Và dưới đây, là những câu chuyện xúc động nhất:
“Mẹ tôi đó, mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chị em tôi. Giờ thì tóc mẹ đã bạc màu, mắt đã nhăn nhưng mẹ vẫn đẹp nhất trong mắt con. ” (Tác giả Phan Thị Trúc Phương)
“Con nhớ ngày con còn bé con sống cùng ông bà ngoại. Bố đi làm ăn xa, còn mẹ ngược xuôi buôn bán để kiếm tiền nuôi con. Con lớn lên cùng bà ngoại. Bà chăm con từng miếng ăn giấc ngủ. Vì mẹ bận suốt. Đến nỗi con còn nghĩ con chỉ là con nuôi của bố mẹ. Con không phải là con đẻ nên mẹ không quan tâm con. Chẳng mấy khi con được gặp mẹ. Suy nghĩ của một đứa trẻ như con đơn giản lắm vì mẹ không yêu, mẹ không thương con. Nên con không giống như những bạn nhỏ khác được mẹ âu yếm, cưng nựng. Khi con 6 tuổi con mới về ở với mẹ để vào lớp 1. Khi ấy con đã khóc ròng mấy ngày liền vì muốn ở cùng bà mà không muốn về với mẹ. Lúc ấy chắc chắn mẹ đã buồn vì con lắm. Càng lớn lên con lại càng hiểu lòng mẹ. Tuổi trẻ của mẹ là dành cho chúng con nên mẹ mới phải vất vả vì cuộc sống mưu sinh. Tay mẹ có nhiều vết chai sần, mắt mẹ đã điểm nhiều vết chân chim. Còn mái tóc đã bạc đi nhiều lắm..Mẹ là người phụ nữ quan trọng nhất đối với con. Người phụ nữ luôn ở bên con, luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Có mẹ chính là điều hạnh phúc và tuyệt vời nhất trong cuộc sống này. Con cầu mong mẹ của con thật mạnh khoẻ, luôn vui vẻ để con có thật nhiều thời gian chăm sóc và phụng dưỡng cho mẹ. Con yêu mẹ thật nhiều.” (Tác giả Nguyễn Xuka)
“Thanh xuân của mẹ là những bước đi đồng hành mẹ luôn dành cho con và bố, mẹ hi sinh tất cả để luôn mang những tốt đẹp nhất cho con. Con cảm ơn mẹ rất nhiều” (Tác giả: Lê Thanh)
“Ngày xưa, mẹ tôi là 1 cán bộ xã năng nổ, nhiệt tình trong công tác. Khi có hội diễn ở đâu mẹ đều dắt tôi đi theo. Chính nhờ đó tôi hoc được rất nhiều điều từ mẹ. Mẹ đã hi sinh rất nhiều để chăm lo cho tôi khôn lớn. Nay mẹ đã về hưu rồi, nên tôi rất muốn đưa mẹ đi chơi thật nhiều nơi. Để được hưởng tuổi già vui vẻ bên con cái. Tôi luôn cầu mong mẹ mạnh khỏe và sống thật lâu với chúng tôi” (Tác giả: Phạm Hoàng Oanh)
“Trong những bữa sum họp gia đình mẹ vẫn kể cho chúng tôi chuyện ngày xưa của mẹ. Mẹ là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em. Nhà bà ngoại tôi nghèo lắm. Học hết cấp 2, mẹ tôi phải nghỉ học ở nhà đi làm phụ giúp gia đình. 15 tuổi, mẹ tôi đã biết đi chăn trâu, cắt cỏ từ tờ mờ sáng giúp ông bà ngoại; biết quét nhà, hái rau, nấu cơm, làm bữa và gặt, cấy thuê khi đến mùa… Bữa cơm mẹ ăn không mấy cơm mà toàn độn sắn. Mấy bộ quần áo mẹ mặc toàn vá chằng đụp trước sau. Ấy thế mà cô gái nghèo ngày ấy vẫn trẻ trung, phơi phới đầy sức xuân. Mẹ cũng có mơ ước. Một cô gái đôi mươi cũng muốn gặp được chàng trai hiền lành, tốt bụng. Và rồi, ông trời xe duyên. Ngày mẹ gặp bố, bố ngồi tận trong nhà, mẹ ngồi ngoài hiên. Tình yêu của bố mẹ chỉ là những cái cười e thẹn, ngượng nghịu, là ánh mắt liêng liếc chẳng dám nhìn thẳng. Bố mẹ lấy nhau, không có ảnh cưới. Cỗ cưới chỉ là vài ba mâm cơm đạm bạc gọi là có báo cáo tổ tiên, xóm làng. Bố cũng nghèo nên có mẹ về cùng bố lo lắng từng bữa cơm. Ngày mẹ còn trẻ, phụ bố kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Mỗi sáng, mẹ đạp chiếc xe đạp cà tàng cũ của bố đi 30 cây số đổ nhựa đường thuê kiếm vài chục bạc. Thế nhưng, nụ cười mẹ vẫn nở trên môi. Người đàn bà khắc khổ ấy lúc nào cũng tươi tắn như bông hoa xương rồng được rèn rũa trong tiết trời khắc nghiệt. Mỗi lần có ai đó hỏi chúng tôi, mẹ làm nghề gì. Tôi thành thật và tự hào trả lời mẹ tôi là nông dân chân lấm tay bùn. Giọt mồ hôi mẹ tôi rơi thơm tho nhất mà tôi từng hít hà. Ánh mắt mẹ tôi đẹp nhất mà tôi từng nhìn. Đôi bàn tay mẹ tôi có thứ nhũ bóng vàng lung linh nhất màu của đồng ruộng. Vết chân chim trên đôi mắt, nếp nhăn trên mặt… và giờ là cả bàn tay gầy guộc tôi thấy cũng là thứ tuyệt vời nhất trên thế gian tôi từng được chạm vào. Tuổi thanh xuân rực rỡ. Đến bây giờ khi tuổi tác mẹ càng cao, mắt có mờ, sức khỏe có yếu và chân có chậm đi thì với chúng tôi mẹ bao giờ cũng là đẹp nhất. Một thời thanh xuân mẹ dành cho chúng tôi. Và giờ chúng tôi là thanh xuân của mẹ. Thanh xuân bao giờ cũng đẹp. Mẹ bao giờ cũng rực rỡ, sáng lung linh.”
(Tác giả: M.Ư)
Mẹ! Người phụ nữ tuổi dần có cuộc sống lận dận từ nhỏ cho đến bây giờ. Mẹ! Người phụ nữ bản lĩnh đi qua giông tố cuộc đời. Lúc nhỏ mẹ không may mắn như các bạn cùng trang lứa mà thiệt thòi hơn vì mẹ sống cùng ông cố chứ không sống cùng ông bà ngoại. Rồi lớn lên, mẹ yêu anh chàng học cùng lớp, nhưng rồi cuộc tình ấy cũng không đi đến được kết quả như mong đợi. Một thời gian sau mẹ yêu ba, người anh em kết nghĩa lúc bấy giờ. Cưới nhau được một năm, cuộc sống quá vất vả, ba quyết định vào Nam lập nghiệp, để lại mẹ cùng mình- đứa con gái vừa sinh còn đỏ hỏn ở lại quê. Ngày mình tròn 1 tuổi, ba về đưa 2 mẹ con đi cùng. Mẹ nói ngày đi, cả tiền mua vé tàu ba mẹ cũng không có đủ đành phải bán bớt đi nhưng đồ mà ba mẹ cho là quý giá nhất. Rồi cuộc sống mới cũng bắt đầu, tuy khó khăn nhưng mẹ cũng đã cùng ba vượt qua. Những tưởng đã ổn, nhưng năm mình được 2 tuổi thì mẹ có thai, lúc mẹ sinh em lại mất mùa nên khó khăn như đổ dồn. Rồi khó khăn nối tiếp khó khăn, vất vả chồng chất vất vả khi 1 năm sau mẹ lại sinh thêm cu út. Cũng may sau đó mẹ được ký hợp đồng làm công nhân cao su, để kiếm thêm thu nhập mẹ đi buôn pháo, còn ba vẫn làm cao su dưới tên mẹ. Mình còn nhớ như in hồi đó cứ mỗi dịp tết đến thì nhà nào cũng dốt pháo, tiếng pháo nổ đùng đùng nghe rất vui tai, bọn trẻ con như mình thì cứ đứng canh mà nhặt những viên pháo lép để đốt lại. Cuộc sống nhà mình ngày ấy đỡ vất vả hơn rất nhiều cũng nhờ một tay mẹ. Nhưng rồi, nhà nước cấm đốt pháo, gia đình mình như mất đi một nguồn thu nhập. Bà nội và cô 2 cũng vô đây sống cùng, khó khăn lại quay về với mẹ. Bởi với 1 chân công nhân mà nuôi tới 7, 8 người thì không thể nào đủ được. Vậy là mẹ với ba phải làm mọi việc có thể để kiếm thêm, cứ tới mùa đậu thì làm đậu, mùa lúa thì làm lúa, mùa bắp thì làm bắp,… Cứ như thế, cho đến ngày ba xin được vào được công nhân cao su cuộc sống nhà mình và cả mẹ lẫn ba mới đỡ cực hơn. Mấy chị em mình ngày một lớn, lần lượt bỏ ba mẹ đi học xa nhà. Ngày giấy báo trúng tuyển gửi về mẹ mừng rơi nước mắt. Và cứ mỗi đứa đi thì mẹ lại lo lắng không yên. Rồi mình lấy chồng, ngày đi đưa dâu mẹ khóc sưng cả mắt. Khi mình sinh con, mẹ cứ thấp thỏm đứng ngoài phòng sinh mà cầu nguyện,… Mẹ đã làm tất cả, từ việc cỏn con đến việc nặng nhọc nhất với mong muốn các con của mẹ sẽ không phải vất vả như những gì mẹ đã trải qua. Vậy mà 3 chị em mình hết đứa này đến đứa khác đã không ít lần làm cho mẹ khóc. Thế nhưng mọi lỗi lầm tụi mình gây ra đều được mẹ tha thứ cả. Mẹ! Người phụ nữ luôn nghĩ cho người khác, cả một đời đã dành hết tuổi thanh xuân của mình cho chồng, cho con, cho cháu. Nhìn lại những bức ảnh ngày ấy – bây giờ của mẹ. Mình phát hiện ra một điều, mẹ rất ít khi cười, nhưng lúc mẹ cười thì có lẽ đó là lúc mẹ đã cảm thấy hạnh phúc nhất. Giờ đây mình chỉ mong ước một điều, người phụ nữ tuổi Dần ấy sẽ đỡ vất vả hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. Hy vọng từ giờ trở đi mẹ sẽ có thời gian chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Và điều cuối cùng mình muốn nói đó là “Con cám ơn mẹ vì tất cả, con yêu mẹ!” (Tác giả: Hoàng Ny)
“… NGƯỜI ĐÀN BÀ DUY NHẤT CỦA TÔI. Con cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cã bốn mùa gió sương Chiều nay Trời lại mưa. Mưa rất to, đi học về trên con đường Minh Phụng, quận 11 thành phố HCM nước ngập cao quá khiến xe của tôi bị tắt máy. Tôi đành dắt xe đi bộ dưới mưa. Đi ngang cổng chợ Bình Thới tôi chợt nhớ chuyện ngày xưa.Tôi dừng bước, đứng tần ngần trong mưa. Tôi nhớ Mẹ của tôi!!! Mẹ kể cho tôi nghe rằng ngày xưa Mẹ tôi có cửa hàng bán đồ gia dụng trong chợ Bình Thới. Khi tôi được vài tháng tuổi thì nhà tôi không còn đàn ông. Mẹ trở thành đàn bà đơn thân. Mẹ bồng tôi về gởi cho ông bà Ngoại ở Mỹ Tho để Mẹ rảnh tay buôn bán. Lúc mới xa Mẹ, tôi khóc suốt đêm không ngủ. Mẹ cũng nhớ tôi lắm. Cứ vài đêm Mẹ tranh thủ về thăm và ngủ với tôi một đêm. Mẹ không muốn nghỉ bán ngày nào nên cứ tầm năm giờ chiều, khi tan chợ, Mẹ đi xe đò về đến Mỹ Tho. Khoảng tám giờ đêm thì tới nhà. Đêm nằm ôm tôi Mẹ không dám ngủ. Mẹ hồi hộp đếm tường tiếng gỏ của chiếc đồng hồ treo tường. Mẹ cứ mong trời lâu sáng để Mẹ được nằm với tôi lâu hơn. Ba giờ khuya Mẹ phải thức dậy trở về thành phố cho kịp buổi chợ. Đường quê khuya khoắt vắng vẻ, Mẹ phải đi bộ hai cây số mới đến bến xe đò. Mỗi lần đi ngang qua bãi tha ma ở chùa Vĩnh Tràng Mẹ tôi sợ lắm. Chẳng phải Mẹ sợ ma mà Mẹ sợ kẻ gian. Mỗi khi đi ngang nơi ấy Mẹ tôi cố tình nói chuyện thật lớn vờ như đang nói chuyện với ai đó. Mẹ tôi nghĩ rằng nghe tiếng nói của Mẹ, người xấu sẽ lầm tưởng là Mẹ cùng đi với nhiều người và họ không dám tấn công Mẹ. Vừa đi Mẹ vừa khóc, khóc vì tủi thân, khóc vì thương Ngoại và thương tôi. Dần dần, tôi quen hơi Ngoại không khóc nữa. Tôi hay ăn chóng lớn. Mẹ yên tâm buôn bán, ít về thăm tôi hơn. Nhưng lần nào về Mẹ cũng mua cho tôi rất nhiều bánh kẹo, quần áo, thuốc bổ và đồ chơi. Tôi là con trai nên đồ chơi của tôi toàn là xe. Đủ cở, đủ loại, xe lớn, xe nhỏ, xe hai bánh, ba bánh, bốn bánh… Nhà Ngoại từ đó trở thành cái bến xe của tôi. Ngày Tết thiếu nhi năm 2000. Lúc ấy, tôi lên sáu tuồi. Mẹ về xin phép Ngoại rước tôi lên thành phố chơi. Chiều hôm ấy, Mẹ nghỉ bán, Mẹ đưa tôi đi chơi. Hai mẹ con đi tiệm chụp chung mấy tấm ảnh. Đó là lần đầu tiên hai Mẹ con tôi chụp ảnh với nhau. Chụp ảnh xong, Mẹ con tôi ghé tiệm cho thuê thú nhún. Những con thú đủ màu, đủ loại, chỉ cần bỏ vào bụng nó một cái thẻ thì nó vừa hát vừa nhúng theo điệu nhạc. Mẹ tôi mua thẻ cho tôi cưỡi thú.Tôi thích lắm. Tôi cưỡi hết con thú nầy sang đến khác. Trời mưa to quá, khi ra khỏi tiệm thì nước mưa dâng cao ngập hết đường đi. Chỉ cần băng ngang đường Minh Phụng là tôi có thể về đến nhà nhưng Mẹ lại gọi xích lô cho tôi khỏi bị ướt mà người ta kêu giá mắc quá, Mẹ tôi tiếc tiền. Mẹ nói để dành tiền đó lần sau Mẹ mua thẻ cho tôi chơi. Thế là Mẹ trùm tôi thật kỹ trong cái áo mưa, rồi Mẹ xắn quần cao khỏi gối. Một tay bồng tôi, một tay cầm đôi dép và cả cái bong bóng mà chủ tiệm thú nhún vừa cho tôi. Mẹ bồng tôi, đội mưa lội xuống đường Minh Phụng, băng qua dãy phân cách rồi rẽ vào cổng chợ. Lúc ấy dãy phân cách còn thấp ngang gối chưa xây cao như bây giờ. Mẹ luôn miệng nhắc tôi, ôm cổ mẹ thật chặt. Mẹ dò dẫm từng bước chân. Mẹ sợ hai mẹ con rơi xuống cống nhưng tôi cứ vô tư cười nói lắc lư trên tay Mẹ ra chiều thích thú lắm. Đường trong chợ tối om om và dài hun hút. Về đến nhà, Mẹ ướt ngoi trong khi tôi không bị dính giọt nước nào. Mẹ thay quần áo rồi dọn cơm. Nồi cơm Mẹ nấu sẵn trên bếp điện trước khi đi nên còn nóng hổi. Trời đang rả rích mưa, tôi ngồi trong nhà ăn cơm nóng thật ngon, thật ấm áp. Mấy năm sau, Ngoại già yếu không đủ sức để chăm sóc cho tôi được nữa nên Mẹ nghỉ bán trở về chăm sóc ông bà Ngoại và tôi. Với tôi lúc nào Mẹ cũng nhỏ nhẹ bảo ban. Mỗi khi tôi có điều chi lầm lỗi, chưa kịp quở mắng tôi câu nào thì Mẹ đã giọt ngắn, giọt dài. Mẹ luôn ân cần nhắc nhở ngọt ngào tình cảm chứ không la mắng tôi bao giờ. Mẹ tảo tần xuôi ngược để nuôi dạy tôi ăn học. Tôi vào đại học nên phải trở lên thành phố trọ học Ngày nghỉ tôi về quê thăm Mẹ của tôi. Hai mẹ con tôi không có duyên sống gần nhau. Lúc Mẹ còn buôn bán ở thành phố thì tôi lại ở dưới quê. Hai mẹ con mới sống gần nhau chỉ vài năm thì tôi trở lên thành phố trọ học, còn Mẹ lại phải ở dưới quê. Mỗi lần tôi về rồi đi Mẹ lại khóc giống như ngày xưa mỗi lần Mẹ về rồi đi tôi cũng khóc như thế. Nó giống như một điêp khúc buồn. Mẹ tôi lớn hơn tôi bốn mươi tuổi. Cả đời Mẹ cực khổ khốn khó nuôi tôi- Đứa con trai duy nhất của Mẹ- Mẹ chắt chiu từng đồng bạc để dành cho tôi. Có cái gì tốt đẹp, ngon ngọt Mẹ cũng nhịn nhục dành phần cho tôi. Mẹ tôi dù cơ cực nhưng lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan, yệu đời, tâm hồn trẻ trung lắm. Mẹ rất thích chụp ảnh. Lần nào tôi về, hai Mẹ con tôi cũng cùng nhau chụp những tấm ảnh để dành lưu niệm. Hôm nay, trên đường đi học về ngang đường Minh Phụng nhìn cảnh cũ tôi nhớ Mẹ tôi, nhớ lại kỷ niệm xưa. Chuyện của trên mười năm về trước mà tôi nghe như mới xãy ra hôm qua. Tôi giơ tay vuốt những giọt nước trên mặt mình. Nước mưa hay nước mắt của tôi đây? Tôi chợt ao ước phải chi ngay lúc nầy tôi được ngồi cạnh Mẹ tôi. Tôi được ăn chén cơm nóng hổi còn bốc khói của Mẹ. Phải chi tôi còn bé bỏng như xưa để được ngày ngày sống gần bên Mẹ. Bây giờ, tôi là sinh viên năm cuối của trường đại học Bách Khoa. Tôi mong sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được một việc làm ổn định, nhất định tôi sẽ rước Mẹ về sống gần bên tôi. Tôi sẽ chăm sóc để Mẹ tôi được an nhàn, vui vẻ trong lúc tuổi già bóng xế nhằm bù đắp lại những gian nan vất vả mà Mẹ tôi đã từng phải chịu đựng trong những năm tháng qua. Mẹ tôi là người đàn bà quê mùa, nghèo khó, bình thường như bao nhiêu người đàn bà bình thường khác. Mẹ không có quyền cao chức rộng, ngoài xã hội Mẹ không có gì đặc biệt nhưng với tôi thì Mẹ rất đặc biệt. Đặc biệt vì trên đời nầy Mẹ là người đàn bà duy nhất tôi thương và thương tôi…” (Tác giả: Đặng Thiên Thanh)
“Mẹ lấy chồng sớm. Sinh thành dưỡng dục 8 đứa con. Không biết có vì vậy mà tuổi thanh xuân của mẹ trôi nhanh hơn? Mẹ có điều gì hối tiếc vì khi trẻ chưa làm được không? Dù bây giờ mẹ có dâu, có rể, cháu nội, cháu ngoại. Đối với mẹ con mãi là đứa con bé bỏng. Còn đối với con mẹ là người phụ nữ tuyệt vời và xinh đẹp nhất. Con yêu mẹ.” (Tác giả: Thùy Thùy)
“Hai bức hình và một sự thay đổi rõ rệt. Mẹ tôi trước kia là một cô gái xinh đẹp. Một hoa khôi của trường, của lớp. Đối với thời xưa, tôi nghĩ rằng hồi ấy mẹ tôi là một người có gu ăn mặc và có cá tính. Mẹ kể với tôi. Trước kia mẹ tôi có một tuổi trẻ sôi nổi lắm. Mẹ theo các anh chị đi làm các hoạt động văn nghệ. Bởi mẹ có một giọng hát hay và thu hút. Có lần bị ông bà ngoại cấm không cho đi nữa. Nhưng mẹ đã tìm cách phải đi bằng được. Mẹ nói mẹ không thể bỏ buổi diễn cùng bạn bè vì chữ tín. Về đến nhà thì kết quả mẹ bị cấm tiệt đi chơi 1 tuần sau đó. Mà ngày xưa mẹ có nhiều bạn bè và sôi nổi tham gia các hoạt động lắm. Vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại nên mẹ luôn hết mình với sức trẻ của mình. Mẹ là một người bản lĩnh, tự tin và hoà đồng với mọi người. Mẹ chẳng nề hà điều gì mà luôn sống hết mình vì mọi người. Đến bây giờ tôi vẫn thấy điều đó luôn hiện hữu trong mẹ. Tôi yêu cách sống chân thành của mẹ. Lật ngược những trang ảnh tìm về ngày trẻ của mẹ. Tôi thấy một cô gái đầy nhiệt huyết và thanh xuân. Nhìn lại một thời đã qua tôi hiểu mẹ sẽ chẳng bao giờ hối hận bởi tuổi trẻ của mình. Vì mẹ đã sống hết mình như thế. Nhưng sau khi mẹ kết hôn với bố và có chúng tôi. Mẹ nói sức trẻ của mẹ là dành tất cả cho các con chính là chúng tôi. Bởi cuộc sống mưu sinh mà mẹ bôn ba, vất vả ngược xuôi. Mẹ không nề hà điều gì để chị em tôi có một cuộc sống đủ đầy. Từ một cô gái trẻ trung, sôi nổi. Mẹ trầm tư hơn. Từ một cô gái ăn mặc phong cách thì giờ đây mẹ đã dịu dàng và đằm thắm hơn hẳn. Thời gian và sự vất vả đã thay đổi hoàn toàn mẹ của tôi. Nhưng những đức tính tốt đẹp và cá tính bên trong của mẹ tôi nghĩ mãi mãi sẽ chẳng bao giờ đổi thay. Dù cho có nhiêu dấu vết của thời gian đã bủa vây lấy mẹ. Thì đối với tôi mẹ vẫn là người xinh đẹp, bản lĩnh và tốt nhất trong cuộc đời. Con yêu mẹ nhiều lắm! Mẹ yêu của con!” (Tác giả: Ngọc Nguyễn)
“MẸ! NGƯỜI TUYỆT VỜI NHẤT Khi con chưa làm mẹ, con chưa hiểu hết những nỗi nhọc nhằn mà mẹ phải trải qua. Chỉ khi con đã là mẹ của hai đứa trẻ, con mới thấy thấm thía câu nói: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ…”. Mẹ sinh ra trong thời chiến, những năm tháng thanh xuân của mẹ là những năm đi phá đá mở đường. Trở về với cuộc sống đời thường, mẹ cùng bố nuôi 4 đứa con trong những tháng ngày khó khăn nhất. Con nhớ, những ngày thơ ấu, mẹ không bao giờ được ăn một miếng ngon vì đàn con đông đúc, háu đói. Bữa cơm của mẹ bao giờ cũng vội vàng vì ăn xong mẹ còn làm bao nhiêu việc khác. Rồi chúng con lớn lên, vì cuộc sống mưu sinh mà đứa Nam, đứa Bắc. Thỉnh thoảng, cuối tuần có đứa về thăm mẹ. Nhà mình vẫn như xưa, chỉ hàng cau trước ngõ nay đã cao hơn nhiều lắm. Mẹ vẫn vậy, vẫn đợi chúng con về để dúi vào tay mỗi đứa chục quả trứng gà, vài nải chuối tiêu. Con cầm lên phố mà nước mắt rưng rưng trước những nỗi niềm. Mẹ ơi, đã hơn 60 tuổi rồi mà mẹ vẫn chưa hết những nỗi lo. Con từng bảo, bây giờ chúng con đã trưởng thành. Mẹ không còn phải lo cho chúng con nữa. Đời mẹ khổ nhiều rồi, bây giờ những năm tháng tuổi già mẹ hãy sống thật thanh thản để các con các cháu được vui vầy. Mẹ bảo: “Mẹ thương chúng mày nhiều, tất bật sống ở phố, lo toan đủ thứ, lại không được ăn thức ăn sạch như ở quê mình”. Con lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt vì thương mẹ. Mẹ ơi, đến bao giờ thì đời mẹ hết những nỗi lo. Bây giờ, đã đến cái tuổi xế chiều nhưng mẹ vẫn còn dõi theo từng đứa giống như ngày chúng con đang còn chập chững bước đi. Tuổi già đến, bệnh tật dày vò nhưng mẹ chẳng hề kêu ca. Mẹ sợ lỡ chúng con lo lắng mà phải bỏ việc về quê thì tội nên đôi khi mẹ cứ im lặng chịu đựng một mình. Con biết chân khớp của mẹ nhức nhối hành hạ mỗi khi trái gió trở trời nhưng con điện về mẹ đều không nói. Lại thêm cái lần mẹ gẫy chân trái gần đây phải ngồi một chỗ mấy tháng trời… Con ước bệnh của mẹ thuyên giảm nhiều hơn, đôi chân không còn sưng to mỗi khi thời tiết thay đổi để chúng con mãi thấy mẹ với nụ cười hiền hậu mỗi khi trở về nhà mình… Mẹ nhé. Con yêu mẹ rất nhiều, mẹ ơi! Cảm ơn Đẹp Magazine đã cho tôi có cơ hội được bày tỏ lòng mình với mẹ.” (Tác giả: Lê Thị Thu Thủy)
“Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, từ thưở nhỏ mẹ đã vất vả, mẹ tôi phải lo toan và phụ giúp ông bà ngoại để có được cái ăn cái mặc hằng ngày nuôi sống cả gia đình.Sau năm 1975, lúc đó, mẹ tôi khoảng 15 tuổi, một thân một mình vào miền nam mưu sinh, và mẹ tôi cũng kiếm được việc, mẹ bắt đầu làm quen với công việc và cuộc sống hiện tại cùng các cô các chú trong đơn vị. Mẹ kể với tôi rằng: thời đó, mẹ là một cô gái rất xinh xắn, hoạt bát, mẹ luôn tham gia mọi hoạt động trong đơn vị, bất kể việc gì mẹ cũng làm được, mẹ không nề hà điều gì, mẹ luôn sống hết mình với mọi người xung quanh. Tuổi trẻ của mẹ tôi lúc bấy giờ rất sôi nổi, tự tin, năng động và đầy nhiệt huyết. Nhưng sau khi kết hôn với bố, cuộc sống của mẹ tôi trở nên khó khăn và mẹ càng vất vả hơn khi sinh ra chị em chúng tôi, mẹ bắt đầu nghỉ làm ở đơn vị; bố tôi thì đi bộ đội công tác nên không thường xuyên ở nhà, một tay mẹ tôi lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho chúng tôi. Hằng ngày, mẹ tần tảo thức đêm dậy sớm để buôn bán hàng gánh; rồi chuyển qua buôn bán ở chợ, mẹ cứ mãi bôn ba kiếm sống mưu sinh nuôi chúng tôi ăn học; mẹ luôn dành tất cả tình yêu tình thương , những điều tốt đẹp nhất dành cho chúng tôi.Tuy mẹ buôn bán ngoài chợ đời cực khổ, nhưng mẹ không bao giờ để chúng tôi ra đời bôn ba cực khổ giống mẹ, mẹ gánh hết những điều gian nan, khổ cực ấy vào tấm thân mẹ, không muốn con cái cực khổ giống mẹ. Bên cạnh đó, mẹ lúc nào cũng khuyên chúng tôi phải chăm ngon học hành, phải có kiến thức, để mai này cuộc sống của tụi con sẽ tốt hơn, hạnh phúc và ấm no hơn các con nhé. Và cuộc sống mưu sinh đã làm thay đổi mẹ tôi rất nhiều, mẹ tôi có nhiều vết tích trên cơ thể hơn, mẹ gặp phải tai nạn và bị gãy chân , có lẽ mẹ không gặp may mắn như bao người khác , mẹ luôn phải vật lộn cuộc sống hiện tại vì miếng cơm manh áo, sóng gió cuộc đời cứ bủa vây mẹ , mẹ lại bị gãy chân ở chỗ cũ lần thứ hai, chỉ bao nhiêu dấu tích đó thôi, cũng đủ làm mẹ tôi thay đổi rất nhiều.Bản thân tôi cũng cảm nhận, ở cuộc sống hiện tại, mẹ tôi cũng trầm lặng hơn trong suy nghĩ, mẹ không còn trẻ trung sôi nổi như lúc còn làm ở đơn vị nữa, thời gian đã làm mẹ tôi thay đổi rất nhiều. Vâng, dù thời gian có thay đổi, có tạo ra bao nhiêu vết tích, đã thay đổi mẹ tôi như thế nào thì đối với tôi, mẹ vẫn mãi là người xinh đẹp, bản lĩnh, tốt nhất trong cuộc đời này, vì không có mẹ sẽ không có cuộc sống tốt đẹp cho chúng tôi ngày hôm nay. Chúng con yêu mẹ nhiều lắm. Mãi yêu mẹ!!!” (Tác giả: Thu Phương)
“THỜI THANH XUÂN CỦA MẸ”
Bạn có bao giờ tự hỏi: Tuổi trẻ của mẹ mình, nó như thế nào nhỉ? Đó là một cô gái đôi mươi nhút nhát, mơ mộng, trái ngược với “mẹ hổ” thường ngày, là cô sinh viên sôi nổi với trái tim đầy ắp ước vọng hay một người phụ nữ bản lĩnh đã đi qua bao giông gió cuộc đời? Hãy chia sẻ câu chuyện “thanh xuân rực rỡ” của mẹ để có cơ hội nhận phần thưởng cực hấp dẫn từ Tạp chí Đẹp!
Cuộc thi diễn ra từ ngày 11/10/2017 đến ngày 22/10/2017.
Tham gia ngay tại: https://www.facebook.com/tapchidep/posts/1015800288561856
Thực hiện: depweb