Con đường Hồi giáo: Khởi đầu gian nan - Tạp chí Đẹp

Con đường Hồi giáo: Khởi đầu gian nan

Sự Kiện


Cố gắng (trong vô vọng) để nhận biết các mẫu chữ Ả Rập cổ
trên tường thánh đường Hồi giáo đẹp nhất thế giới: Đền Taj Mahah ở Ấn Độ.




Bản đồ tôn giáo thế giới

Vùng tô đỏ: Thiên chúa giáo
Vùng để trắng: Các đạo đa thần
Vùng tô xanh: Hồi giáo
Đường hành trình xanh lam: Con đường Hồi giáo
xuất phát từ Ả Rập Saudi nơi Hồi giáo khởi phát, tỏa ra hai hướng
như hai cánh chim, phía Tây tới châu Phi và phía Nam tới châu Á.

– Trung Đông?
– Ờ… vâng! Trung Đông!

Sếp tôi là một anh trung niên hói đầu. Những gã tóc vàng hói đầu thường rất khó che giấu cảm xúc. Thứ nhất là lông mày không có tóc mái che đậy nên vui buồn gì cũng để lồ lộ ra. Mấy ông cảnh sát không phải vô căn cứ mà được “đì-zai” toàn kiểu mũ che sụp chùm kín lông mày để tạo cảm giác công tư phân minh của các nhà chức trách. Thứ hai là làn da đầu mong manh dễ tổn thương của mấy gã tóc vàng cứ hễ cảm xúc động đậy là lập tức đổi màu. Như bây giờ đây, sếp giương lông mày nhìn tôi, mấy sợi tóc tơ trên chỏm da hồng lựng dựng đứng lên như một khóm ăng ten.

Rồi sếp băn khoăn nguệch bút vào giấy xin nghỉ việc của tôi, nghỉ hẳn một năm. Lúc tiễn tôi ra cửa, không kìm được, sếp phọt ra một câu: “Tôi vừa ghen tỵ vừa lo lắng cho cô. Come back in one piece please!” (trở về nguyên xi một mảnh, đừng có sứt mẻ gì nhé!).

Cái mẩu nhắn nhủ cuối cùng của sếp tôi đã phải nghe đi nghe lại suốt gần 8 tháng qua, kể từ cái buổi sáng thứ hai hồi đầu năm 2010 khi tôi bất thần tỉnh dậy và nảy ra ý định bỏ việc lần thứ hai đi bụi tiếp một năm với ý tưởng tạm gọi là “Con đường Hồi giáo”. Con đường ấy xuất phát ở thánh địa Mecca 1.400 năm trước, sau đó tỏa ra hai hướng, hướng tây vượt qua Bắc Phi tràn đến châu Âu, hướng Đông thọc sâu xuyên qua Ấn Độ đến tận Indonesia. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tôi sẽ đến đúng thành phố ấy. Chưa ai từng làm điều này.

“Tráng miệng” trước khi lên đường bằng một chuyến thăm thánh đường
Sofia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tòa thánh đường khổng lồ này
từng là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất thế giới trong gần 1.000 năm
cho đến khi các chiến binh Hồi giáo chiếm đóng và lập tức biến nó
thành thánh đường đạo Hồi.
Xin bạn để ý hình Đức Mẹ vẫn còn trên vòm trần và bệ thờ Hồi giáo
đã được xoay sang phải để quay đúng hướng Mecca.

Cuộc sống của tôi những tháng sau đó bận rộn hơn bội phần. Chuyến đi bụi lần trước cả năm chỉ mất có vài tuần chuẩn bị, chuyến này đổ bao nhiêu công sức vẫn thấy không đầy. Trong số gần 500 email tôi gửi đi đến các đại sứ quán, trường đại học, các nhân vật có ảnh hưởng, các cơ quan báo chí, các quan chức, các nhà văn, các nhà hoạt động nhân quyền hay các nhà lãnh đạo tôn giáo, phần lớn không ai trả lời. Tôi phát hiện ra hầu hết các cơ quan chức năng chẳng mấy khi “check email”. Tôi thường phải gửi thư theo đường bưu điện, phải tìm mọi cách quen vòng quen vèo mới có được vài dòng trả lời. Niềm hào hứng của tôi lên xuống với biên độ cao, hoặc là được ủng hộ nhiệt thành, hết lời ca ngợi đến chạm trần, hoặc là bị đì cho bẹp dí xuống tận nền nhà. Rất nhiều người nghĩ tôi điên rồ.

Có ai thời buổi này con gái một mình lại đi lang thang ở cái xứ mà cứ theo đài báo loan tin thì tiếng súng nhiều hơn tiếng cười đùa, cái xứ mà trên ti vi hễ có tin thì chỉ là tin khủng bố, cái xứ mà đàn bà nghe đâu phải đi 5 bước sau đàn ông và trùm khăn kín mặt, cái xứ mà một giọt rượu bia cũng đủ để bỏ tù một con người và cách đây không bao lâu đến âm nhạc cũng bị cấm. Một người quen khuyên tôi nên viết di chúc sớm. Một ông giáo sư người Anh thậm chí còn nửa đùa nửa thật khuyên tôi nên ở nhà đọc sách và làm đúng phận sự của một giảng viên đại học hơn là lang thang tự biến mình thành sinh viên trường đời.

Trong một buổi tiệc ngay trước khi tôi lên đường, một cô bạn băn khoăn hỏi tại sao tôi lại muốn dành gần 2 năm cuộc đời vất vưởng ở một nơi mà bản tin về cuộc sống ở đó nghe giống một bản tin chiến sự hơn bản tin thời sự. Tôi chỉ sang phía bên kia đường nơi hè phố sáng lòe ánh đèn đỏ và những cô gái bán hoa mặc đồ chíp uốn éo sau cửa kính:

“Tội ác trong khu Red Light District ngày nào cũng có. Nếu một người chẳng biết gì về Hà Lan, chưa bao giờ đặt chân đến Hà Lan, đọc báo chỉ thấy các câu chuyện thương tâm ở quận Đèn Đỏ Amsterdam thì chắc chắn họ sẽ nghĩ Hà Lan chỉ đơn giản là một ổ gái điếm và nghiện chích. Chấm hết. Quận Đèn Đỏ tệ nạn. Điều đó có thể đúng. Vấn đề là cách đó không đầy 10 bước chân, chúng ta đang có một bữa tiệc gồm toàn những trí thức trung lưu của Amsterdam. Trung Đông cũng vậy. Chúng ta chỉ biết về “quận Đèn Đỏ” ở Trung Đông mà không biết về các “bữa tiệc” của Trung Đông. Một nhà báo bất thần buổi sáng thức dậy thấy mình ở Trung Đông sẽ hỏi: Đêm qua có nổi dậy không? Có đánh bom cảm tử không? Có ai lật đổ chính quyền không? Có ai bị ném đá hay treo cổ không? Không có à? Chán nhỉ!”.

Trước hôm lên đường hai tuần, Shree, một đồng nghiệp gửi tặng tôi một bộ áo choàng đen và khăn đen trùm đầu. Tôi mặc thử, soi vào gương hết hồn khi nhìn thấy bản thân. Bọn bạn trên skype hú lên kinh hoàng khi tôi tiếp chuyện chúng nó chỉ lộ hai con mắt. Nhân dịp sang thăm con bạn nối khố ở Thụy Sĩ để chào nó trước khi biệt tăm cả năm, tôi vận nguyên xi bộ đồ burka tiến thẳng vào trung tâm mua bán Luzern, tim đập thùm thụp cầu trời cho cảnh sát không tóm cổ vì burka che kín mặt đã bị cấm hoàn toàn. Chưa bao giờ cuộc sống quanh tôi thay đổi khủng khiếp đến thế. Những ánh mắt nghi kỵ, những cái nhíu mày giận giữ, những cái ngoái cổ kinh hoàng. Một nhóm phụ nữ luống tuổi cố tình đi đâm sầm vào tôi từ phía sau. Một người đàn ông dắt chó quát vào mặt tôi cáu kỉnh. Một bà mẹ kéo xệch con gái mình tránh xa khỏi tôi như một con bệnh hủi. Lang thang gần hai tiếng quanh Luzern, khi tôi đã quên phéng mình đang trùm khăn kín mặt thì những ánh mắt kỳ thị luôn làm tôi phải nhớ rằng mình là kẻ dị dạng.

Tôi viết thư cho Shree, kể cho anh nghe về món quà anh tặng. Shree – người Ấn Độ, thuộc tầng lớp bà-la-môn cao quý nhất trong 4 bậc thang địa vị xã hội của người Hinđu. Anh nói chiếc burka này anh mua cỡ XL là để tự bản thân mặc và trải nghiệm cảm giác của một người phụ nữ cách biệt hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Biết tôi chuẩn bị cho dự án “Con đường Hồi giáo” và đất nước đầu tiên tôi phải đặt chân đến là Ả Rập Saudi, anh tặng nó cho tôi.

Vấn đề là cái đất nước đầu tiên trong cuộc hành trình này, cho đến giờ tôi vẫn hoàn toàn chưa xin được visa. Tôi không thể đổi thay lịch sử. Hồi giáo khởi phát từ thánh địa Mecca của Saudi, và con đường Hồi giáo của tôi phải được bắt đầu từ Saudi.

Tám tháng trước, công cuộc xin visa Saudi của tôi bắt đầu. Saudi không xuất thị thực cho khách du lịch. Đất nước đóng cửa hoàn toàn. Chỉ có hai nhóm người có thể nhập cảnh Saudi: công việc và tín đồ hành hương. Mecca chỉ dành cho người Hồi giáo. Một người bạn của tôi bông đùa bảo cách duy nhất để tôi có thể vào Mecca là kết bạn với một trong những công chúa hoàng tử của vua Saudi và trốn trong cốp xe Mercedes của họ.

Hàng chục email gửi đến Đại sứ quán Saudi (ĐSQ) không tăm hơi, hàng chục cú điện thoại không người trả lời. Bốn tháng trước, vừa về Hà Lan sau đợt dạy hè ở Sydney là tôi gõ cửa ĐSQ. Tiếp đón tôi rất vui vẻ là một nhân viên của ĐSQ. Ông yêu cầu tôi về chuẩn bị một bản tường trình rõ ràng mục đích của việc xin visa. Tôi hoàn thành trong một ngày, hớn hở vì nhận được một cuộc hẹn với thư ký thứ nhất của ĐSQ. Cuộc gặp rất vui vẻ trơn tru và tôi được yêu cầu viết thêm nhiều bản tường trình khác. Tập hồ sơ tôi gửi đến ĐSQ dày gần năm chục trang với đầy đủ tên họ, địa chỉ, nơi chốn của những người tôi muốn gặp, những nơi tôi muốn đến thăm. Ông thư ký tiếp nhận hồ sơ rất lịch sự, bảo rằng, cô cứ chờ khoảng 2 tháng nữa, có khi may thì được.

Và trong khi chờ thì tôi gặp George. George là người Đức, tóc vàng mắt xanh, nhưng cải đạo sang Hồi giáo từ khi anh mới hơn 20 tuổi và sang Saudi làm việc. Tôi ghét George từ cái nhìn đầu tiên. Anh phá lên cười sằng sặc khi biết về dự án của tôi. Rồi anh bảo: “Cô em ơi! Làm sao mà cô lại mơ đặt được chân vào Saudi? Cô vẫn còn ở tuổi sinh đẻ mà!”.

Tôi đờ người vì ngạc nhiên. Gì? George hí hửng tiếp: “Phụ nữ ở Saudi không được phép lái xe, đi khám bệnh phải được đàn ông trong nhà cho phép, ra ngoài đường phải có đàn ông đi cùng. Cô em đặt chân đến sân bay mà không có người ra đón thì có visa cũng đừng hòng được nhập cảnh. Với lại, nói thêm cho cô em biết, người châu Á ở Saudi rất bị coi thường vì toàn là dân lao động làm thuê. Đàn bà châu Á thì bị coi như là gái điếm cả lượt mà thôi! Hỏi tò mò chút, cô em thừa tiền hay sao mà lại đi vác tù và hàng tổng thế này?”.


Một ánh nhìn kinh ngạc của người qua đường tại Luzern (Thụy Sĩ)
nơi tôi mặc thử burka đi đến trung tâm mua sắm.

Tôi chưa bao giờ ghét ai lâu như George. Ghét hẳn mấy tiếng liền cho đến tận lúc chào ra về sau cả một buổi tối cố sức khiến cho một kẻ thiển cận như George hiểu rằng trên đời có những chuyến đi hoàn toàn không vụ lợi cá nhân. Một thương nhân tầm thường như George không thể tiêu thụ được cái sự thật là một cô-gái-Việt Nam (rất không liên quan!) đã lao động cực nhọc suốt gần một năm qua, không mua một xu quần áo mới, trở thành một kẻ bủn xỉn vắt cổ chày ra nước để dành tiền cho một chuyến đi nhiều hiểm nguy hơn vui thú, một chuyến đi không hề liên quan gì đến niềm tin tôn giáo của cá nhân cô ấy, cũng không phải do sự đồng thuận văn hóa, hoặc thậm chí cũng chẳng phải là đòi hỏi công việc. Một chuyến đi chỉ đơn thuần với một mục đích để hiểu biết, và để chia sẻ sự hiểu biết ấy đến mọi người. Đơn giản bởi Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca. Tôi sẽ tích cực viết báo, giữ blog, rồi in sách. Ai rảnh thì online với tôi, chúng ta sẽ cùng trải nghiệm.

Khi bạn đang đọc những dòng này, tôi đang lang thang ở Ấn Độ chờ visa của Saudi. Cuộc sống rẻ mạt ở những ngôi làng nhỏ quanh Mumbai tiết kiệm cho tôi khá nhiều tiền thay vì phải trả những khoản thuê nhà cắt cổ ở Amsterdam. Vả lại Mumbai cách Jeddah chỉ một chuyến bay thẳng.

Hôm qua vào facebook thấy George “check-in” một shop đồ hiệu nổi tiếng của Amsterdam. Tôi biết anh ta đang lùng mua một bộ khuy cài cổ tay áo trị giá gần bằng cả năm tôi làm việc. Chỉ một cái cúc trong bộ khuy ấy thôi là đủ để hất đi gánh nặng tiền nong trên vai tôi cho ngân sách cả một nửa dự án vẫn còn trống hoác và một vài đồ tác nghiệp chưa tìm được người tài trợ. Nhưng tôi không ghét George nữa, chỉ thấy thương hại cho một thương gia tầm thường với tiểu xảo cải đạo nhỏ mọn để được chấp nhận và có thể chiếm dụng lòng tin dễ dàng trong xã hội Trung Đông nơi niềm tin tôn giáo còn thiêng liêng hơn cả tình máu mủ.

Bởi tôi biết còn có rất nhiều điều thiêng liêng hơn niềm tin tôn giáo, ấy là niềm tin vào sự ràng buộc cội rễ của giống loài; vào sự giống nhau giữa người với người hơn là sự khác biệt về đức tin; vào lòng tốt; vào sự đồng cảm và hướng thiện.

Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần.

Bài & ảnh Phương Mai


 

Nguyễn Phương Mai: 35 tuổi
Giảng viên Đại học Kinh tế Amsterdam

Đã tới 12 nước châu Á, 22 nước châu Âu, 8 nước châu Phi, 2 nước châu Đại Dương và 16 nước châu Mỹ

Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ email dr.nguyenphuongmai @gmail.com

Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông bằng email tại blog www.culturemove.com.
Comment và trao đổi với tác giả tại địa chỉ www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai hoặc follow www.twitter.com/nguyenphuongmai

Thực hiện: depweb

21/02/2012, 10:43