Câu đó sai hoàn toàn. Nó chứng tỏ người viết chưa biết dép quan trọng và vĩ đại ra sao. Vào những năm 80, đa số đàn ông Việt Nam đều chỉ có trên răng, dưới… dép. Răng thì có thể nhiều màu sắc, nhiều kích cỡ, nhiều phương pháp chùi rửa, chứ dép thì gần như chỉ có một, đó là dép tổ ong.Bây giờ thỉnh thoảng đọc bài trên báo chí, đặc biệt là báo mạng, hễ miêu tả một cô gái xấu hoặc dữ dằn nào đó, họ thường viết “khiến đàn ông chạy mất dép”.
Tại sao gọi là dép tổ ong, thì có lẽ chính con ong cũng không trả lời được. Vì đơn giản trong tổ ong phải có mật, phải có ong chúa và ong thợ, còn trong dép tổ ong, chỉ có chân và đa phần chân ấy chưa rửa.
Tại sao chưa rửa? Tại vì hồi ấy có dép mà đi đã là sung sướng lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi, lấy đâu ra nước và xà phòng rửa chân cơ chứ.
Tổ ong làm bằng gì thì không biết. Có người đồn rằng nó làm từ nước bọt con ong. Nhưng dép tổ ong chắc chắn chỉ làm bằng nhựa. Loại nhựa gì cũng không biết, tuy nhiên rất cứng, rất nặng và rất bền.
Bền là tiêu chuẩn tối cao, là phẩm chất thượng hạng, là lý do sống còn của mọi món đồ thời ấy. Quạt tai voi, nồi áp suất, bếp điện, phích nước vạn năng của Liên Xô được cả Hà Nội ca ngợi như những anh hùng cũng chỉ vì bền. Duy nhất sánh vai với các thứ này một cách ngang hàng, may ra chỉ có dép tổ ong.
Trong cuộc đời mình, Lê Hoàng chưa bao giờ thấy được một đôi dép tổ ong rách. Bởi vì làm sao có thể rách được một thứ dày cộp, nặng trịch và được đúc liền khối một cách thô sơ. Lê Hoàng cũng chưa bao giờ nhìn thấy một đôi dép tổ ong mòn, vì mòn hay không cũng giống hệt nhau. Lê Hoàng cũng chưa bao giờ thấy một đôi dép tổ ong cũ vì vốn sinh ra nó đã cũ rồi, nó luôn có màu cháo lòng chứ không phải màu trắng. Mà cháo lòng thì cứ để nghìn năm vẫn cứ một màu lòng, không bao giờ thành tuyết được.
Chỉ những kẻ tầm thường, thiếu sáng tạo mới dùng dép tổ ong chỉ để đi. Dép ấy có thể lót dưới đất thành ghế ngồi, có thể dùng làm phao khi xuống nước và làm vũ khí khi gặp cướp đường. Nghe nói một số lưu manh đã dùng dép đập chết người nhưng cảnh sát không cho báo chí đưa tin vì sợ bà con lạm dụng. Khả năng đó là có thực vì mỗi chiếc dép có thể nặng tới nửa ký lô.
Dép tổ ong là một sản phẩm siêu bền. Nó chịu được nước, chịu được bùn, chịu được nắng và đương nhiên chịu được côn trùng. Dép da có thể bị chuột cắn, dép gỗ có thể bị mọt ăn, dép cao su có thể bị đứt quai, chứ dép tổ ong chịu được đủ thứ.
Dép tổ ong phi giới tính. Điều tuyệt vời này có thể chắc chắn không giày dép nào đọ được. Con gái dùng cũng được, con trai dùng cũng tốt, nửa trai nửa gái dùng lại càng bền. Có truyền thuyết kể rằng, một bọn cướp không dám đột nhập vào ngôi nhà khi thấy trước thềm dựng vài đôi dép tổ ong vì chúng không hiểu trong nhà là nam hay nữ.
Dép tổ ong cũng phi tuổi tác. Từ bảy tuổi đến bảy mươi bảy tuổi đi dép tổ ong cũng chả ai dám nói năng gì. Chỉ cần một đôi dép trong nhà, ông có thể đi của cháu, vợ có thể dùng luôn của chồng, thuận tiện không sao kể xiết.
Và dép tổ ong cũng là thứ duy nhất, cho tới tận hôm nay, không phân biệt vùng miền. Miền xuôi đi rất đẹp, miền núi đi càng đẹp hơn. Miền Trung đi cũng tốt vô cùng.
Dép tổ ong cũng là sản phẩm không coi trọng bằng cấp. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, có quyền mưu cầu hạnh phúc và có quyền đi dép tổ ong.
Cách đây hai năm, chính giáo sư Ngô Bảo Châu đã đi dép tổ ong và đứng lớp giảng bài cho một lớp học vùng cao. Dép tổ ong vĩ đại như vậy, thân thương như vậy cho nên không ai ngạc nhiên khi nó có sức sống đời đời.
Trong khi tất cả các loại dép khác đều lần lượt “qua đời”, chả còn ai nhớ tới thì dép tổ ong vẫn sống chung với chúng ta, vẫn đồng hành cùng năm tháng, đã thế còn được các nghệ sĩ nổi tiếng tin dùng, đưa lên màn ảnh, đưa vào ti vi và lên sân khấu.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ dép tổ ong vừa với mọi bàn chân, và qua đó, vừa với thời đại. Nó là thứ mang rộng cũng được, mang chật cũng được, mang không cũng được và mang với tất cũng rất ok. Có thể nói không ngoa, dép tổ ong đã mang trong mình cả con tim thời đại.
Vừa qua, cả thế giới bàng hoàng khi bà Hillary trượt chức tổng thống Mỹ vào phút chót. Rất nhiều người đổ xô vào phân tích chuyện đó, đưa ra hàng ngàn lý do khác nhau. Nhưng có một lý do chính chả ai hiểu cả, bà ấy đã vấp ngã vì không chịu đi dép tổ ong. Nếu có dép ấy đi vào chân, bà chắc chắn đã bay lên như có đôi cánh thiên thần.
AI TRONG KÝ ỨC CHẲNG CÓ MỘT… ĐÔI DÉP TỔ ONG!
Chào bạn, bây giờ đã là bậc thềm của 2017, tức là đã hơn 30 năm kể từ bước ngoặt lịch sử năm 1986. Thế hệ 8X hầu hết đã bước sang tuổi 30 từ lâu, ngay cả những 9X đời đầu cũng bắt đầu thấy sức ép của tuổi tác phả nhẹ sau gáy.
Câu hỏi mà dân 8X, 9X nhận được mỗi dịp Tết, hàng chục năm qua vẫn thế, xếp theo thứ tự: làm ở đâu, lương bao nhiêu, bao giờ có người yêu, bao giờ cưới, bao giờ có con,… Những thắc mắc không-bao-giờ-cũ khiến những kẻ “hả hê” tự do thấy một sự ức chế không hề nhẹ. Họ bèn đứng dậy, đi dạo vài vòng cho khuây khỏa, rồi có thể chạy bộ ra sân bay, mua một chiếc vé lên sao Hỏa để bùng cháy và không bao giờ muốn trở về nữa. Trong lúc tháo chạy đó, tôi tin rằng họ sẽ không kịp xỏ giày. Tôi hình dung họ sẽ sục chân vào… đôi dép tổ ong.
Với mục đích muốn dành cho bạn những giây phút thư giãn thú vị, kèm sự hoài niệm và nỗi niềm rưng rưng, chuyên đề đặc biệt số này dành “sàn diễn” cho đôi dép tổ ong huyền thoại – một “tượng đài” dưới chân bao thế hệ người Việt.
Đọc thêm
– Ai trong ký ức chẳng có một… đôi dép tổ ong!
– Năm mới nói chuyện cũ: Đang đâu lại nhớ về dép tổ ong
– Thử thách biến tấu… dép tổ ong với 5 nhà thiết kế Việt
– 5 điều thú vị chỉ có dép tổ ong được phép… “độc quyền”
– “Sao” giản dị với dép tổ ong “huyền thoại”
– Hậu trường độc quyền bộ hình “Dép tổ ong” : Khi “Huyền thoại” trở lại