Nữ quyền hay nữ tính? - Tạp chí Đẹp

Nữ quyền hay nữ tính?

Review

Nàng thơ trên chiếc pedan

Tại kỷ niệm 15 năm kể từ ngày rời khỏi trường cấp 3, anh bạn tôi, trong lúc ngà ngà, đã thủ thỉ với tôi, rằng nhiều đêm anh vẫn mơ thấy hình ảnh cô bạn ở lớp bên, tóc dài, áo dài tung bay trên chiếc xe đạp cũ. Bao nhiêu năm trôi qua mà cô bạn đi xe đạp ngày nào vẫn cứ là giấc mơ tình đầu không thành, còn nằm lại mãi trong lành anh, khiến anh đôi lúc ngẩn ngơ.

Tôi thấy lạ. Anh có vợ đẹp, vừa giỏi lại vừa giàu. Ngày ngày chị ấy vẫn lái chiếc Mercedes sang trọng đầy kiêu hãnh đến sở làm. Sỡ hữu người đàn bà đẹp phía sau vô lăng, hà cớ gì anh cứ để cho hình ảnh cô gái mong manh trên chiếc pedan làm phiền những giấc mơ của mình?

Anh nói, với đàn ông, thơ mộng nhất là khi nhớ về những người con gái đi xe đạp. Xe đạp gắn với những năm đất nước nhèo khó, mà kỳ lạ là càng giàu có, càng nhiều tình yêu chóng vánh, thì mối tình nghèo năm xưa mới trẻ thành thứ xa xỉ đầy thơ mộng. Xe đạp gắn với những năm tháng học trò, mà khi tuổi đời càng chồng chất, người ta càng có xu hướng mơ về tuổi trẻ Những ai may mắn du học ở Phương Tây, thì xe đạp lại càng gắn bó với cuộc đời sinh viên trên những tuyến đường cô đơn mà đầy sắc màu lãng mạn.

Với những ký ức sâu xa đó, cứ nhìn thấy một thiếu nữ đi xe đạp lướt qua, đàn ông lại nhớ về những thứ tươi đẹp đã trôi qua. Thế nên cho dù xe đạp bị lỗi thời giữa thời kỳ đô thị hóa, thì trong sâu thẳm, hình ảnh cô gái tóc dài, vai nhỏ, dáng gầy bên những vòng xe xoay vẫn cứ mãi ở lại trong lòng cánh đàn ông. Và thế nên cho dù phụ nữ càng cố gắng trở nên quyến rũ phía sau những chiếc vô lăng, buồn thay, đàn ông vẫn chỉ xem những thiếu nữ trên chiếc pedan mới thật là nàng thơ, là biểu tượng nữ tính mà họ muốn âu yếm và che chở nhất.

 

Không chi nữ tính, còn là nữ quyền

Nhưng đàn ông có biết, không phải xe hơi, chính là xe đạp mới là phương tiện đem lại nữ quyền cho phụ nữ. Nếu như thế kỷ 19, người ta vẫn chỉ thấy phụ nữ trong trang phục váy áo xòe rộng, ngồi khép nép trên yên ngựa sau lưng các quý ông, thì đột ngột từ đầu thế kỷ 20, hình ảnh phụ nữ tự tin cưỡi trên con ngựa sắt đã thay thế hoàn toàn vị trí của phương tiện di chuyển có mùi động vật. Chiếc xe đạp một thời đã trở thành đam mê, biểu tượng thời trang đầy kiêu hãnh và được tôn vinh như tuyên ngôn của phụ nữ. “Tôi độc lập, tôi tự tin, tôi tự do và tôi quyến rũ”.

Phương tiện di chuyển tân thời này cũng đã khiến thời trang hoàn toàn thay đổi. Những chiếc váy dài lòe xòe diêm dúa của các quý bà, quý cô đã được cắt ngắn dần để phù hợp cho việc đạp xe. Những chiếc mũ lòe xòe được thay thế bằng mũ nhỏ vành để không làm vướng víu tầm mắt của các người đẹp. Váy ngắn lộ mắt cá, áo khoác dạ và mũ vành nhỏ đã trở nên thịnh hành, và cùng với chiếc xe hai bánh duyên dáng ấy, một kỷ nguyên tươi sáng dành cho những phụ nữ tự do và đầy hoài bão đã chào đời.

Xe đạp, cứ thế tiến lên thành phương tiện trào lưu bậc nhất. Nó trở nên phổ biến nhất vào thập niên 50, cùng thời kỳ hoàng kim của âm nhạc, điện ảnh và nghệ thuật. Người ta vẫn nhớ mãi Audrey Hepburn duyên dáng trên chiếc xe đạp nhỏ với chú chó xinh xắn trên chiếc giỏ mây. Người ta không thể nào quên nụ cười rạng rỡ của Marilyn Monroe khi dạo chơi trên chiếc xe đạp cùng Arthur Miller những tháng ngày họ còn hạnh phúc. Và nét quyến rũ đầy trễ nải của mèo hoang Brigette Bardot cùng chiếc mũ rơm mãi là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều thi nhân đến tận hôm nay.

Xe đạp dần thoái trào từ những năm 70, bởi phụ nữ chuyển sang mê những chiếc xe bốn bánh phù hợp với các đô thị lớn. Nhưng ở những thành phố nhỏ xinh và lãng mạn nhất thế giới, chiếc xe bốn bánh nhả khỏi mịt mù dường như không thể vừa vặn, nên phụ nữ phương Tây lại quay về với những chiếc xe hai bánh không động cơ. Ở Việt Nam, xe đạp thịnh hành mãi đến tận những năm 90, rồi phụ nữ chuyển sang xe gắn máy, và rồi tiến lên trào lưu xe bốn bánh trong những năm gần đây như một cách tung hô nữ quyền. Nhưng cuối cùng thì, giống như một vòng quay, xe đạp cuối cùng cũng đã trở lại.

 

Những người muôn năm cũ

Gần đây, tôi thấy hội “Đạp và Đẹp”, “Yêu xe đạp”, … đã ra đời, mà thành viên lại chính là những phụ nữ trẻ, hiện đại, những người một thời sẵn lòng cầm vô lăng xuyên Việt. Phụ nữ bỗng dưng quay lại làm “những người muôn năm cũ”, khi chuyển sang say đắm những vòng xe 2 bánh không động cơ như hình ảnh vừa gợi nhớ nữ quyền mà lại không kém phần nữ tính.

Từ ngày xuất hiện những hội phụ nữ xe đạp, đàn ông thở phào nhẹ nhõm. Cách một cô gái hiện đại di chuyển chậm rãi trên chiếc xe đạp, dừng xe, gạt chống, đến mua một tờ báo, một bó hoa thật dễ chịu hơn nhiều so với – nếu cũng là nàng, đặt gót giày cao gót, bước ra khỏi ghế vô lăng, đóng mạnh cửa xe – dù cũng là để mua một tờ báo và bó hoa tương tự.

Chiếc xe đạp khiến đàn ông nhớ về cô gái tóc dài, vai nhỏ, tà áo tung bay từ thưở trung học, dù rằng hôm nay, chính cô gái ấy đã đi quãng đường dài từ thiếu nữ thơ ngây thành người đàn bà nhiều trải nghiệm. Đàn ông hồ hởi bảo nhau, phụ nữ cuối cùng cũng đã quay lại những giá trị cũ, và sự nữ tính, lãng mạn vốn có, từ thời bà của họ, mẹ của họ.

Nhưng những người phụ  nữ dám dắt xe đạp ngày ngày đến công sở và dạo chơi, có thực là thiếu nữ dịu dàng, mỏng manh và giữ lấy những giá trị cũ kỹ như đàn ông thường lầm lẫn? Tôi nghĩ là không! Rất nhiều phụ nữ đi xe đạp trong lòng thành phố này, họ hiểu hơn ai hết, xe đạp mới là biểu tượng đầu tiên và hiện đại nhất của nữ quyền. Họ đi xe đạp vì đó là một lựa chọn, chứ không phải vì không thể mua một phương tiện khác. Khi di chuyển bằng chiếc pedan lãng mạn, họ đã bất chấp cả khói bụi và vượt trên thói quen tốc độ. Họ chứng mnh rằng mình văn minh, mình biết tôn trọng môi trường sống. Họ yêu thể thao, họ biết giữ vóc dáng bằng những hoạt động thường ngày. Họ lựa chọn lối sống rất Tây phương, từ tốn, nhẹ nhàng, tận hưởng và không chạy theo đám đông bát nháo.

Phụ nữ đi xe đạp có niềm kiêu hãnh giấu mặt. Không như chiếc xe hơi hào nhoáng khoe khoang tài sản, đi xe đạp, họ ngấm ngầm bảo với cả thế giới, rằng họ hiểu đâu là giá trị đích thực. Họ thường là những người yêu sách vở, đắm say với nghệ thuật, thu nhập ở mức A+, và dám chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển, thì nếu không phải sống trong những khu đô thị mới có đường đi cho xe riêng, hẳn nhà họ cũng phải ở giữa trung tâm. Thế nên, chiếc xe không làm họ tăng thêm đẳng cấp, bởi chính bản thân họ đã biết mình ở đẳng cấp nào.

Tôi nghĩ, xã hội sẽ cần thêm nhiều phụ nữ “muôn năm cũ” như thế. Bởi đó là những phụ nữ đã biết đặt nữ quyền lên tầm cao mới, thứ nữ quyền thật dễ chịu ẩn giấu phía sau lớp vỏ bọc ngọt ngào, lãng mạn và nữ tính.

Mai Vy (theo F)

Thực hiện: depweb

12/09/2012, 10:43