Những loại pho-mát không nên bỏ qua
Nếu mới tập ăn pho-mát, bạn nên tìm đến những loại pho-mát hơi cứng và có mùi nhẹ, trộn cùng xa-lát, ăn kèm những thứ rau khác. Taleggio, Ematal, Gruyère, Edam là những gợi ý nhỏ cho bạn. Bạn cũng có thể thử vị của pho-mát với những cách thưởng thức khác nhau như nếm Taleggio khi kẹp cùng hoa quả tươi, dùng Emetal, Gruyère khi ăn với bánh “sandwich” nhân thịt nguội và xa-lát.
Những loại pho-mát mềm thường có mùi thơm hấp dẫn, tuy nhiên sẽ chóng làm bạn nhanh ngán vì độ quá ngậy của nó. Bạn chỉ nên đến với những cái tên Camembert, Brie, Raclette, Mozarella… khi đã quen với pho-mát rồi. Một trong số chúng rất hợp để ăn với bánh qui hoặc hoa quả khô như Camembert. Còn Mozarella thì đặc biệt hợp vị với xa-lát cà chua và lá húng tây.
Với những người sành ăn, không gì thú vị hơn là được thưởng thức từng miếng pho-mát với bánh quy nhạt (không mặn, không ngọt), bởi bánh quy giòn thơm, tạo sự tương ứng thú vị khi kết hợp với loại pho-mát “hơi cứng” (semi hard) như dòng pho-mát xanh lục (blue cheese): Roquefort, Stilton, Gorgonzola… hay những loại pho-mát cứng (pho-mát mốc rất nặng mùi) Pecorino, Parmesan, Gouda… Chúng còn thích hợp cho món xa-lát và mì Ý. Riêng đối với người châu Âu, họ thích dùng pho-mát cùng bánh mì đen, bánh mì lúa mạch.
Các cách chế biến và thưởng thức
Xào: Bạn không cần phải dùng dầu ăn (hay bơ) để xào chín pho-mát như những loại nguyên liệu thịt cá, với món xào pho-mát, đơn giản là bạn hãy xào chín những nguyên liệu sống như rau, thịt… trước, sau đó cho pho-mát rồi nêm gia vị, tránh không để pho-mát quá lâu trên lửa. Với món pho-mát xào, bạn có thể dùng nhiều loại pho-mát từ các dòng mềm, hơi mềm, hơi cứng, cho tới pho-mát cứng.
Rán (chiên): Nếu rán riêng miếng pho-mát, bạn nên dùng những loại dầu ăn không dễ bị cháy như dầu hướng dương, dầu hạt cải… trên nhiệt lửa to vừa. Khi lật miếng pho-mát, cố gắng thao tác thật nhanh tay, dứt khoát nhưng nhẹ nhàng để miếng pho-mát không bị vỡ. Nên dùng pho- mát hơi cứng và cứng.
Bạn cũng có thể dùng pho-mát làm nhân của các món rán như trứng rán, bạn rán trứng như bình thường, khi gần chín mới cho pho-mát vào, cuộn lại thành trứng cuộn hoặc để nguyên thành món trứng nổi các đường pho-mát sợi bên trên rất hấp dẫn. Có thể dùng pho-mát cứng, hơi cứng, hơi mềm.
Với những món pho-mát cần phải chế biến qua lửa, bạn hãy làm quen với một số hương liệu như bột Cumin, bột Tử đinh hương… và các loại lá húng tây, bạc hà… để tăng thêm mùi vị cho món ăn. Đừng quá lưỡng lự về dung lượng phải gia giảm, gần như không có một quy tắc nào, ngoại trừ sở thích của bạn.
Còn nếu bạn ưa cách thưởng thức ngậm pho-mát nguyên chất, đương nhiên chẳng có quy luật chế biến nào. Ưu điểm lớn nhất là bạn đang được thưởng thức hương vị pho-mát thuần khiết và tinh tuý nhất. Thói quen thưởng thức pho-mát với hoa quả tươi, khô, bánh quy… sẽ giúp bạn hiểu hơn về mùi vị của pho-mát.
Cách bảo quản pho-mát
Pho-mát cứng, hơi cứng giữ được rất lâu, thậm chí là 7 tháng kể từ sau khi bóc vỏ sử dụng. Bạn nên bọc kín pho- mát bằng khăn xô mềm hoặc giấy bản (loại giấy thoáng khí, gần giống như giấy gói thuốc Bắc) rồi để trong tủ lạnh.
Pho-mát hơi mềm không giữ được lâu như hai loại trên, nếu bị cứng do để lâu ngày, hãy dùng miếng vải xô sạch ngâm nước muối nhạt hoặc sữa, đặt tiếp xúc lên miếng pho- mát trong vài giờ đồng hồ, pho-mát sẽ mềm hơn.
Còn với pho-mát mềm, tốt nhất bạn nên sử dụng ngay, ngoài lý do pho-mát mềm rất nhanh bị khô, và gần như không có cách nào lấy lại được sự mềm mại vốn có, thì nó còn rất dễ bị nấm mốc. Với những người chưa quen ăn pho- mát, nên mua những miếng pho-mát nhỏ – loại bỏ vừa miệng để dùng ngay, không nên mua loại pho-mát nặng (to) với ý nghĩ sẽ dùng dần.
Bài viết được sự tư vấn của chị Lê Thanh Thủy – Quản lý nhà hàng The Match box