1973, Paul Theroux bắt đầu cuộc hành trình xuyên châu Á. Ông miên man, ròng rã trên những chuyến tàu (khởi hành từ London đến các nước Trung Đông, qua Ấn Độ và Đông Nam Á, đến Nhật Bản, rồi lên tàu xuyên Siberia qua Nga về lại châu Âu) trong hơn bốn tháng.
Paul Theroux đã có một chuyến du ngoạn thực sự vào trong lòng phương Đông huyền bí. Sau chuyến đi, cuốn du ký lừng danh “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” đã ra đời.
Ông đã dựng nên một bức tranh phương Đông đầy cuốn hút với những mảnh ghép nhiều màu vẻ: Thổ Nhĩ Kỳ với công cuộc hiện đại hóa dè dặt; Iran và những ẩn ức xã hội về giới tính; Afganistan bất ổn, đem lại cảm giác bị cầm tù; Ấn Độ với những đền đài long lanh nhưng chưa vượt thoát được nỗi ám ảnh nghèo đói; Singapore sạch sẽ, ngăn nắp đến nhàm chán; Thái Lan náo nhiệt, dậy mùi giải trí; Nhật Bản tiện nghi nhưng con người dường như đã thành cỗ máy…
Trên hành trình khám phá phương Đông, Paul Theroux cũng đã đến Việt Nam, lên con tàu băng qua đèo Hải Vân. Ông ngỡ ngàng nhận ra, trong suốt chặng đường ấy, đây là vùng đất của những cảnh tượng thiên nhiên thơ mộng nhất.
“Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất… Chúng tôi đang đi trên viền một vùng vịnh màu xanh lá cây lung linh tươi sáng trong ánh nắng. Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những vách đá nhô ra và cảnh tượng một thung lũng rộng lớn tới mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh Mặt Trời, khói, mưa và mây – những khối màu độc lập. Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này.” – Paul Theroux viết.
Phương Đông không chỉ có những cảnh đẹp mê đắm mà còn có những phận người đầy ám ảnh. Đó là câu chuyện về một tín đồ cuồng tín, một kẻ “chết mòn” hay một người đang loay hoay đi tìm miền đất hứa… mà ông gặp trên những chuyến tàu hay những trạm dừng chân.
Với Paul Theroux, những chuyến tàu phương Đông giống như những phiên chợ, hấp dẫn lữ khách bởi hương vị tràn trề và cả những nét bí ẩn, lạ lùng, không thể lý giải. Đó không chỉ là nơi để mua-bán mà còn là chốn hẹn hò, gặp gỡ, bàn mưu tính kế, thậm chí “trả đũa” nhau.
Bởi thế, nó luôn náo động và đầy màu sắc; mang lại cho Paul Theroux những cảm xúc trái ngược nhau: khi thảnh thơi-lúc căng thẳng, khi thú vị-lúc ghê sợ.
Paul Theroux giúp người đọc cảm nhận rõ nét nhịp sống, bối cảnh xã hội đặc trưng ở các nước phương Đông những năm đầu thập niên 1970. Cảnh sắc, con người phương Đông cứ “lướt qua ngoài cửa sổ” nhưng không hề trôi tuột đi. Paul Theroux đã chắt lọc lại những gì đặc trưng nhất.
Điểm xuyết vào đó là những phút thăng hoa của chính tác giả khi bắt gặp những cô gái xinh đẹp, e lệ trên đường đi: “Phút chốc, tôi đã nghĩ đến việc nhảy khỏi tàu, rồi cầu hôn, vứt bỏ cả cuộc đời để theo một trong những tiên nữ ấy.”
Với sự tinh tế, đôi mắt sắc sảo cùng ngòi bút đầy biến hóa (lúc bay bổng-khi giễu nhại, giọng điệu lạnh lùng, dằn vặt, đầy triết lý, chiêm nghiệm đan xen cùng sự hài hước) của Paul Theroux đã khiến cho phương Đông hiện ra sống động. Đôi lúc, người đọc cảm giác như có thể ngửi thấy, nếm được và chạm vào những khung cảnh, sản vật… mà Paul Theroux miêu tả.
Khép lại hành trình xuyên châu Á cùng Paul Theroux, chắc hẳn, những kẻ đam mê “xê dịch” sẽ cảm thấy thôi thúc việc khoác balo, nhảy lên tàu, bỏ lại phía sau cuộc sống với những thói quen lặp lại đều đều.
“Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” truyền đến độc giả cảm hứng về việc đi để trải nghiệm, hít hà những hương vị mới, lắng nghe những thanh âm của đời sống và lặng nhìn mọi thứ “lướt qua cửa sổ” trong một trạng thái lâng lâng sung sướng.
Với “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ,” Paul Theroux đã khởi xướng cho cuộc bung nở của thể loại du ký hiện đại. Đó là cuốn du ký đầu tiên nhưng đã lập tức biến Paul Theroux trở thành một tên tuổi lớn. Paul Theroux không phải là nhà văn của những bí ẩn nội tâm mà là nhà văn của những chuyến đi, đam mê “xê dịch” và của những con người, vùng đất xa xôi.