Ngủ riêng và rối nhiễu cảm xúc tức thời - Tạp chí Đẹp

Ngủ riêng và rối nhiễu cảm xúc tức thời

Sống

Các bậc phụ huynh thường rất khó khăn trong việc giải quyết vấn đề ngủ chung – riêng của trẻ. Nhiều gia đình xác định cho con ngủ riêng ngay từ nhỏ để trẻ sớm tự lập, không quá bện hơi mẹ. Tuy nhiên, do nhiều lý do, mong muốn cho con sớm tự lập đều khó thực hiện với hầu hết các gia đình.


Trong đó có cả lý do điều kiện khí hậu. Lo sợ con bị lạnh vào mùa đông, nóng vào mùa hè hoặc quạt thốc vào người gây viêm họng… khiến cha mẹ luôn giữ con ngủ chung cho đến khi trẻ lớn hơn một chút.

Nên cho con ngủ riêng ở độ tuổi nào? Nhiều người cho rằng trẻ 3 tuổi, cho ngủ riêng là vừa vì lúc đó sức đề kháng của trẻ đã tốt. Bé cũng đã biết nhận thức nên thời điểm này ngủ riêng là phù hợp. Nếu để lâu hơn một thời gian sẽ tạo thành thói quen, sau khó tách con “ra riêng”.

Có gia đình thì cho rằng, trẻ 3 tuổi vẫn tè dầm ban đêm và vẫn có thói quen đạp chăn khi ngủ nên dễ bị nhiễm lạnh nếu bố mẹ không kiểm tra thường xuyên. Có gia đình lại cho con ngủ riêng ngay từ khi bé còn tí xíu.

Nhiều người lại không muốn con ngủ riêng vì thương con, vì muốn được ôm ấp trẻ, hưởng cảm giác con gác lên người hoặc ôm quanh cổ mẹ… Từ đó, trẻ sẽ có đời sống tình cảm phong phú hơn…

Mỗi gia đình một quan niệm, hoàn cảnh nhưng cuối cùng, đến thời điểm phù hợp, cha mẹ vẫn phải cho con “ra riêng”. Và điều ấy là một sự kiện không dễ dàng chút nào với cả mẹ lẫn con.

Với trẻ càng nhỏ, việc ngủ riêng càng đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ tuy mới vài tháng tuổi nhưng nhất quyết không chấp nhận sự vắng mặt của mẹ trong mỗi giấc ngủ. Bé có thể khóc, không chịu ngủ hoặc nửa đêm tỉnh dậy, khóc đòi mẹ.

Trẻ lớn hơn thường được đánh giá là càng lớn càng khó khăn để “chia tay” với chiếc giường có mẹ. Tuy nhiên, điều đó không hẳn diễn ra đúng như vậy. Nếu tính cách trẻ tự chủ và thích độc lập, nhiều khi bé lại xung phong ngủ riêng với thế giới của mình.

Theo PGS.TS Trần Viết Nghị, Chủ tịch Hội Tâm thần Hà Nội, vào khoảng 6 tháng tuổi, bé đã có đáp ứng cụ thể với những cử chỉ âu yếm, thường là của mẹ và các thành viên khác trong gia đình.

Do vậy, nhưng cử chỉ âu yếm cũng cho phép tìm hiểu về môi trường phát triển của trẻ, phá vỡ những mối quan hệ này bằng cách tách biệt, có thể gây ảnh hưởng tình cảm sâu sắc, đôi khi gây phản ứng nghiêm trọng hoặc lo lắng. Việc phục hồi phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng.

Trẻ em khác nhau rất nhiều về tính cách. Một số bé có tính cách bình thường, dễ tính. Số khác lại khó tính. Những mức độ tính cách này có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh hình thành bệnh về tâm thần ở trẻ.

Do đó, việc cho con ngủ riêng đột ngột và mang tính cưỡng ép, không khéo léo trong xử lí dễ dẫn đến những rối loạn nhất thời cho trẻ, nhất là đối với các bé có bản tính rụt rè, hay sợ sệt. Sự cương quyết thiếu khôn khéo của cha mẹ có thể dẫn con đến tình trạng hoảng loạn, sợ bóng tối, bị đẩy vào đường cùng, bị bắt buộc phải một mình… Tinh thần bất an là một trong những biểu hiện xấu của sức khỏe tâm thần trẻ nhỏ.

Như vậy, bố mẹ nên làm gì khi muốn cho con ngủ riêng? Trước hết, cần chuẩn bị tâm lí cho con trong một thời gian nhất định trước khi cho bé “ra riêng”. Việc chuẩn bị tâm lí ấy có thể bắt đầu từ giải thích cho bé biết con đã là một người lớn thì việc ngủ riêng quan trọng như thế nào (thường trẻ rất thích làm người lớn); thuyết phục trẻ ngủ riêng để làm gì; cho trẻ hiểu cảm giác an toàn, vẫn có bố mẹ ở ngay bên cạnh khi cần…

Chỉ cần bạn thuyết phục được con đồng ý ngủ riêng, bạn với bé sẽ qui định cam kết như một trò chơi và bé sẽ phải thực hiện điều đó dù có sợ hay lo lắng trong những buổi tối đầu tiên. Những giao kèo như trò chơi dễ khiến trẻ thích thú và quên đi nỗi sợ một mình.

Điều quan trọng nhất khi bạn thực hành chuyện này là tạo cho con cảm giác là người lớn và đang thử đóng vai người chủ căn phòng mới của riêng mình chứ không phải cảm giác bị bố mẹ bắt buộc ra khỏi phòng với cảm giác cô đơn, không cho ngủ chung, khiến bé tủi thân và lo sợ.

Thực hiện: depweb

08/01/2010, 14:41