Kết hôn là bước tiến mới trong cuộc đời của một người phụ nữ, tuy nhiên hôn nhân so với lúc đang yêu không hề giống nhau. Thường phải mất một khoảng thời gian để “vợ chồng son” điều chỉnh những cảm xúc mới, những mối quan hệ mới và cả những trải nghiệm mới trong cuộc sống hôn nhân. Trong quá trình thích nghi, người con gái luôn chịu nhiều khó khăn hơn, đặc biệt trong các trường hợp cặp đôi không ở riêng mà sống cùng gia đình bên chồng. Phải rời xa gia đình ruột thịt (ở một số nước, vợ còn phải đổi tên họ theo chồng) và xách va li đến một môi trường xa lạ nên người phụ nữ luôn cần chú ý đến trách nhiệm và cách đối đãi trong các mối quan hệ mới.
Xét về mặt tâm lý học, phụ nữ thường có cảm xúc mạnh mẽ hơn đàn ông, và dường như đó là lý do tại sao họ có thể nắm bắt nhiều thay đổi cùng một lúc. Cảm giác thật hạnh phúc khi được sống bên cạnh người mình yêu thương nhưng làm sao để giải quyết những vấn đề và áp lực vượt quá tầm kiểm soát? Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp một nàng dâu mới làm tốt vai trò đặc biệt này.
1. Hãy là chính bạn
Muốn hiểu được người khác, trước tiên bạn phải hiểu rõ bản thân mình. Trên đời này không có thứ gì hoàn hảo, hôn nhân cũng vậy. Bạn muốn việc A nhưng kết quả lại là B, hoặc C, thậm chí D, E, F! Phải làm thế nào để không bị tổn thương? Đừng mong đợi mọi thứ phải đúng “chuẩn”, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Để có một cuộc sống thoải mái và tự nhiên, hãy thể hiện đúng với bản chất của bạn. Không nên áp đặt những cảm xúc giả tạo, nịnh bợ hay ăn mặc quá diêm dúa. Những hành động đó sẽ sớm trở thành thói quen và người khác sẽ soi mói nếu họ phát hiện ra những khác biệt không hay từ bạn, đặc biệt là chồng – người sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bạn trong cùng một nơi gọi là “nhà”. Và tất nhiên điều này cũng áp dụng với cả những “người nhà” mới của bạn, trong đó có mẹ chồng.
2. Thẳng thắn trong các mối quan hệ
Bạn cần có mối quan hệ nhất định với các thành viên trong gia đình chồng. Là người cùng một nhà, hãy cởi mở với họ và có thể đề cập đến những nhu cầu của bạn cũng như hiểu về nhu cầu của đối phương. Có một câu nói đại loại rằng, hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn họ đối xử với bạn.
Đột nhiên mẹ chồng yêu cầu bạn về nhà gấp, hay thi thoảng bà thường “dọn dẹp” phòng ngủ của vợ chồng bạn? Nếu có điều gì chưa hiểu, hãy thẳng thắn hỏi và trao đổi. Cái gì cũng có lý do của nó. Các mối quan hệ lâu dài đều cần đến sự thân thuộc và thấu hiểu. Càng kiềm nén thì sẽ càng có nhiều ẩn khuất bạn phải chịu đựng. Người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập cũng cần một chút khéo léo. Thẳng thắn đôi khi là sự lựa chọn hoàn hảo nhưng cũng không nên quá hống hách, chỉ cần đừng chịu đựng mọi thứ trong im lặng.
3. Quan sát và thấu hiểu
Dành thời gian để quan sát và phân tích hành vi, nhu cầu cũng như mong đợi của mọi người. Nếu trong nhà có đám giỗ, bạn cần dành thời gian xem văn hóa gia đình như thế nào, đối đãi với họ hàng ra sao để hiểu cách cư xử của mọi người trong một đại gia đình. Đừng vội kết luận về bất cứ ai mà hãy dành một khoảng thời gian để hiểu họ, từ đó đưa ra những hành động phù hợp với nhu cầu của cả hai bên. Sự chuẩn bị trước này sẽ giúp ích cho tất cả mọi người.
Có thể khi ở cùng cha mẹ, bạn là một cô công chúa. Nhưng khi đã kết hôn, bạn là một người phụ nữ đã có gia đình. Bạn có thể trở thành “công chúa” của chồng bạn, nhưng không thể là công chúa của cả gia đình nhà chồng. Hôn nhân đi kèm với trách nhiệm, quan sát và thấu hiểu. Nếu mẹ chồng, hoặc bố chồng, hoặc người anh trai, chị dâu tỏ vẻ khó chịu, hãy khéo léo quan sát xem họ đang gặp vấn đề gì trước khi nghĩ rằng bạn đang bị họ “làm khó”. Đôi khi một lời hỏi thăm chân thành sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chia sẻ những điều tế nhị với nhau.
4. Học hỏi cách giải quyết các việc trong nhà
Mỗi gia đình có những yêu cầu và cách xử lý mọi việc khác nhau nên bạn cần phải học hỏi cho đến khi quen thuộc. Vậy làm thế nào để trở thành một nàng dâu tốt biết quán xuyến công việc gia đình như một “tề gia nội trợ”? Hãy bắt đầu bằng các việc lặt vặt hoặc hỗ trợ việc lớn hơn, nhưng cần chú ý để nắm được cách làm việc. Đừng cố gắng thay đổi mọi thứ cho thuận tiện với mình và không được tự ý làm chủ khi chưa hiểu rõ. Trong trường hợp này, quan sát và thấu hiểu luôn là cách hay nhất (xem lại ý 3).
Nếu việc xảy đến không chỉ là việc riêng của hai vợ chồng, hãy bàn bạc với chồng bạn trước khi lên tiếng để anh ấy cùng bạn đưa ra cách giải quyết thỏa đáng. Mẹ chồng bạn cũng sẽ đánh giá cao một cô con dâu biết tham khảo ý kiến mình, có khi còn giúp bạn có những lưu ý trong đời sống của đại gia đình. Bởi cả bạn và mẹ chồng cũng là những nàng dâu, phải không nào?
5. Kết nối với nhau bằng những bữa ăn
Những người sống chung dưới một mái nhà nên dùng bữa cùng nhau. Cho dù quá bận rộn thì bạn cũng nên ngồi cùng bàn với gia đình chồng ít nhất một bữa ăn mỗi ngày. Nếu không thể cùng ăn cơm thì hãy uống trà hoặc ăn nhẹ với nhau. Thức ăn là một trong những thứ tuyệt vời để các mối quan hệ trở nên gắn bó. Các bà mẹ chồng (mà có khi là cả mẹ bạn nữa) luôn mong muốn trở thành nguồn cung cấp thực phẩm cho các con. Nhiều cô dâu đã thành công trong việc kết nối cùng mẹ chồng qua các lần cùng nhau nấu nướng.
Chỉ cần quan sát và tinh ý một chút, bạn có thể hiểu được sở thích của từng người trong gia đình qua công việc tưởng chừng như rất đơn giản này: Ví dụ như bố chồng bạn không ăn cay vì bị đau dạ dày, mẹ chồng bạn thường ăn lạt nhưng vì chiều cậu con trai (tức chồng bạn) nên luôn chuẩn bị các món đậm gia vị … Hãy nhớ, kết thân qua đường dạ dày luôn mang lại kết quả lớn.
Không cần mưu mẹo hay tính toán, theo thời gian, bạn sẽ tìm ra cách để trở thành cô con dâu hoàn hảo. Hãy làm theo năm bước trên để bắt đầu và tiếp tục khám phá ra nhiều cách để hòa hợp với gia đình mới. Không nên để vai trò làm dâu, làm vợ khiến bạn bị áp lực. Hãy thật tự nhiên, hòa hợp và bạn sẽ tìm được hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân.
Các cô gái, lấy chồng và sống chung với mẹ chồng đâu đến nỗi “đáng sợ” như phim ảnh, phải không nào?