NS Quốc Trung: Chữ show đang bị lạm dụng - Tạp chí Đẹp

NS Quốc Trung: Chữ show đang bị lạm dụng

Sao

Có những live show chỉ có ở Việt Nam

– Theo quan niệm của một người làm nghề lâu năm, định nghĩa live show với anh cụ thể là như thế nào?

– Live show là một chương trình biểu diễn âm nhạc, ở đó không chỉ coi trọng phần nghe mà còn đầu tư cả phần nhìn để bổ trợ cho âm nhạc nhằm tạo nên không khí sống động. Phần biểu diễn hỗ trợ hòa hợp cùng âm nhạc để tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc, không gian hứng khởi cho khán giả.

– Trong sự nghiệp của mình tính đến hôm nay, anh đã làm bao nhiêu live show và live show nào anh ấn tượng nhất?

– Tôi chưa bao giờ tổng kết và cũng khó có thể nhớ hết được những show mình đã làm từ thời sinh viên hay bắt đầu đi chơi nhạc chuyên nghiệp (gần 30 năm). Nếu kể những show mà tôi sản xuất cũng có vài chục, còn nếu tham gia thì có đến hàng trăm. Cho đến giờ một live show do tôi đạo diễn và dàn dựng toàn bộ, Đêm huyền diệu, vẫn để lại nhiều ấn tượng. Dù nó còn nhiều điều ngây ngô, hồn nhiên nhưng kéo dài trong một tuần tại Cung văn hóa và đêm nào cũng đông vào năm 1993 cũng là một kỳ tích cho đến giờ.

 

– Sự thay đổi của âm nhạc Việt trong vài năm gần đây khiến khái niệm live show và “phụ lục” là mini-live show đã thay đổi nhiều. Điều gì khiến anh thấy thích và không thích trong những thay đổi đó?

– Tôi nghĩ mọi người đang lạm dụng chữ show và đôi khi thiếu chữ live. Live show của một ca sỹ đòi hỏi sự đầu tư về mọi mặt, ngoài khả năng có thể đảm trách một đêm trình diễn còn phải có đủ mức độ ảnh hưởng đối với công chúng. Đối với ca sỹ trẻ hay một ngôi sao chưa đủ mức độ lan tỏa để thu hút hàng vạn người thì nên đến với những mô hình nhỏ như người ta gọi là concert. Nó vẫn thành công về mọi mặt, cả danh tiếng cũng như tiền bạc chứ không nhất thiết đều phải hoành tráng ở những nhà thi đấu, mời háng tá khách mời, vũ đoàn, thậm chí hát nhép rồi vé thì toàn cho và đi mời thì nó không phải là một live show, hiệu ứng mang lại chỉ là những giá trị ảo. Tôi cũng không thích những live show mà có hàng chục ngôi sao, ca sỹ, đủ các thể loại âm nhạc, đủ thứ trình diễn từ thời trang đến tấu hài… mỗi ca sỹ ra hát một vài bài với đủ kiểu dàn dựng. Nó sẽ chẳng để lại ấn tượng gì nhiều và đặc biệt sẽ không tạo nên những lớp khán giả riêng cho từng ca sỹ hay phong cách âm nhạc. Trên thế giới hình như chỉ có ở Việt Nam là phát triển mô hình đó.

Đừng áp đặt “gu” của mình lên người khác

– Người ta hay nói đến khái niệm “đêm nhạc tử tế” khi nói về những live show, với anh sự tử tế của một đêm nhạc đến từ những nhân tố – thành tố nào?

– Sự tử tế vốn là điều cần phải có khi làm nghệ thuật hay bất cứ ngành kinh doanh nào. Có lẽ có quá nhiều đêm nhạc thiếu tử tế nên họ mới làm PR theo kiểu đêm nhạc của tôi “tử tế”. Sự tử tế đầu tiên là họ cần cho khán giả biết đúng những điều họ sẽ được xem để có sự chọn lựa đúng và sau đó là làm cho những khán giả của mình hạnh phúc. Nhân tố đầu tiên là Nhà sản xuất tử tế. Nhà sản xuất tử tế sẽ biết tìm đến những ekip tử tế, biết đầu tư đủ để đạt được chất lượng tử tế. Mọi ý tưởng tử tế cần phải được đến tai khán giả bằng những âm thanh tử tế và họ phải được xem những hình ảnh tử tế. Cuối cùng thì không có sự tử tế nào mà lại rẻ mạt cả. Live show không chỉ là một cái tên ấn tượng, không chỉ là những cái tên nổi tiếng hay những sự kết hợp chưa từng có hoặc một chiến dịch PR với các câu chuyện bên lề và đời tư âm ầm ỹ. Sự tử tế chỉ có được khi tiếng hát, tiếng đàn đến tai khán giả và đem cho họ hứng khởi, những cảm xúc.

– Đã có những đêm diễn hát nhạc “rất sang” nhưng sự thực hiện lại rất cẩu thả dù có cả ngôi sao hạng A, hạng B tham gia. Theo anh, sự tử tế có nhất thiết là âm nhạc phải có “gu” và đừng quá “chợ”? Tâm thế thực hiện tử tế liệu có kéo lại được sự cân bằng cho đêm nhạc, nếu đó là dòng nhạc không được đánh giá cao về chất liệu âm nhạc?

– Âm nhạc cần đa dạng và không thể áp đặt “gu” của mình lên người khác. Người ta hay lấy “gu” và khái niệm “chợ” để tự lôi mình lên cao thôi. Không thể bảo một ngôi sao Pop có live show ngoài sân vận động hàng chục nghìn người “chợ” hơn một nghệ sỹ Jazz trong khán phòng nhỏ vài trăm người. Cũng khó có thể bảo một nghệ sỹ nhạc điện tử lại sang hơn một ban nhạc Rock.

– Anh được biết nhiều với vai trò giám đốc âm nhạc hay nhà sản xuất của một số dự án. Với anh, điều kiện tiên quyết để có một live show thành công là gì? Tiền bạc?  Ca sĩ? Hay chất liệu âm nhạc?

– Tiền cần thật nhưng không phải là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Quan trọng là nghệ sỹ tức là một ca sỹ có phong cách riêng, có vốn âm nhạc để làm một live show có phong cách đồng nhất chứ nếu một ca sỹ hát đủ các thể loại từ cổ chí kim thì cũng chỉ là một ca sỹ giỏi, một thợ hát karaoke cao cấp thôi. Nên nhớ là sứ mệnh của ca sỹ là mang đến những cái mới lạ, độc đáo và hấp dẫn cho khán giả chứ không phải đến để hát những cái khán giả đã biết hay hát tất cả những gì khán giả yêu cầu cho dù không phải là phong cách hay thể loại của mình. Một yếu tố quan trọng của live show là phải có những bất ngờ khó đoán từ sự chờ đợi ở những tác phẩm nổi tiếng quen thuộc. Điều đó luôn mang lại sự bùng nổ cảm xúc của khán giả.

Cần phân định danh ca và ngôi sao giải trí

– Live show ngày nay khá nhiều chiêu trò như đu dây, múa lửa, sông suối bướm hoa… trên sân khấu. Nếu anh được mời thực hiện những live show rườm rà như vậy, anh nghĩ sao? Với một cát sê khổng lồ liệu anh có gật đầu và thỏa hiệp với chủ nhân để cố gắng đầu tư cho phần chất lượng âm nhạc?

– Yếu tố đầu tiên là tôi cần một nhà sản xuất tử tế. Nếu tôi gật đầu với một cát sê khổng lồ thì việc cần làm là tiết kiệm kinh phí để bỏ đi những thứ rườm rà đó và tập trung vào âm nhạc. Tôi tin là chẳng nhà sản xuất nào lại từ chối điều đó, và nếu có như vậy thì họ cũng chẳng bỏ nhiều tiền để mời tôi làm gì. Cũng cần phân định danh ca và ngôi sao giải trí. Live show của ngôi sao luôn khác với concert của danh ca. Nhà sản xuất giỏi là phải đặt đúng người vào đúng chỗ.

 

– Các chương trình do anh tổ chức thường đơn giản, không cầu kì chiêu trò để câu kéo khách. Đã có ai đề nghị anh thay đổi hình thức tổ chức các đêm nhạc màu mè hơn chút nữ để hấp dẫn khách hơn?

– Tùy từng thể loại âm nhạc, không gian biểu diễn và cả điều kiện về kinh phí. Tôi đã từng làm những show như vậy và sẽ làm những show như thế khi cần thiết.

– Anh có từng mơ về một live show của riêng mình?

– Tôi đã có nhiều live show cho riêng mình nhưng để được như mơ ước thì chưa. Có lẽ nó chẳng bao giờ đến bởi làm xong cái này tôi lại mơ ước cái kia.

– Mỗi năm anh và công ty Thanh Việt đều làm những đêm nhạc có chất lượng như Cầm tay mùa hè. Anh có thể chia sẻ về những đêm nhạc tương tự mà anh và cộng sự dự định thực hiện thời gian tới?

– Chúng tôi muốn sản xuất nhiều hơn nhưng khó khăn và mẫu thuẫn lớn nhất vẫn luôn là kinh phí. Để có một chương trình chất lượng thì phải đầu tư mọi mặt mà đầu tư nhiều thì lại lãi ít. Lãi ít thì phải làm nhiều mới đủ tiền duy trì công ty mà làm nhiều thì không thể nào có chất lượng. Vấn đề của không chỉ riêng tôi là giá thành sản xuất ở Việt Nam rất cao mà lại khấu hao quá ít. Diễn một hai buổi rồi lại bỏ đi thì khó có thể thu hồi vốn chứ nói gì đến lãi nhiều. Sang năm 2013 tôi sẽ tổ chức những live show để giới thiệu những album mới mà tôi thực hiện.

– Những ca sĩ xuất hiện trong các chương trình của anh thường là diva hoặc những ca sĩ thuộc công ty như Hà Linh, Uyên Linh. Anh tự giới hạn mình hay là những cái tên khác như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo, Tùng Dương sẽ là những cái tên để dành cho các dự án khác?

– Tôi không tự giới hạn mình hay chỉ chọn những tên tuổi mà còn muốn làm việc với nhiều nghệ sỹ trẻ. Nhưng tôi muốn họ có album, những dự án độc lập để có thể tổ chức những buổi hòa nhạc riêng. Tôi thích làm những show nhỏ đó hơn là những sự kết hợp hoành tráng dù nó mang lại lợi nhuận và an toàn hơn. Trong tương lai tôi sẽ tổ chức những tour diễn quy mô nhỏ cho những ca sỹ trẻ, để giới thiệu những gương mặt mới với những phong cách âm nhạc rõ nét.

– Anh và ekip chương trình Vietnam Idol vừa phát động chương trình Nghe có ý thức, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm nhạc như anh?

– Với tôi nó mang ý nghĩa sống còn cho đời sống âm nhạc Việt. Nó sẽ là yếu tố tiên quyết cho việc xây dựng đời sống âm nhạc hay một thị trường lành mạnh. Nó chính là động lực lao động cho mọi nghệ sỹ và tạo nên một môi trường kích thích sáng tạo nghệ thuật.

Thực hiện: Du Miên

Thực hiện: depweb

07/11/2012, 19:45