“Một ngọn núi phải trơ cùng tuế nguyệt
mất bao năm trước khi bị nước cuốn ra biển?
Người ta phải ngoảnh mặt bao lần để ra vẻ như không nhìn thấy gì…”.
(Ca khúc “Blowin’ in the wind” của Bob Dylan – người vừa nhận giải Nobel văn học 2016)
Dì chị, một người hiền thục vui tính mỗi khi có chuyện không vui vẫn hay nói “Thôi, bỏ hết lên kệ!”. Bỏ hết lên kệ, cũng là cách ra vẻ như không nhìn thấy, làm bộ quên. Có một bài viết về người Sài Gòn nhiệt tâm, hào sảng. Bài dài, chị không nhớ hết tình tiết, nhưng không thể quên đoạn bình luận đáng yêu của độc giả Nguyễn Hà: “Ghét nhất là chỉ đường không thấy cảm ơn. Mà thôi kệ, không chỉ thì họ đi lạc, tội nghiệp lắm”. Con người hẳn dễ sống hơn khi biết (cách) bỏ qua những vết thương nhỏ…
Chị từng rất cảm kích khi đọc trả lời phỏng vấn của đạo diễn Ái Như nhân kỷ niệm sinh nhật sân khấu Hoàng Thái Thanh: “Chúng tôi cũng cần tiền lắm chứ, nhưng nếu chỉ nghĩ đến lời, lỗ; hẳn sân khấu không thể trụ nổi suốt 5 năm qua. Các vở diễn của chúng tôi may lắm thì hòa vốn, còn lại phải bù lỗ. Chúng tôi cứ giả vờ quên đi, không nghĩ đến những đồng vốn đã bỏ ra. Tiền bán vé lại dùng để đầu tư vở mới. Nghĩ như vậy, chúng tôi thấy nhẹ nhõm hơn, có hứng thú hơn để làm nghề”.
Một nghệ sĩ nổi tiếng tài năng, chủ một sân khấu nổi tiếng nghiêm túc đã khiến những người yêu văn hóa chạnh lòng, khi thú nhận phải làm bộ quên những thâm hụt tài chính để tiếp tục đam mê sân khấu, tiếp tục gìn giữ không gian nghệ thuật chị hằng đeo đuổi. Muốn quên cũng cần có sức mạnh tinh thần.
Trong vở kịch “Giờ của quỷ” của sân khấu Hồng Hạc, nhân vật Du Miên khi tranh cãi với hôn phu về hạnh phúc, có câu thoại rất hay: “Anh nhầm. Hạnh phúc của chị dâu anh được làm nên bởi sức chịu đựng rất cao và một trí nhớ rất kém”. Chị thì tin nhân vật Thanh Xuân (chị dâu) không phải nhớ rất kém mà làm bộ quên rất giỏi.
Như một người đàn ông đã tâm sự trên báo: Anh và vợ quen nhau qua mạng xã hội. Vì bà ngoại chị yếu nên gia đình chị giục anh cưới gấp. Quen và cưới chỉ vỏn vẹn trong tháng, nhưng anh vẫn nghĩ tình yêu này chín chắn và tự đáy lòng rất yêu vợ, mong muốn có con ngay. Mong muốn của anh lập tức viên mãn.
Một hôm, đang ăn tiệc cùng công ty thì anh được người nhà báo tin vợ chuyển dạ. Khi anh vào đến viện thì vợ đã sinh. Bạn bè anh cứ trêu con sinh non không giống anh, khuyên anh hỏi lại bác sĩ… Nhân ngày con đầy tháng, trước nghi ngờ của anh, vợ thú nhận trước khi cưới có quan hệ đôi lần với người yêu cũ. Chị đề nghị xét nghiệm ADN và chấp nhận mọi quyết định của chồng. Choáng váng, ghen tuông, nhưng anh nấn ná đi tìm sự thật. Mỗi khi nhìn vợ, ôm con, anh lại thầm hỏi: “Hiện tại ta cần gì?”.
Ngày đi lấy kết quả huyết thống, anh để chị chờ bên ngoài. Khi bước ra, anh mừng rỡ thông báo em bé là con anh. Chị đòi xem kết quả nhưng anh từ chối, bảo anh nói thật và chị xem cũng không hiểu. Họ ra về trong niềm vui sướng. Giờ con anh đã bốn tuổi, gia đình vui tươi, hạnh phúc. Chuyện xét nghiệm ADN nở rộ khiến anh nhớ vụ “làm bộ quên” hôm ấy.
Rằng chính anh cũng không xem kết quả, đã tiêu hủy nó, như cách trả lời câu tự vấn: Hiện tại ta cần gì?
Vài tháng trước, báo đăng người đàn ông tên Dũng bắt được con cá hô nặng gần 130kg. Khi về đến bến, ông gọi ngay cho chị thương lái quen. Chị đến xem, ra giá 1,5 triệu/kg. Sau đó có chủ cơ sở nuôi chim ở xa gọi điện ra giá cao hơn, với lý do thích nuôi chứ không làm thực phẩm. Ông Dũng đang phân vân lạ-quen thì đứa cháu gọi ông bằng chú đề nghị mua với giá 1,5 triệu/ký. Ông Dũng bán ngay cho cháu vì “cũng giá đó, bán cho cháu mình vẫn hay hơn”. Đứa cháu hân hoan ôm cá đi.
Điều không hay sau đó là cháu ông chỉ thanh toán 1 triệu/kg thay vì triệu rưỡi, khiến ông chú mất hơn 60 triệu. Đem số tiền hơn trăm triệu trích ra một ít chia vui với bạn bè, lối xóm, dẫn vợ về quê thăm tứ thân phụ mẫu, ông Dũng đã làm bộ quên rất giỏi với câu nói: “Có sao đâu, cháu ăn thì cũng như mình ăn”.
Không biết phát hiện này có thúc đẩy các nghiên cứu tương lai về việc khôi phục trí nhớ cho người mắc chứng hay quên không, nhưng rõ ràng con người phải làm bộ quên, ra vẻ không nhìn thấy nhiều thứ, mới sống nổi…
Trong một công bố y học, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) nói khi tiến hành thí nghiệm trên chuột, họ nhận thấy phần trí nhớ bị quên của chúng không mất vĩnh viễn mà lưu lại ở một số tế bào não chúng không tự tìm lại được.
Từ phát hiện đó, các nhà khoa học đã dùng ánh sáng để “nhắc” các tế bào não kia hoạt động, giúp chuột nhớ lại phần ký ức đã quên. Trái ngược với giả thuyết lâu nay cho rằng chứng hay quên là do việc lưu trữ của bộ nhớ có vấn đề, kết quả nghiên cứu cho thấy những ký ức trong quá khứ có thể không bị xóa, chỉ đơn giản bị “thất lạc”.
Không biết phát hiện này có thúc đẩy các nghiên cứu tương lai về việc khôi phục trí nhớ cho người mắc chứng hay quên không, nhưng rõ ràng con người phải làm bộ quên, ra vẻ không nhìn thấy nhiều thứ, mới sống nổi…