Doanh nghiệp “cầm hơi”, công nhân thiếu việc
Mặc dù đã vào thời gian cuối năm nhưng tại nhiều KCN trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, nhiều công ty vẫn “tà tà” chạy máy, khác hẳn với không khí những năm trước “vắt giò lên cổ” sản xuất không đáp ứng đủ đơn hàng, tăng ca liên tục…
Chị Nguyễn Thị Xuân (công nhân may tại KCN Biên Hòa – Đồng Nai) cho biết: “Từ mấy tháng nay công ty tôi thường xuyên cho công nhân về sớm vì không có hàng để làm. Mới đây cả công ty còn được “nghỉ phép” vài ngày mặc dù không phải ngày lễ hay dịp gì đặc biệt”.
Tan ca sớm, công nhân lo lắng vì thu nhập bấp bênh. (Ảnh minh họa)
Theo công nhân ở các khu công nghiệp thì một phần do hàng hóa của các công ty do người Trung Quốc, Đài Loan làm chủ bị tẩy chay trên thị trường nên không bán được. Nhiều công ty khác cũng “bể kế hoạch” do hàng tồn kho quá nhiều, vốn không xoay vòng được nên sản xuất trì trệ, công nhân thiếu việc và đương nhiên việc tăng ca cũng thành… chuyện hiếm.
Không chỉ được giảm giờ làm, về nhà nghỉ sớm mà nhiều công ty còn cho công nhân nghỉ phép đồng loạt nhiều hơn. Đây là cách làm nhằm “cầm hơi” trước tình hình khó khăn, sản xuất đình đốn của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp dù đã cắt bớt lương, thưởng Tết từ năm ngoái của công nhân, nhưng đến nay vẫn “quên” chi trả do làm ăn thua lỗ.
“Nghỉ dài thì đói” đó là nhận xét của đa số công nhân khi được hỏi về cuộc sống, công việc hiện tại. Anh Tuấn (làm việc tại KCN Biên Hòa – Đồng Nai) buồn bã nói: “Bình thường mỗi ngày tôi đều tăng ca tới 8 giờ tối chứ không được về sớm như bây giờ. Công nhân tụi tui không sợ cực nhọc vất vả mà chỉ sợ thiếu việc thôi. Nếu không được tăng ca, tiền lương cơ bản sao đủ nuôi sống gia đình?”. Được biết anh Tuấn đã có vợ và một con nhỏ nên chi phí sinh hoạt đang trở thành gánh nặng lớn với 2 vợ chồng.
Nhiều công nhân độc thân cũng bắt đầu hoang mang khi đã gần cuối năm mà lương bổng hao hụt, không thể tích góp, kiếm tiền để về quê ăn Tết. Anh Đinh Văn Quang (làm việc tại KCN Tân Bình) là con trai lớn trong một gia đình thuần nông ở Bình Định. Vào thành phố làm công nhân đã 3 năm nay, cứ vào thời gian cuối năm Quang lại cố gắng làm việc thêm giờ để dành dụm tiền về giúp đỡ gia đình, mua sắm cho các em đón Tết. Quang cho biết, công ty anh thường cho công nhân tăng ca 6 ngày/tuần nhưng hiện nay chỉ còn 3 ngày/tuần, có khi cả tuần đều được về sớm nên lương rất ít, dù cố gắng tiết kiệm nhưng để dành được bao nhiêu.
“Nghe nói chủ công ty còn đầu tư vào nhà hàng nhưng làm ăn thua lỗ buộc phải đóng cửa. Cứ đà này e rằng cuối năm tiền thưởng không bị cắt cũng lại bị chủ khất nợ mất, cha mẹ ở nhà hy vọng vào mình bao nhiêu mình càng buồn bấy nhiêu” – Quang buồn bã nói.
Yêu vội, công nhân nữ chịu thiệt
Không chỉ đối mặt với nguy cơ thiếu việc dẫn đến thu nhập bấp bênh, đa số công nhân luôn thiếu thốn tình cảm. Với tình chất công việc đặc thù, cơ hội tiếp xúc giao lưu với xã hội bên ngoài của họ cũng bị hạn chế.
Quanh năm suốt tháng người công nhân làm việc trong công xưởng, nhà máy và trở về nhà khi trời đã tối cũng chỉ tranh thủ ăn uống qua loa để nghỉ ngơi vì thế thời gian gặp gỡ người khác giới để tìm bạn đời là rất ít ỏi. Cuộc sống xa gia đình, tha hương nơi đất khách khiến đời sống tình cảm luôn ở mức thiếu thốn chính là lý do khiến tình yêu của công nhân luôn diễn ra khá vội vàng, chóng vánh.
Xóm trọ công nhân bớt vắng vẻ vì không phải tăng ca nhiều.
Với các công nhân nữ, hằng ngày làm việc tách biệt với thế giới bên ngoài khiến cơ hội tiếp xúc với nam giới trở nên hiếm hoi, mặc khác họ còn là phái yếu nên cuộc sống xa nhà luôn cần có người quan tâm chia sẻ. Chỉ vài lần gặp gỡ, xin số điện thoại làm quen rồi sau vài buổi hẹn hò có thể dẫn tới tình yêu nhanh chóng. Thế nhưng những cuộc tình vội vàng thường không có kết cục đẹp, để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhất là đối với các nữ công nhân. Rảo quanh các khu nhà trọ dành cho công nhân gần các KCN tại Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, Thủ Đức (TH.CM) không thiếu các trường hợp các công nhân nữ sống chung với người yêu như vợ chồng.
Thanh Hòa (công nhân may tại KCN Biên Hòa II) nói: “Lúc đầu còn ngại nhưng sống một thời gian cũng quen dần, mà xung quanh ai cũng sống chung như vậy nên mình cũng thấy bình thường”. Cuộc sống chồng hờ, vợ tạm của các cặp đôi công nhân tuy bớt cô quạnh, nhưng về lâu dài sẽ phát sinh nhiều rắc rối nhất là khi cả hai không có dự tính cho tương lai lâu dài. Bình thường vui vẻ là thế, nhưng khi gặp chuyện trục trặc, nhất là chuyện tình cảm họ trở nên thu mình và ngại tiếp xúc khi nhắc tới chuyện không hay.
Nhờ quen biết một người chị làm công nhân sống gần KCN Biên Hòa, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đẫm nước mắt của những công nhân nữ sống xa nhà nơi đây. Như trường hợp của T.H (Quê Bến Tre), bỏ quê lên thành phố làm công nhân từ năm 2009. Những ngày đầu chân ướt chân ráo lên thành phố xin việc làm cuộc sống chưa ổn định lại không có người quen nào nên gặp rất nhiều khó khăn.
Tình cờ gặp B là người cùng quê trong 1 lần tan làm, tiếp xúc vài lần B giới thiệu mình là kỹ sư điện đang làm trong một công ty gần chỗ H làm. Thấy người thanh niên bảnh bao, giỏi ăn nói lại quan tâm tới mình H đem lòng yêu mến. Mọi người chúng xóm trọ chỉ thấy B đưa đón H vài lần nhưng không tiếp xúc nói chuyện với mọi người nên không biết nhiều thông tin về người bạn trai của cô gái trẻ. Chỉ đến khi người bạn cùng phòng phát hiện H khóc lóc một mình trong nhà vệ sinh, gặng hỏi mãi mới biết H đã có thai mà người yêu kỹ sư đã cao chạy xa bay, không để lại gì ngoài số điện thoại không liên lạc được. Thương cảm cô gái trẻ, các chị em góp mỗi người một ít đưa H đi bệnh viện giải quyết cái thai, hy vọng giúp cô gái có thể làm lại từ đầu.
Hay trường hợp của nữ công nhân tên H làm việc tại một công ty may tại Biên Hòa. H trót mang thai khi người yêu ngoảnh mặt, chối bỏ trách nhiệm. Thương đứa trẻ vô tội vừa mới thành hình, cô gái nhờ sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp quyết sinh con, chịu vất vả làm mẹ đơn thân. Vừa sinh con xong đã vội gửi con lại cho bà ngoại chăm sóc để tiếp tục đi làm.
Đáng buồn hơn cả là cảnh công nhân vứt bỏ con ngay sau khi sinh ra gây nhức nhối dư luận. Mới đây, nữ công nhân tên Hồ Thị V. làm việc trên địa bàn thị xã Thuận An – Bình Dương có con ngoài ý muốn đã tự sinh con và vứt vào sọt rác. Đứa bé may mắn được phát hiện và cứu sống. Trường hợp của V chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp các nữ công nhân bỏ rơi con hay nạo phá thai vì trót trao thân cho những người đàn ông thiếu trách nhiệm, chưa có ý định lâu dài.
Các ngôi chùa, trung tâm nhân đạo gần khu vực các khu công nghiệp ở Bình Dương trở thành nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh từ những mối tình công nhân hời hợt này. Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình (Nằm gần KCN Sóng Thần – Bình Dương) hàng năm tiếp nhận rất nhiều trường hợp công nhân bỏ con “nhờ” trung tâm nuôi hộ sau khi trót sinh con ngoài ý muốn.
Theo Vietnamnet