chanh vàng và vị cay của ớt sẽ giúp khử mùi tanh của cá. Đậu Hà Lan ngọt và bùi làm cho món ăn trở nên thú vị hơn.
Nguyên liệu
+ 600gr cá chẽm (nguyên con hoặc phi lê)
+ 4 lát chanh vàng
+ 4 quả ớt
+ 100gr đậu Hà Lan
+ 5 lá nguyệt quế
+ 150ml nước
+ ½ thìa cà phê muối
+ ½ thìa cà phê tiêu
Thực hiện
– Xếp cá vào nồi.
– Cắt đôi ớt.
– Cho chanh, ớt, đậu, lá nguyệt quế, nước vào cùng cá. Đun sôi, sau đó giảm nhỏ lửa, nấu đến khi đậu chín mềm. Nêm thêm muối và tiêu.