Chung chạ

 

Quan niệm Hindu giáo cổ truyền cho rằng tất cả những thứ nước, dịch tiết ra trong một cuộc ân ái đều là sạch sẽ. Nếu cần tìm hiểu thêm về vấn đề nhạy cảm này, mời các bạn tìm đọc cuốn “Tibetan Arts Of Love: Sex, Orgasm, And Spiritual Healing” của tác giả Gendun Chopel, nguyên là một tu sĩ Mật tông. Những ai vận dụng quan điểm đó một cách “tích cực” quá độ sẽ có thể đi xa đến mức coi người phối ngẫu như bản thân mình, dùng chung mọi vật dụng cá nhân (cá nhân biến thành song nhân, hai người dùng cùng một khăn mặt, một bàn chải, một áo choàng tắm), dùng chung một không gian riêng tư như toilet, chưa nói đến việc yêu nhau thắm nồng tình nghĩa rất mực, dùng chung cả một hiệu nước hoa, một số điện thoại, một địa chỉ email.

Bản thân tôi coi sự ấy là bất bình thường. Cái sự chung chạ ấy.

Người Mỹ chịu ảnh hưởng Thanh giáo, hay e ấp xấu hổ, không chia sẻ không gian, thời gian riêng tư với bất kỳ ai, kể cả con cái. Người Âu châu, nhất là Pháp, có vẻ thoáng hơn: ta thường thấy nhiều đôi vợ chồng Tây dùng cùng lúc không gian phòng tắm, phòng vệ sinh, tắm chung, thậm chí người này đi vệ sinh người kia ngồi… hút thuốc chờ, một cách rất ư là tự nhiên thân mật. Người Nhật, vì không gian sống quá chật, cũng phải chung đụng, nhưng quan điểm vệ sinh thuần túy ngăn họ dùng chung các vật dụng cá nhân. Những người muốn nhảy vào hồ tắm nước nóng công cộng phải làm vệ sinh cơ thể rất cẩn thận trước.

Vậy, những ai dùng-chung-mọi-thứ, họ xem chung chạ là yêu? Yêu thì phải thế mới là yêu? Mới gọi là hòa hai cá nhân thành một? Là hợp nhất?

Tôi không cho thế là hay.

Theo quan điểm Mật tông Tây Tạng, sự gắn bó mật thiết đến mức hòa hợp hai-cơ-thể-thành-một thông qua các tiến trình tu tập phức tạp là nhằm mục đích thăng hoa tinh thần. Sự hợp nhất, thống nhất hai cá nhân về cả tâm hồn lẫn thể xác là đích đến cho một cuộc tu tập dài lâu, kiên trì, khó khăn của đôi phối ngẫu, để cả hai có thể đạt đến trạng thái tâm linh cao nhất, trạng thái thể chất tốt nhất. Nhưng Niết bàn không có nghĩa là chung khăn mặt, chung bàn chải, chung mùi nước hoa, chung điện thoại và chung email!

Bản thân tôi là người bảo vệ bằng mọi giá những gì riêng tư. Tôi không xăm xăm vào toilet có người, không đọc trộm nhật ký và không xem lén điện thoại người khác; tôi không thích chứng kiến hoặc bị chứng kiến mình/người khác trong các tình huống không đẹp. Tôi không chịu được những thứ vương hơi hám người khác, dù là người đầu ấp tay gối. Xếp tàn y lại để dành hơi? Tôi xin kiếu.

Bản thân tôi là người mang cung cách sống của loài nhím: tránh sự gần gũi thái quá, kẻo gai đâm vào nhau. Một lần nọ, tôi đã chia sẻ đoạn status này trên Facebook: Thẳng thắn, chân thành, không chơi trò đuổi bắt trốn tìm, không níu kéo và ràng buộc. Rộng lượng và cảm thông. Gần gũi nhưng không quá gần (loài nhím không ôm nhau). Nương tựa chứ không dựa dẫm. Giữ nhau bằng niềm vui, không bằng trách nhiệm. Độc lập và bình ổn. Quan tâm nhưng không can dự. Giữ gìn thế giới riêng không xâm phạm. Ái ân hừng hực (không hùng hục). Là cảm hứng sống nhưng không là cuộc sống. Không khoa trương, không tỏ vẻ, không cài nhau vào thế khó gỡ. Tin tưởng nhưng không kỳ vọng. Đấy là một số gạch đầu dòng cho những tình nhân.

Trên quan điểm ấy, tôi phản đối sự chung chạ.

Chung thì còn được; chung đến mức chạ thì không bao giờ nên. Chạ, tức là chung đụng một cách vô ý thức, bát nháo, buông tuồng; chạ là thả mình vào cái sự chung, mất bản ngã. Mà đã vô ý thức, thì làm gì xảy ra được sự hợp nhất tinh thần, dù hai người có hóa phép dính cứng vào nhau đi nữa. Dính chặt, chỉ là khối xác thịt; còn tinh thần chẳng được thêm mảy may tinh tấn, tinh thần bị cái sự chung chạ làm cho ô nhiễm, thì chỉ có suy đồi đi.

Tình yêu vẫn cần những khoảng không để nó thở.

Tình yêu vẫn cần không gian riêng tư để nó sống cùng với nỗi nhớ, sự khát thèm. Để nó lớn lên được trong niềm đam mê không tắt, thì phải cho nó sự riêng tư. Lồ lộ ê hề, thì chán, trước sau gì cũng chán.

Ngay cả vợ chồng đã có mấy mặt con, cũng vẫn cần riêng tư.

Càng giữ được sự riêng tư, thì những phút thân mật càng trở nên đẹp đẽ. Và đáng nhớ.

Càng bảo vệ được cái riêng, thì phần thưởng khi đạt sự hòa hợp lại càng đáng giá.

Bởi vì yêu, tức là tìm đến sự hòa hợp giữa hai cá thể độc lập – yêu không hề là việc nhân bản vô tính thêm một kẻ y hệt mình.

Do đó, một lần nữa nhắc lại, tôi phản đối chung chạ.

Bài: Quốc Bảo

Nếu bạn đang có những khúc mắc trong cuộc sống gia đình, hãy gửi tâm sự tới Đẹp Online. Biết đâu bạn sẽ có được những tư vấn gỡ rối hữu ích cho bản thân mình.

From the same category