Hơn cả “đại dịch”
“The Flu” là một bộ phim “xếp chồng”, dần đẩy mạnh cao trào qua việc lật mở từng lớp, từng tầng không gian và ý nghĩa. Ban đầu đó là câu chuyện của một gia đình nhỏ với người mẹ đơn thân, là bác sĩ, tên Kim In-hae (Soo Ae) và cô con gái dễ thương Mirre (Park Min-ha). Xoay quanh công việc, một cách tình cờ, anh chàng nhân viên cứu hộ Ji-Goo (Jang Hyuk) dần trở nên gắn kết với gia đình nhỏ này, được cô bé Mirre tin tưởng, quý mến.
Ngỡ đây sẽ là một bộ phim tâm lý, tình cảm đơn thuần và mô típ sẽ là câu chuyện tình yêu nảy nở trong “đại dịch”, thế nhưng, càng ngày, bộ phim càng mở ra những mối quan hệ mới, câu chuyện mới với góc nhìn không chỉ bó hẹp trong chuyện đối mặt với thảm hoạ.
Đó là khi một chiếc xe tải chở theo nhiều người vượt biên trái phép vào Hàn Quốc, khi được phát hiện, chỉ còn duy nhất một người nhiễm virus chết người H5N1 sống sót, trốn thoát. Cùng với anh em người lái xe, ba con người mang mầm bệnh không hề hay biết họ là tác nhân phát tán đại dịch cúm, gieo rắc bao cảnh tang thương.
Bắt đầu từ Bundang – khu ngoại ô giàu có của Seoul, đại dịch lan sang các khu vực lân cận. Với 2.000 ca lây nhiễm mỗi giờ cùng những ca tử vong liên tiếp, thành phố dần bị nhuộm đỏ bởi những cơn ho ra máu, nỗi hoang mang ngày một dâng cao.
Nỗi sợ hãi tột cùng được các nhà làm phim lột tả khá sinh động. Trên nền đó, có những câu chuyện nhỏ vừa giúp cân bằng lại nhịp phim, vừa giúp tạo nên những móc xích tiếp nối. Đó là câu chuyện về lòng nhiệt tình của Ji-Goo và sự hồn nhiên của cô bé Mirre, cuộc gặp gỡ tình cờ của Mirre với cậu bé mang mầm bệnh cúm bị săn tìm, hay câu chuyện về tình bạn, lòng quả cảm của những anh chàng cứu hộ…
Cốt truyện của “The Flu” bởi thế không khác lắm những bộ phim về đề tài thảm hoạ khác. Và cũng như những tác phẩm từng gây tiếng vang lớn ở Hàn Quốc trước đó là “Haeundae” (Sóng thần ở Haeundae), “The Tower” (Tháp lửa)…, “The Flu” không chỉ là một bộ phim về sự khủng khiếp của thảm hoạ, tôn vinh anh hùng giải cứu thế giới mà được khai thác nhiều hơn ở khía cạnh trong tai biến sáng lên tình người.
Thêm vào bộ sưu tập phim thảm họa, với “The Flu”, điện ảnh Hàn Quốc cho thấy họ không đứng ngoài những vấn đề mang tính sống còn với vận mệnh quốc gia, có tầm quốc tế. Hơn nữa, những bộ phim này đều có kịch bản tốt, đại cảnh hoành tráng, không thua gì phim Hollywood.
Đáng nói hơn, đây đều là phim của các nhà sản xuất tư nhân. Khi không phải là một phim mà là một chùm phim tốt do chính tư nhân mang đến thì đó không còn là câu chuyện của doanh thu, lời lãi, mà đã là câu chuyện của ý thức làm phim. Họ không còn mải quẩn quanh với những bộ phim “bánh mứt”, đề tài vụn vặt, chọc cười sống sượng… để lượm được đồng nào hay đồng nấy. Mà phim của họ, ít nhiều sẽ còn được xem lại, được lưu giữ về sau.
Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp Online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!
Ý thức quảng bá đất nước và khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc cũng được thể hiện rất rõ ở “The Flu” cũng như ở nhiều phim khác. Cứ như thể các nhà làm phim Hàn Quốc đang thực hiện việc này một cách bài bản, hệ thống.
Trong “Đại dịch cúm”, bên cạnh việc nhìn vào những mặt chưa hoàn thiện ở tầng lớp công quyền của đất nước mình, nhà làm phim đã khéo léo nói với người xem (trong và ngoài nước) về xã hội của họ. Khán giả có thể sẽ mỉm cười ý nhị khi chứng khiến những chủ trương hành xử khác nhau của Tổng thống và Thủ tướng Hàn Quốc trước mối nguy và cả cách cư xử với nước lớn, ở đây là Mỹ.
Đạo diễn Sung-su Kim cũng không quên phô diễn lực lượng an ninh và quân sự của Hàn Quốc. Là một đất nước luôn đứng trước mối nguy quân sự rình rập cận kề, nên đương nhiên, lực lượng cứu hộ, các binh đoàn quân sự của Hàn Quốc cần được chú trọng đặc biệt.
Xem “The Flu” thấy ngay điều này khi hàng ngàn, hàng vạn người đã được huy động chống thảm họa, quân đội hành động rất cứng rắn và thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc trong phim không ngại ngần kích hoạt tên lửa đất đối không, chống lại đầu đạn từ Mỹ.
Qua đây thấy thêm được, chuyện làm phim thảm họa còn có thể như một cái cớ để thể hiện những điều to tát khác của xứ Hàn.
Đạo đức và công lý
Những ai đã đọc cuốn sách “Phải – trái – đúng – sai” (Justice – What the right thing to do) hoặc xem những clip cùng nội dung trên Youtube của tiến sĩ Micheal Sandel có thể sẽ thấy những vấn đề tương tự được đặt ra ở “The Flu”.
Rất nhiều tính huống trong phim xoay quanh quá trình chống đỡ, sinh tồn trước đại dịch cúm giống với tình huống mà cuốn sách thuộc thể loại triết học chính trị đặt ra để bàn luận và gợi mở cách ứng xử.
Như trong phim, đó là tình huống người mẹ có con nhiễm dịch cúm, vậy thì việc cần làm là cô bỏ bê bệnh nhân của mình để cứu con, đưa con trốn chạy khỏi sự cách ly và cái chết hay ở lại theo điều động, đế làm tròn vai trò của một bác sĩ có chuyên môn điều trị dịch truyền nhiễm?
Một tình huống khác, chính quyền, lực lượng quân sự cần thực thi việc “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” với bất kỳ người bị nghi ngờ nhiễm bệnh nào, sẵn sàng “tiêu huỷ” hàng nghìn người bệnh, cách ly, cô lập cả một thành phố – cũng có nghĩa là biến Bundang thành tử địa; hay cần đảm bảo quyền tự do lựa chọn quyền sống và quyền chết của người dân?
Ở mức độ cao hơn, chính phủ Hàn Quốc, đứng đầu là Tổng thống, cần tuân thủ hiệp ước đã ký với nước lớn trong tình thế đe doạ đến an ninh toàn cầu; hay đơn phương phá bỏ nó, để thể hiện chính kiến của mình trước sự an nguy của một vùng đất và sau đó là của một đất nước?
Cuốn sách nổi danh của vị giáo sư Harvard cung cấp những “điển cứu” để trả lời cho các câu hỏi “tự do”, “công lý”, “đạo đức” là gì.Các quan điểm giải quyết vấn đề được đưa ra, dưới các góc nhìn đa chiều, có tác dụng kích thích tư duy, mở rộng nhãn quan và trình độ ứng xử của người đọc.
Kể ra và liên tưởng như vậy có thể khiến khán giả thấy“The Flu”(ra rạp Việt Nam từ 11/10) có vẻ nặng nề, triết luận. Phim “thảm hoạ” thì khó tránh cảnh u ám, màu sắc tuyên truyền, nhưng tác phẩm này không chỉ có nước mắt. Còn có nhiều chi tiết hài hước, đủ để gây cười và sống lạc quan hơn.
Bài: Bùi Dũng
Ảnh: MSD
Tác phẩm điện ảnh gây bất ngờ lớn nhất trong những ngày này là “Gravity” :
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!