1. Ba diva nhạc nhẹ Việt Nam sẽ “xuống đường”, ra “vỉa hè” – theo đúng nghĩa của từ này – để hát trong chương trình Hòa nhạc đường phố Luala Concert mùa Thu Đông 2012[1].
Lấy vỉa hè làm sân khấu và hát miễn phí, nhưng hành động này không hề khiến các diva “mất giá”. Sự xuất hiện của bộ ba “không phải người của nhạc cổ điển” nhằm mục đích tạo sức hút cho một chương trình hướng đến giúp công chúng dần tiếp nhận, yêu thích một thể loại âm nhạc vốn vẫn được coi là hàn lâm.
Còn nhớ, vào hồi tháng Tư vừa qua, báo chí đã nhắc đến nỗi xấu hổ vì những tiếng… vỗ tay lạc điệu trong một chương trình hòa nhạc cổ điển đẳng cấp[2]. Đã có những thất vọng, bi quan, nhưng trên tất cả, vẫn cần ghi nhận ý kiến cho rằng còn cần nhiều lần vỗ tay “thót tim” như thế, mới có ngày công chúng Việt không còn lạc điệu.
Trước những tồn tại, bế tắc của đời sống nói chung, của đời sống âm nhạc và nghệ thuật nói riêng, sẽ có rất nhiều người say sưa “chỉ trích”, những Mr, Ms “Know every thing but do nothing” (biết tuốt nhưng chẳng làm gì cả). Nhưng những thay đổi thường lại đến từ số hiếm hoi những người nói ít, làm nhiều.
Nghệ sĩ piano nổi tiếng Bích Trà từng chia sẻ: “Người nghệ sĩ thực thụ không bao giờ nghĩ mình phải diễn ở khán phòng lớn và danh tiếng mới khẳng định được tài hoa của mình“[3]. Thực vậy, sân khấu hoành tráng, diện mạo xa hoa không đủ và càng không quyết định đẳng cấp của người nghệ sĩ thực thụ.
Một “cơ hội” khác để chúng ta chiêm nghiệm điều này là scandal khóa môi nhà sư “lưu danh thiên cổ” của “ông Hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng mới đây.
Kinh hãi và lố bịch có lẽ là cảm giác của đa số khi xem những bức ảnh nụ hôn kiểu “đầu đường, xó…” có một không hai này. Hai nhà sư đã bị phạt biệt chúng 3 tháng, và dư luận có thể cũng đang chờ đợi một kỳ biệt chúng (không được biểu diễn trước công chúng) đủ dài để “ông Hoàng” suy ngẫm ra nhiều điều.
Hồi tháng 7 năm nay, Đàm Vĩnh Hưng đã khiến khán giả đã mắt khi thực hiện một liveshow Số phận hoành tráng với “thập cẩm” nhiều món. Trong liveshow, Mr Đàm xuất hiện như một vị đế vương thực thụ: áo choàng đỏ dài thậm thượt, mặt nạ “dát vàng”.
Với những gì đã cống hiến cho showbiz Việt và nỗ lực đổi mới liên tục, không thể phủ nhận vị thế ông Hoàng của nam ca sĩ này. Nhưng giờ đây, khi được hầu hết mọi người đánh giá là dường như chẳng còn thiếu thứ gì, “ông Hoàng” lại tự hạ mình gây ra một scandal có lẽ là ở văn hóa tầm thấp nhất từng thấy trong số phận – chỉ để không bị quên lãng?
Nhìn nhận vụ scandal, có ý kiến lý giải căn nguyên từ nền tảng văn hóa không theo kịp sự nổi tiếng. Sau tất cả, “ông Hoàng” chắc vẫn sẽ là ông Hoàng (vì phần đông thế nhân vốn vẫn dễ cả giận nhưng cũng nhanh quên), chỉ là người ta không biết ông sẽ làm vua… xứ nào mà thôi.
Các diva “xuống đường” ủng hộ âm nhạc cổ điển…
…còn ông Hoàng nhạc Việt có màn khóa môi bất hủ trong một chương trình từ thiện
2. Một chuyện khác, về “đẳng cấp” nhưng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, cũng tạo ra nhiều bàn luận trong thời gian qua. Đó là ý kiến xung quanh sự tồn tại của lớp VIP trong trường công.
Hiểu nôm na, lớp VIP trong trường công cũng tương tự một kiểu lớp chọn, nhưng đầu vào không dựa trên chất lượng học sinh mà dựa trên “độ dày” của ví, độ chịu chi (tự nguyện) của phụ huynh. Nói cách khác, là một lớp học cho con nhà giàu, vượt trội hơn hẳn về trang bị vật chất so với mặt bằng chung của các trường công.
Các học sinh tại các lớp học “Gangnam Style” này sẽ được trang bị đầy đủ từ chân tơ kẽ tóc với trang thiết bị dạy học và phòng học (có chăng chỉ còn thiếu osin đi theo phục vụ). Thú vị hơn, mô hình tưởng chừng chỉ là “sáng kiến” lẻ tẻ của một trường, lại được Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo, nghĩa là có cơ trở thành “chính thức hóa”.
Phản cảm và phản giáo dục (chữ dùng của GS Văn Như Cương), thậm chí “sản phẩm quái thai” là cách nhiều người mô tả sáng kiến này[4]. Bởi lẽ rõ ràng là nó đã tạo ra một sự bất bình đẳng trong một môi trường cần giáo dục sự bình đẳng nhất – cái thế oái oăm học trường “công lập” nhưng không “công bằng”.
Thế hệ học sinh Gangnam từ các lớp VIP này khi trưởng thành sẽ có cách nhìn, thái độ lệch lạc về cuộc sống thế nào nếu ngay từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong một môi trường khác biệt hơn hẳn bạn bè đồng lứa? Trong khi đó bất bình đẳng giàu – nghèo hiện vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà rất nhiều quốc gia phải đối mặt.
Trong những năm trở lại đây, nhiều người đã cảnh báo về một thế hệ dư thừa vật chất nhưng thiếu đi rất nhiều thứ – như niềm tin, khả năng thích ứng, sự đồng cảm. Đó là hệ quả của một xã hội khi ngày càng nhiều người giàu lên nhanh chóng, nhưng những nền tảng văn hóa chưa đủ phát triển để theo kịp.
Mặt khác, việc chất xung quanh các cô cậu học trò thừa thãi tiện nghi cũng không có gì đảm bảo sẽ cho “ra lò” những sản phẩm được giáo dục, đào tạo tốt. Đẳng cấp của tiền không hẳn sẽ đem lại đẳng cấp của trí tuệ, nếu chúng ta cứ tiêu tiền theo cách nhắm mắt, lao đầu.
Nó cũng giống như một nghịch lý mà gần đây một vị giáo sư đã chỉ ra là “Trí tuệ xuống dốc, xa xỉ lên ngôi’[5]. Theo vị giáo sư này, trong khi các bảng xếp hạng trí tuệ và năng lực cạnh tranh toàn cầu cho thấy VN đang tụt hạng, thì tiêu dùng xa xỉ lại đang thăng hạng.
Việt Nam phải chứng kiến sự xuống dốc của các bảng thứ hạng về sáng tạo, thứ hạng các trường đại học. Nhưng “tin vui” là khả năng tiêu tiền của chúng ta lại không hề thua bạn kém bè. “Hermes vẫn tươi cười ở Việt Nam”, như một tờ báo miêu tả, và nụ cười đó còn “nở trên môi” nhiều loại hàng hóa xa xỉ khác.
Đầu tư cho một lớp VIP như thế này có thể phải huy động đến 300 triệu của các phụ huynh
3. Một câu chuyện khác về “đẳng cấp” không thể không nhắc tới là đẳng cấp… thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 6/11 (theo giờ Mỹ) vừa qua. Cuối cùng, người dân Mỹ đã chọn Barack Obama, “kẻ thua” là đối thủ Mitt Romney của Đảng Cộng Hòa.
Lý giải sức hấp dẫn của cuộc đua bầu cử Mỹ khiến nhiều người trên khắp thế giới phải “nín thở” này, một bài báo đã chỉ ra nguyên nhân: “Vì không ai biết trước ý chí của nhân dân, dù có vô số cuộc thăm dò xã hội học. Nó trái ngược với những cuộc “bầu cử” mà người chiến thắng, chính đảng chiến thắng được biết trước, thậm chí được sắp đặt trước…“[6].
Báo chí đưa tin, Mitt Romney đã gần như phát khóc khi thừa nhận thất bại. Nhưng ông cũng đã nhanh chóng xử sự như một đối thủ lịch thiệp khi gọi điện chúc mừng tân tổng thống.
Bài phát biểu sau bầu cử của Mitt Romney không có bóng dáng của sự “cay cú” hay đổ thừa. Trên tất cả, vẫn là những khẳng định về lợi ích chung cho người dân Mỹ, cho nước Mỹ: “Đây là thời khắc đầy thử thách cho nước Mỹ, và tôi cầu nguyện tổng thống sẽ thành công trong việc dẫn dắt đất nước chúng ta… Vào thời khắc này, chúng ta không thể để tình trạng chính trị gây ảnh hưởng xấu“.
Cuối cùng là niềm tin: “Cuộc bầu cử này đã kết thúc, nhưng các nguyên tắc của chúng ta vẫn trường tồn. Tôi tin rằng những nguyên tắc từng tạo nên nước Mỹ là kim chỉ nam duy nhất để phục hồi nền kinh tế và sự vĩ đại của nước Mỹ“[7].
“Đẳng cấp” ngay cả khi nhận thua và nhận sai có lẽ là tố chất không thể thiếu ở bất cứ chính trị gia hay nhà lãnh đạo nào. Sự việc này phần nào gợi cho người viết liên tưởng đến hành động “nhận sai” của một vị cựu thứ trưởng tại Việt Nam vừa cách đây vài hôm.
Liên quan đến một sự việc xảy ra thời đương chức, khi công luận lên tiếng, ông chọn cách đối thoại, thay vì bịt tai làm ngơ và im lặng – như cách ứng xử của không ít lãnh đạo. Hẳn ông đã có thể chọn cách thứ 2, khi giờ đây ông đã về hưu, rút khỏi chốn quan trường 5 năm, như cách dân gian thường nói là đã “hạ cánh an toàn”.
Một điểm đáng ghi nhận ở vị cựu lãnh đạo này là ông đã phân tích những đúng sai, hoàn cảnh đưa đến quyết định của quá khứ từ tư cách cá-nhân-chịu-trách-nhiệm, thay vì đổ thừa trách nhiệm tập thể hay là người thừa hành lệnh cấp trên. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Ở cương vị công tác của mình khi đó, không giám sát được để có những chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Những gì gây thất thoát cho bà con là lỗi của tôi“.
Đối với người viết, đây là một sự minh bạch, rành mạch và thẳng thắn hiếm có (có người gọi là một “tiền lệ”) ở nơi mà độ thành khẩn khi nhận trách nhiệm của nhiều quan chức đương nhiệm còn khó thuyết phục được người dân. Cũng nên coi đó là một đẳng cấp cần nhân rộng chăng?
Theo Vietnamnet
[1] Luala Concert Thu Đông 2012: Diva xuống phố; TT&VH; 05/11/2012
[2] Thót tim vì… tiếng vỗ tay; Tuổi trẻ online; 18/07/2012
[3] Nghệ sĩ thực thụ không cần phải diễn ở khán phòng lớn, SGTT, 20.08.2012.
[4] Sự tha hóa của giáo dục: Từ dạy thêm tới lớp VIP; tuanvietnam; 24/10/2012
[5] Nghịch lý ‘Trí tuệ xuống dốc, xa xỉ lên ngôi’; phunutoday, 05/11/2012
[6] Dân chủ, bầu cử, và không khí chính trị, Tuần Việt Nam, 8/11/2012.
[7] Bài phát biểu thừa nhận thất bại của Romney, VnExpress, 7/11/2012