1. Hãy làm người quản lý
Ngày nay, có bậc cha mẹ đi quá xa trong việc “chia sẻ” những mối lo âu và khó khăn, vướng mắc của trẻ và nhiều khi “hạ mình” khi chúng vòi vĩnh, làm mình làm mẩy. Nhà tâm lý Wad Hor (Mỹ) cho rằng, bài học số một dành cho các bậc phụ huynh là chấm dứt việc xem mình là “bạn bè” đồng trang lứa của con cái, mà phải là những người bạn lớn tuổi, đặt ra những quy tắc và giới hạn trong giáo dục con cái.
2. Thiết lập kỷ luật ngay từ đầu
Một bà mẹ có đứa con trai 4 tuổi rất nghịch ngợm, luôn quấy nhiễu khi mẹ làm việc. Nếu bà mẹ không có thái độ yêu cầu chú bé chấm dứt các hành vi ấy một cách dứt khoát, nó sẽ càng nghịch hơn. Chỉ khi mẹ nói như ra lệnh: “Này, mẹ không thích hành động của con! Hãy chấm dứt ngay!” rồi tảng lờ không thèm để ý đến những trò phá bĩnh của nó. Chỉ một lát sau, nó đã “hạ nhiệt” và thôi không nghịch nữa. Lúc này, bà mới quay sang chơi đùa, thủ thỉ tâm tình, giải thích cho con hiểu. Việc làm đó sẽ có hiệu quả giáo dục cao hơn.
Như vậy, để thiết lập kỉ luật cho con ngay từ khi còn bé, cha mẹ phải biết cách “trị” thói ương bướng của trẻ và không nên vì quá thương con, mà giành hết khó khăn về mình, làm hộ cả những việc đơn giản. Đừng quan niệm tự mình làm lấy vẫn hơn, trẻ còn bé chưa biết làm việc vặt trong nhà, khi lớn hơn chúng sẽ tự biết làm. Đó là sai lầm lớn nhất vì từ sự dễ dãi, thỏa hiệp ấy, lớn lên đứa trẻ sẽ lười biếng, ỷ lại, không biết sống tự lập… Cha mẹ phải đau đầu khi chúng không chịu nghe lời, và lúc đó họ mới áp đặt bắt chúng theo khuôn phép thì đã muộn. Cũng có cha mẹ nhắc con làm việc, nhưng lại kèm theo một điều kiện, ví dụ: “Nếu con dọn dẹp đồ chơi, mẹ sẽ cho con ăn kem”. Trường hợp này, đứa trẻ sẽ trở thành người “quản lý, áp đặt” điều kiện ngược lại với cha mẹ.
3. Dành thời gian gần gũi, chăm sóc con cái
Trẻ càng có nhiều thời gian ở bên cha mẹ thì càng phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Gặp vướng mắc khó khăn, chúng sẽ dễ dàng vượt qua nếu nhận được sự cảm thông, động viên từ mẹ.
4. Kiểm soát các phương tiện truyền thông, truyền hình
Đôi khi, cha mẹ bị “sốc” trước những lời nói, sự hiểu biết già trước tuổi của con về bạo lực và tình dục. Có nhiều nguyên nhân đưa tới tình trạng này và một nguyên nhân gián tiếp là trẻ học được từ trên các phương tiện nghe nhìn (trò chơi vi tính bạo lực, mạng internet…) không được kiểm soát. Vì thế, cha mẹ nên hướng dẫn con xem tivi, học vi tính. Trẻ em không nên xem tivi quá 2 tiếng/ ngày và chỉ được xem những nội dung phù hợp với lứa tuổi, cần kiên quyết loại bỏ những thông tin gây nhiễu, làm hư hỏng tâm hồn của trẻ.
5. Kiểm soát và nắm chắc mọi hành động của con
Con cái nếu không được bố mẹ quản lý chặt, tự do chơi bời lêu lổng dễ nhiễm những thói hư tật xấu: hút thuốc, sử dụng ma túy, rượu chè, quan hệ tình dục sớm… Vì vậy, cha mẹ nên hướng dẫn con cách sắp xếp hợp lý công việc trong ăn, học, nghỉ ngơi. Đồng thời nên biết rõ thời gian biểu của con ở trường, những mối quan hệ bạn bè, ngoài xã hội của con để giúp đỡ giải quyết những vướng mắc và kịp thời ngăn chặn khi có biểu hiện xấu.
6. Xây dựng ý chí cho trẻ
Các bậc phụ huynh chỉ nên khen ngợi những thành tích thực sự của con, không nên quá thổi phồng và đưa trẻ lên mây xanh. Ví dụ, khi một cầu thủ nhí sút tung lưới đối phương, cha mẹ không nên coi đó là một việc vô tích sự, mà cũng chẳng nên xem cậu ta là một “ngôi sao”. Nếu cha mẹ ấp ủ con quá kỹ, việc cỏn con con làm được cũng cho là to tát thì chúng sẽ tự kiêu, tự đại, không có ý chí vượt khó sau này. Nên cho trẻ hiểu sự đánh giá tốt về bản thân chỉ có được nếu chúng đạt những thành công qua một quá trình khó khăn, thử thách.
7. Giữ gìn hạnh phúc gia đình
Sống trong một gia đình hạnh phúc là điều quan trọng nhất giúp trẻ phát triển tốt. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ sống trong gia đình cha mẹ lục đục, bất hòa dẫn tới ly hôn, chỉ ở với cha hoặc mẹ, luôn già trước tuổi, có tỷ lệ học kém, bỏ học sớm, phạm pháp… gấp đôi so với trẻ bình thường. Để có một thế hệ tương lai khỏe mạnh, có đức, có tài, các bậc cha mẹ hãy cố gắng vun đắp cho cuộc sống gia đình tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.