PGS. Bùi Hiền: “Tôi việc gì phải tổn thương, không ưng ai thì tôi chặn, đêm tôi vẫn ngủ tốt” - Tạp chí Đẹp

PGS. Bùi Hiền: “Tôi việc gì phải tổn thương, không ưng ai thì tôi chặn, đêm tôi vẫn ngủ tốt”

Hậu Trường

– Thưa Phó giáo sư, ông hiện làm việc bằng phương tiện nào?

– Tôi làm việc với máy tính dễ đến vài chục năm, với internet hơn 20 năm. Đến giờ thậm chí tôi quên viết rồi, run tay lắm.

– Khi thấy tên mình trở thành tâm điểm trên mạng xã hội vào một buổi sáng, cảm giác của ông như thế nào?

– Người ta gọi báo tin đã đăng báo cáo của tôi, tôi vào mạng đọc. Thấy người ta chửi bới (xin phép dùng chính xác chữ của giáo sư- PV), tôi hơi sửng sốt. Ô, mình có làm gì đâu. Nhưng đọc xong thì tôi hiểu, họ đăng sai rồi, họ đăng cái kết quả cuối cùng mà không đưa ra quy trình. Đưa ra bộ chữ mới, không hướng dẫn họ thì học đọc sao được, người ta không hiểu, họ phản ứng là đúng rồi. Họ còn hiểu rằng đây là công trình của nhà nước, sắp đưa vào thực tiễn.

PGS Bùi Hiền và các bản thảo về công trình khoa học dang dở đã được báo chí công khai gây ồn ào những ngày qua.
PGS Bùi Hiền và các bản thảo về công trình khoa học dang dở đã được báo chí công khai gây ồn ào những ngày qua.

– Phó giáo sư có lường trước câu chuyện khi chia sẻ thông tin về công trình của mình?

– Tôi không lường vì tôi chưa chủ định chia sẻ thông tin này. Công trình khoa học của tôi còn đang làm dang dở mà. Họ lấy báo cáo trong Kỷ yếu công trình khoa học về ngôn ngữ từ tháng 9/2017 để in, tôi không biết.

– Ở tuổi 83, làm việc với internet hơn 20 năm, ông cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của người dùng internet Việt Nam?

– Tôi từ đầu đã quan niệm, internet là một công cụ hữu dụng, ai tận dụng được nó tức là nắm được công cụ hết sức hữu hiệu này. Đến nay tôi không biết viết nữa rồi, viết là tay run lắm, tôi chỉ dùng máy tính thôi.

– Và tâm tính của Phó giáo sư bị ảnh hưởng ra sao sau 20 năm tiếp xúc với người dùng qua mạng xã hội?

– Internet và máy tính đối với tôi là… bạn đời rồi. Từ sáng đến tối tôi ngồi ở đó, còn hơn cả vợ đấy. Vì bà xã tôi đi xa, thỉnh thoảng mới về. Giờ đây không có nó tôi không biết làm gì cả.

Internet đã giúp ích cho tôi rất nhiều, tôi chưa bao giờ dùng nó đả phá ai cả. Trên Facebook của mình, ai nói chuyện tử tế tôi đáp, ai không ưng tôi chặn.

– Thưa, ông dùng Facebook từ bao giờ?

– Lâu lắm rồi nên tôi không còn nhớ.

– Facebook của Phó giáo sư có bao nhiêu người bạn?

– Khoảng 1500 người. Thỉnh thoảng tôi cũng kết bạn nhầm đấy, mà nhầm thì unfriend, hoặc block. Việc gì tôi phải nghĩ.

GS Bùi Hiền trong phòng làm việc giản dị ở một chung cư cũ thuộc Quận Thanh Xuân.
GS Bùi Hiền trong phòng làm việc giản dị ở một chung cư cũ thuộc Quận Thanh Xuân.

– Phó giáo sư bình luận thế nào về nhận định: “Mạng xã hội hiện nay rất hung hãn?”

– Chỉ có con người là hung hãn hoặc tốt đẹp, bản thân mạng xã hội thì không. Tôi nhìn internet, facebook hay chữ viết cũng như khẩu súng – nó là một công cụ. Con người sử dụng nó với mục đich thiện, nó đem lại lợi ích thiện, người dùng theo mục đích ác nó sẽ ác.

Mạng xã hội phần nào phản ánh bộ mặt xã hội, trên đó có rất nhiều người tốt và thông tin tốt, cớ sao chúng ta lại chỉ cho rằng thông tin xấu nhiều hơn? Hay chúng ta đang cố tình lái sang điều đó?

– Một người vừa bị mạng xã hội làm tổn thương như ông cũng không đồng tình với điều này, vì sao?

– Tôi nghĩ mình bình tĩnh, biết lọc thông tin, biết chọn bạn. Nếu không có mạng xã hội tôi không có hơn 1000 người bạn.

Con lớn tôi 59 tuổi, ở quê, không dùng internet. Con út hơn 40 cũng bận rộn nên không bận tâm nhiều. Người liên tục chia sẻ với tôi về chuyện ồn ào lần này là những đứa cháu. Các cháu nhắc ông giữ sức khỏe và khuyên ông đừng bận tâm. Bọn chúng nói chuyện với nhau làm thế nào để bảo vệ ông, nhưng cháu trai của tôi là một kiến trúc sư mới ra trường thì nói với các anh em là: “đừng lo cho ông chuyện này, ông tỉnh lắm” (cười). Đứa ở Ba Lan thì nhắn “Ông dũng cảm lắm! Cháu phục ông” (cười).

– Vậy một phần dư luận lo rằng ông bị tổn thương, họ đã lo sai?

– Họ lo cho tôi đó là thể hiện tình cảm đáng quý. Các học trò và bạn bè có nhiều người gọi hỏi thăm tôi. Nhưng quả thực tôi rất bình thản trong chuyện này. Tôi việc gì phải tổn thương, không thích thì tôi block.

Nói thật sự việc này khiến tôi thấy vui vì công việc thầm lặng của mình tự nhiên được mọi người biết tới. Cạnh đó, trong hàng “tấn đá” người ta ném ra – không ảnh hưởng đến tôi, tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều người làm khoa học về tinh thần phải đổi mới tiếng Việt.

Đêm tôi ngủ vẫn yên.

– Phó giáo sư đánh giá gì về lượng người phản ứng với cái mới hiện tại luôn rất đông, nhất là trên mạng xã hội?

– Tôi không đánh giá nó là tiêu cực hay tích cực. Là một nhà giáo dục tôi hiểu, phản ứng với cái trái tai, gai mắt là điều tự nhiên. Tương tự vậy, trước cái mới con người không phản ứng nữa mới là bất thường. Vì vậy, chúng ta phải bình thản.

Bà xã của tôi ở xa có lo lắng và khuyên tôi nên giữ im lặng. Nhưng tất nhiên tôi không làm thế. Với người thân, nếu ủng hộ ta thì tốt, còn không thì cứ ở hậu phương chăm sóc là được.

Đối với người bị phản ứng – nếu là một người có tri thức, tâm thức vững vàng họ hoàn toàn có thể sống yên với bất cứ từ bão giông nào từ mạng xã hội. Vì mạng xã hội không thể hủy hoại cuộc đời bạn được. Bạn đăng nhập, nếu nó có xu hướng hủy hoại bạn, bạn hãy bước ra để tìm một khoảng không trong lành hơn. Bởi chúng ta có quyền lựa chọn cơ mà.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của Phó giáo sư Bùi Hiền!

Thực hiện: depweb

04/12/2017, 14:56