Nhà thờ (Đan viện) Châu Sơn là một trong những điểm đến ít người biết tới bởi ngôi thánh đường này nằm ẩn sâu sau trục đường chính, trong một khoảng không gian hữu tình có núi, có sông và cây cối bao quanh. Theo Kỷ yếu của Đan viện, ngôi thánh đường theo dòng Khổ Tu này được xây dựng vào năm 1939, cung hiến năm 1945 bởi sự khấn nguyện và tiền cúng của cha Phêro Trần Đức Trưởng. Hiện tại có tấm bia khắc ngay dưới chân nhà thờ ghi nhận ca ngợi công đức của cha Phêro.
Cùng tham gia xây dựng Đan viện còn có kiến trúc sư chính là một vị linh mục trong Đan viện. Cha Placiđô Trương Minh Trạch chưa từng học qua trường lớp kiến trúc hay xây dựng nhưng ông tự mình nghiên cứu và mày mò thiết kế xây dựng nhà thờ. Ông không thiết kế cụ thể trên bản vẽ như những kiến trúc sư khác mà tất cả chỉ hình dung trong trí óc. Từng đường nét, từng viên gạch đã được hình thành dần dần trong trí tưởng tượng và ông đã chỉ bảo rất chi tiết cho những người thợ xây dựng nên. Trong cuộc đời cha Placiđô (khi đó là một vị tu sĩ trẻ), ngôi nhà thờ Châu Sơn là kiệt tác đã được ông dồn hết tâm huyết để kiến tạo nên.
Nhìn từ xa đã thấy Đan Viện giống như đang nằm dựa lưng vào núi. Với phong cách kiến trúc Gothic, lại được xây bằng gạch mộc, không hề trát vữa quét vôi như các nhà thờ hoặc các công trình khác (do những nguyên nhân khách quan) nhưng chính sự để thô, để mộc bề ngoài tạo cho nhà thờ có một vẻ đẹp khác biệt. Trông giống như một sự tối giản nhưng lại rất ấm áp sắc đỏ của gạch mộc giữa những tán cây đại thụ. Phía xa ngoài sân là tượng Chúa đứng dưới mưa nắng thời gian…
Khi được biết đây là nhà thờ của dòng Khổ Tu, tự nhiên bước chân người khách phiêu bạt bỗng bâng khuâng da diết hơn. Màu thời gian đã nhuốm phong trần, nhuốm cả màu gạch. Ngước lên phía nóc nhà thờ có những tầng tháp nhỏ xinh xắn nhưng tỉ mỉ chi tiết, chính giữa là ngôi thập giá màu trắng sừng sững trên nền trời xanh. Bề mặt và những khung cửa sổ chính là những nét duyên dáng trang điểm cho ngôi nhà thờ những nét riêng chẳng giống nơi nào.
Người khách như đang lạc vào một thế giới khác. Thế giới của thánh đường, của những đứa trẻ mặc váy trắng muốt đang ngước mắt lên nghe lời kinh với đôi mắt màu nâu mơ màng tuyệt đẹp. Ngoài các tượng thánh còn có các bức phù điêu chân dung các thiên thần, các hoa văn quanh cửa sổ của thánh đường. Những tưởng không có ai trong ngôi thánh đường, vậy nên khách đường xa đã chợt giật mình khi thấy bóng áo trắng của vị tu sĩ trong tư thế quỳ xuống ở một góc thánh đường. Giữa hàng ghế mênh mông, trong bóng tối và Chúa ở trên cao, bóng áo trắng ấy mới nhỏ nhoi làm sao. Khách càng không dám làm kinh động nên đứng nép vào một góc.
Tuy vô tình nhưng thật hữu duyên, khách cảm thấy hạnh phúc khi được cùng lặng im, cùng đứng trong một không gian im ắng, không tiếng động, không lời kinh cầu, không tiếng chuông ngân.
Tịch mịch…
Sau thời gian cầu nguyện trong tĩnh lặng, vị tu sĩ khoan thai bước ra khỏi thánh đường. Khách lại lặng theo sau, trong lòng đầy kính trọng cõi riêng của người linh mục.
Khách tự hỏi có nên tiếp tục công việc khám phá, hay mặc kệ cho bước chân đưa đẩy? Khách đường xa lại lạc bước tới hang Đức Mẹ Maria nằm phía sau nhà thờ, trên ngọn núi mà nhà thờ áp lưng vào. Muốn tới hang đá phải trèo lên 299 bậc cầu thang và dọc đường có rất nhiều thánh giá. Ở đây còn có nhiều ngôi mộ của các vị linh mục già mất đi được chôn cất tại đây.
Từ trên cao nhìn xuống, thấy ngôi nhà thờ thắm màu gạch nằm giữa vùng mây nước núi non cây cối um tùm mà trong lòng thầm nghĩ về những người theo dòng Khổ Tu. Khách cõi trần như học được cái sự thong dong, thong thả, lại kệ cho bước chân vô định đưa đẩy. Lúc này, trên ngọn núi bắt đầu có tiếng chuông ngân thoang thoảng và dường như vang vọng đâu đây tiếng hát sâu lắng của Khánh Du: “Gác chuông cao vời vợi/ Tiếng chuông ngân xa vời/ Tiếng chuông nói với người nỗi niềm Giáng sinh” .
Chỉ dẫn tới nhà thờ Châu Sơn, dòng Khổ tu:
– Lịch trình cho 1-2 ngày – Vị trí: Tòa thánh đường Đan viện Châu Sơn thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách rừng Quốc gia Cúc Phương 17km, cách Tòa Giám mục Phát Diệm 70km, cách Hà Nội 97km. – Điều đặc biệt: Nơi này luôn mở rộng cửa cho những người muốn tĩnh tâm. – Điểm đến kết hợp: Nên kết hợp tới nhà thờ Châu Sơn cùng các điểm đến khác của Ninh Bình – nơi vốn được coi là một trong những trung tâm du lịch của đồng bằng Bắc Bộ. Nhà thơ Cao Bá Quát đã từng viết về Ninh Bình: “Sông tựa dải là cô gái đẹp/ Núi như chén ốc khách làng say/ Trăng non gió mát kho vô tận/ Chỉ sợ nhà thơ mãi ở đây”. – Ẩm thực: Nếu là khách du lịch, hãy nên thưởng thức chớ bỏ quên các món được coi là đặc sản của Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy, rượu Kim Sơn… [(*): “Tiếng chuông ngân” – Bảo Chấn]. |