Mơ còn xanh thường dùng làm rượu, gọi là rượu thanh mai. Mơ vừa chín tới để ngâm với đường làm nước giải khát. Rượu mơ chữa được chứng phong thấp, đau bụng, cảm nắng, ra mồi hôi tay chân.
Dùng phần thịt của quả mơ giã nhỏ để làm mặt nạ sẽ giúp da mặt mịn, sáng hơn.
Ngoài tên gọi thông dụng thì mơ còn có các “biệt hiệu” khác như mai từ, hạnh, mác mòi. Mơ khi chín thường có màu vàng ươm và rất nhiều nước. ăn vào có vị chua. Nhiều nơi, người ta vẫn sử dụng mơ tươi để ăn hoặc làm rượu, làm mứt, làm nước giải khát hay ô mai. Mơ khi được sấy khô ăn có vịt ngọt và chứa hàm lượng chống oxy hóa rất cao.
Toàn bộ phần quả mơ đều được tận dụng hết. Phần thịt chứa nhiều hữu cơ, đường, vitamin C có tác dụng giải khát, giảm mồ hôi, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Phần thịt để ăn còn phần hạt thì được giữ lại để chữa một số loại bệnh rất hiệu quả như ho, khó thở… Nhân của hạt mơ có chứa nhiều vitamin E nên được sử dụng như một loại thức ăn và làm mỹ phẩm để ngăn ngừa sự lão hóa của da.
Năm 1952, trong một nghiên cứu, người ta phát hiện ra trong dịch nhân quả mơ có chứa acid pangamic (vitamin B15), có tác dụng phục hồi sức khỏe, chữa các bệnh về tim, phổi… Năm 1968, một cuộc nghiên cứu khác lại tìm ra được chất chống trực khuẩn lao và chiết xuất được tinh dầu từ hạt quả mơ, có tác dụng trị ho suyễn, tiêu hóa kém… Từ đó về sau, mơ được nhiều người biết đến và sử dụng rộng rãi hơn.
Mùa của mơ nhiều nhất là vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Nhiều người dùng quả mơ để ngâm với đường, làm nên loại nước siro, dùng để giải khát những lúc trời nắng nóng, cơ thể mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa. Một số nơi khác lại sử dụng mơ để làm ô mai – món ăn được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Ngoài việc sử dụng như một món ăn chơi thì ô mai còn có tác dụng trị bệnh ho, hen suyễn, giun, viêm đại trang… Mơ còn được dùng để làm thành thứ rượu mơ rất đặc biệt, vừa giải khát lại vừa gúp ăn cơm ngon miệng.
Quả mơ có nhiều chất xơ nhưng lại tương đối ít calori, vì thế mà mơ được nhiều chị em phụ nữ sử dụng để cân đối lại vóc dáng của mình. Ngoài ra, lượng crotenoids trong thành phần quả mơ khá lớn nên tốt cho da, mắt và bệnh ung thư.
Ô mai vị gừng, cam thảo
Nguyên liệu:
1kg mơ xanh, 300g gừng tươi, 400g đường đỏ, 50g bột cam thảo, 70g muối.
Thực hiện:
Mơ rửa sạch, dùng dao khứa lên mơ, cho vào chậu nước muối ngâm trong 2 ngày, vớt ra để ráo. Gừng cạo sạch vỏ, băm nhuyễn, cho vào cối giã nhuyễn, lọc qua rây để phân xác và nước riêng. Muối giã mịn.
Cho mơ, đường, nước cốt gừng vào nấu trên lửa nhỏ, khi hỗn hợp sên lại cho xác gừng vào đảo đều. Tắt bếp.
Cho mơ vào khay cạn, cho vào lò vi sóng, sấy mơ ở nhiệt độ 90oC cho tới khi mơ khô lại là được. Khi mơ khô, cho muối, bột cam thảo vào xóc đều, hong thêm khoảng 5 phút nữa cho muối thấm vào mơ. Cho ô mai vào hũ thủy tinh, khi ăn lấy ra dùng dần.
Mứt mơ
Nguyên liệu:
1kg mơ tươi, 600g đường đỏ, 200g gừng tươi, 30ml rượu vang trắng, 15g muối.
Thực hiện:
Cho 10g muối, mơ và một ít nước vào trộn nhẹ cho mơ sạch lông. Xả lại bằng nước sạch, để ráo nước. Dùng tăm hoặc nĩa xăm lên mơ cho mơ ra bớt nước. Cho mơ vào ngâm với nước muối trong khoảng 3 – 4 giờ, vớt ra, để ráo. Gừng cạo sạch vỏ, băm nhuyễn.
Cho đường vào chảo, sên cho tan đường, cho mơ, gừng vào đảo nhẹ tay trên lửa nhỏ cho đường ngấm vào mơ. Đậy vung lại, rim cho mơ thấm.
Tắt bếp. để mơ ngâm trong nước đường thêm khoảng 90 phút rồi bắc lên bếp sên lại lần nữa, cho rượu vào, khi mơ chuyển qua màu nâu sậm, đường sên lại là được.
Cho mứt mơ vào hũ dùng dần.
Siro mơ
Nguyên liệu:
1kg trái mơ chín, 800g đường cát, 1 thìa súp muối, 1 bình thủy tinh miệng rộng.
Thực hiện:
Cho muối vào mơ, chà nhẹ tay cho mơ sạch. Xả lại với nước, để mơ thật ráo.
Cho mơ vào 2/3 bình thủy tinh, trút đường vào, đậy kín nắp, cho vào nơi thoáng mát, ủ trong khoảng 15 – 20 ngày. Khi trái mơ teo lại, rút hết nước là được.
Vớt bỏ trái, lọc nước mơ qua vải màn cho sạch cặn, cho nước vào hũ, để dùng dần. Khi dùng, lấy khoảng 30ml nước mơ hòa với 100ml nước ấm, quậy đều, cho đá viên vào, uống rất ngon.
Sơn Ý
(Theo Món ngon)