Vận động viên bóng chuyền Kim Huệ từng xuất hiện trên Đẹp với vẻ nữ tính bất ngờ. Lần này, Đẹp mời các nữ cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cùng chụp một bộ hình tôn vinh vẻ đẹp mạnh mẽ cá tính của những cô gái vàng của thể thao. Đây cũng như một lời “nhắc nhở” sự quan tâm của cộng đồng với bóng đá nữ.
Kế hoạch đã bắt đầu nhen nhóm cách đây 3 tháng. Lâu nhất là quá trình làm việc với Liên đoàn Bóng đá. Phần bởi giai đoạn đó tất cả đều bận bịu chuẩn bị cho trận giao hữu với Arsenal (chỉ trong một buổi gặp mặt kéo dài hơn 30 phút, chúng tôi thấy ông Nguyễn Minh Châu, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá, phải nghe điện thoại và tiếp chuyện gần chục người chỉ về chuyện… vé). Một lý do khác, là hầu như không ai hình dung được các cô gái của đội tuyển sẽ chụp hình cho một Tạp chí thời trang như Đẹp thế nào, ngay cả khi cả ê-kíp đã lên tới Đà Lạt, gặp được các thành viên đội tuyển, và cả khi đèn đã sáng, máy ảnh đã sẵn sàng, cũng chưa ai hình dung được kết quả sẽ ra sao.
Cầu thủ Nguyễn Hải Hòa tâm sự: “Là con gái ai cũng thích điệu một chút, nhưng cái nghề làm cho mình chẳng còn mấy cơ hội”. Nhưng chính “cái nghề” cùng tình yêu bóng đá đã khiến họ có những shoot hình đầy cảm xúc. Họ khiến cả ê-kíp, và chắc sẽ là cả người xem, xúc động với một cảm xúc – như đạo diễn Lê Hoàng nói – “không gì so sánh nổi!”
Đặng Thị Kiều Trinh – Thủ môn – 28 tuổi
“13 tuổi, tôi được thầy thể dục chọn vào chơi cho đội bóng của trường. Ban đầu chỉ là tập cho vui, rồi càng tập càng ham nên cứ đi đá hoài. Đầu tiên ba mẹ cấm dữ lắm nhưng tôi vẫn trốn đi. Có lần mẹ bắt được cho một trận nên thân, mà tôi không nghỉ được lâu, các bạn rủ lại trốn mẹ đi tập. Sau này đi thi đấu được kha khá giải thưởng mang về nhà khoe, ba mẹ thương nên đồng ý cho theo nghiệp.”
Lê Thị Thương – Tiền vệ – 29 tuổi
“Từ nhỏ tôi đã thích chơi bóng lại mạnh mẽ nhất nhà nên bố mẹ cho đi thi tuyển để thành VĐV. 15 tuổi, tôi vào chơi cho đội bóng đá năng khiếu của tỉnh, việc tập luyện cũng không quá căng thẳng. Khó khăn chỉ thực sự đến khi tôi rời đội tới CLB Than Khoáng Sản vào năm 2001. 17 tuổi, sống xa gia đình, tập luyện với cường độ căng thẳng, lại bị chấn thương… đã có lúc tôi xin nghỉ về với bố mẹ. Nếu không có các thầy và gia đình động viên có lẽ tôi không thể tiếp tục chơi bóng. Nỗ lực tập luyện và thi đấu, năm 2004, tôi được gọi vào đội tuyển quốc gia. Sáu năm sau được mang băng đội trưởng.”
Trần Thị Kim Hồng – Hậu vệ phải – 27 tuổi
“Nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ làm nông dân chật vật nuôi 7 anh chị em quanh năm không để dành được ra đồng nào. Lên 13, tôi theo một chị hàng xóm đi xem chị đá banh, thấy mê quá tôi xin vào tập cho đội tuyển của quận. Ngày ấy tôi không có tiền, giày với quần áo cũng do chị hàng xóm mua giúp. Thế mà vẫn ham! Ngày nào cũng đạp xe hơn một tiếng đồng hồ từ nhà ra sân rồi tập đến tối muộn. Có ngày không mượn được xe, tôi đi bộ. Mẹ phát hiện ra cấm liền vì xót con, tôi vẫn trốn đi tập. Đến khi đội vô địch thành phố, tiền thưởng 300 nghìn cộng tiền trợ cấp 500 nghìn cho ba tháng tập tôi đưa cả cho mẹ. Mẹ cầm mà khóc mãi không thôi… Từ đó, đá banh không còn là sở thích mà còn là công việc để tôi kiếm tiền phụ giúp gia đình.”
Nguyễn Thị Kim Tiến – Tiền vệ – 29 tuổi
“Từ nhỏ, tôi đã không thể rời mắt khỏi những trận đấu bóng trên ti vi đen trắng. Sau này khi quyết tâm làm cầu thủ, bố mẹ tôi dù xót con nhưng không ngăn cản. Năm 2000, tôi vào đội bóng đá nữ của tỉnh, được 3 năm thì bơ vơ vì đội giải thể. Nhiều người khuyên về quê học nghề nhưng tôi mê đá bóng lắm, quyết tâm thi vào đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội và gắn bó đến tận bây giờ. Gần 15 năm chơi bóng, không đếm được đã bao lần chấn thương nhưng chẳng mấy khi tôi nhớ lại lúc đau đớn trên giường bệnh như thế nào. Từ lần đầu chạm bóng, bóng đá đã như hơi thở của tôi đến mức tôi yêu bóng đá hơn chính bản thân mình. Giờ đây, khi sắp phải chia tay trái bóng tròn vì tuổi tác không cho phép, tôi chỉ mơ ước được trở thành huấn luyện viên. Thi thoảng nhìn ngắm những tấm ảnh mới thấy tuổi xuân đã dành cả cho bóng đá rồi…”
Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Tiền đạo – 27 tuổi
“Bố tôi là vận động viên bóng chuyền, ông tiếp cho tôi tình yêu thể thao từ nhỏ và hướng tôi thi vào đội tuyển U19 quốc gia. Tôi thích đá bóng nên khi biết tin thi đỗ thì mừng lắm, chỉ lo mẹ không đồng ý. Mẹ là cô giáo chỉ muốn con gái dịu dàng, học giỏi để sau này có cuộc sống ổn định. Bố phải thuyết phục mãi mẹ mới chấp nhận. Năm 2011, tôi đứt dây chằng phải phẫu thuật và phục hồi chức năng hơn một năm trời. Khoảng thời gian đau đớn trên giường bệnh chỉ có nước mắt và gia đình ở bên. Đã có lúc tôi nghĩ từ bỏ vì nghề này bạc quá… Thế rồi cứ như số phận, hồi phục tôi lại theo trái bóng đến bây giờ. Gần 10 năm trên sân cỏ, tôi không có nhiều thời gian cho gia đình. Quà tặng lớn nhất tôi dành cho mẹ là tấm bằng Đại học Thể dục Thể thao để sau này có thể đi dạy học như mẹ từng mơ ước. Có điều tôi không giảng bài trên bục giảng, mà trên sân cỏ.”
Nguyễn Thị Ngọc Anh – Trung vệ – 28 tuổi
“Tôi vẫn nhớ ngày nhỏ mới lên 6 đã rất thích đá bóng. Trong xóm, các bạn gái chơi nhảy dây còn tôi xin tiền mẹ mua bóng nhựa chơi cùng các anh lớn. Đá bóng nhựa mãi đến tháng 12 năm 1999, tôi được gọi vào đội Tuyển trẻ Hà Nội. Ngày tôi vui mừng báo tin cũng là lúc nhận được cái lắc đầu từ mẹ. Mẹ tôi mê bóng chuyền lắm nhưng thuyết phục cho con gái đi đá bóng thì khó vô cùng. Nhiều năm sau mẹ vẫn không đồng ý cho đến lúc thấy ‘đất không chịu trời’ thì đành cho qua. Năm 2008, tôi được mang áo đội tuyển quốc gia. Tình yêu trái bóng đã kéo tôi qua những ngày mỏi mệt, những chấn thương. Tôi may mắn hơn nhiều VĐV vì đã tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao để sau này có thể gắn bó cả đời với trái bóng.”
Nguyễn Hải Hòa – Trung Vệ – 24 tuổi
“Hồi trung học, tôi may mắn được tham gia đội bóng của trường. Sau vài tháng tập luyện các thầy khen: ‘Em rất có năng khiếu đấy’ – lời nói đó như một cánh cửa đưa tôi đến với bóng đá. Ngày tôi thi đỗ vào đội bóng đá năng khiếu của tỉnh, mẹ không vui không buồn, chỉ nói một câu: ‘Con gái theo nghề này sẽ rất khổ sở nên đã theo phải chấp nhận’. Câu nói ấy, tôi ghi nhớ trong lòng mỗi khi luyện tập vất vả hay bị chấn thương. Tôi không cho phép mình mềm yếu bởi luôn tâm niệm bóng đá là môn thể thao dành cho phái mạnh, mình là phụ nữ càng phải mạnh mẽ gấp trăm lần.”
Nguyễn Thị Liễu – Tiền vệ – 21 tuổi
“Năm 2005, Phòng Thể thao của huyện đăng tin tuyển VĐV cho đội U14 Hà Nam. Thấy mình học thể dục khá tốt, tôi đăng kí tham gia và trúng tuyển. Ban đầu bố mẹ phản đối vì nhà chỉ có hai chị em gái, tôi là út được cưng hơn nên không ai tin tôi đủ mạnh mẽ để trở thành cầu thủ. Một thời gian dài sau đó tôi sống xa nhà, cố gắng vượt qua mọi trở ngại, mệt mỏi trong quá trình tập luyện để thuyết phục gia đình. Mọi cố gắng như được đền đáp, khi năm 19 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển quốc gia. Đổ mồ hôi, nước mắt trên sân cỏ, tôi chỉ mong đổi lấy những bàn thắng của đội nhà.”
Clip hậu trường buổi chụp hình “Những cô gái vàng”
– Ngày mai tươi sáng
– Lần đầu làm… model
– Phụ nữ với quần đùi
– Khi nữ vận động viên làm… mẫu
Tổ chức: Vũ Thủy
Bài: Nha Trang
Giám đốc sáng tạo: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: TANGTANG
Sản xuất: Hellos
Stylist: Chi Nguyễn
Trang điểm: Andy Phan
Làm tóc: Thùy Dương
Trợ lý: Redmaz
Cảm ơn sự hỗ trợ của nhà tài trợ mỹ phẩm CLINIQUE và nhà tài trợ trang phục NIKE