Những chiêu 'dằn mặt' trẻ của cô giáo mầm non - Tạp chí Đẹp

Những chiêu ‘dằn mặt’ trẻ của cô giáo mầm non

Tin Tức
Ở một số trường mầm non, ngay từ những buổi đầu đến lớp, ngoài việc giúp trẻ làm quen với môi trường xung quanh, kết thân với bạn bè, các cô giáo còn đưa ra quy định : có bất kỳ vấn đề gì ở lớp phải báo với cô để giải quyết, không được nói với bố mẹ (vì “ngại” phụ huynh tìm đến các cô phản ánh). Đây được xem là “kỷ luật thép” mà trò nào cũng phải tuân theo nếu không sẽ bị khiển trách trước lớp và bị phạt với nhiều hình thức…

 

Ảnh có tính chất minh họa

“Hít le” trẻ

Đi học về, bé Bon (4 tuổi) thường kể tội các bạn ở lớp với mẹ. Ban đầu, chị Hương – mẹ của bé không hiểu tại sao con lại nói: “Hôm nay bạn A bị hít le” hay “Cả lớp Bon lêu bạn B”. Nhiều lần hỏi ra chị mới biết, các bạn đó ở lớp không ngoan nên bị cô giáo bêu xấu trước lớp để các bạn “lêu lêu” (cười chê), còn “hít le” là bị cô lập, phải thui thủi một mình không được chơi với các bạn khác trong lớp. Chị Hương gặng hỏi con xem đã bị phạt như thế bao giờ chưa thì bé chỉ lắc đầu nguầy nguậy: “Bon sợ lắm! Bon chưa mắc tội bao giờ!”. Nghe đến đó, chị thở phào nhẹ nhõm và dặn con tới lớp không được trái lời cô không thì khổ.

Đứng xó lớp, nhốt trong nhà vệ sinh

Đây là kiểu phạt phổ biến được một số cô giáo mầm non áp dụng khi trẻ không nghe lời để làm gương cho các bạn trong lớp. Các “tội” thường bị đứng xó lớp hoặc nhốt trong nhà vệ sinh như: biếng ăn, lười học, mất trật tự trong giờ, đánh bạn….

Nếu cô giáo nào thương trẻ hơn thì dùng cách ra hiệu cho cả lớp đồng thanh: “Bạn A. ơi, ăn mau lên!…” để bé này xấu hổ và không biếng ăn nữa.

Hình thức này chỉ mang tính chất cảnh cáo, nhiều trẻ được ưu tiên đứng xó lớp nhiều nên “lì đòn”, không sợ phạt nên các cô giáo phải sử dụng nhiều chiêu “độc” hơn.

Giật ngửa bé để dẹp trật tự

Một số cô giáo còn có cách dẹp trật tự không giống ai. Thay vì nhắc nhở, quát mắng, cứ thấy bé nào quay ngang quay ngửa, nói chuyện trong giờ, cô không nói không rằng, lao thẳng đến túm hai vai rồi giật ngửa bé ra đằng sau. Các bé dù đang mải mê chuyện trò đến mấy, bị bất ngờ cũng giật mình khóc thét lên. Nhưng khi thấy cô vằn mắt, dọa nạt thì sợ đến mấy, đau đến mấy cũng phải im re.

Đánh vào lòng bàn tay, chân

Để ứng phó với những bé cá biệt trong lớp, không ít cô thường dùng thước bắt các con xòe ngửa tay hoặc giơ lòng bàn chân ra rồi đánh. Tùy từng tội mà phạt ít hay nhiều nhưng “ưu điểm” của hình phạt này là không để lại dấu vết và phụ huynh không phát hiện ra các vết bầm tím trên người trẻ. Còn các bé khi bị đánh đau thường sợ đòn roi nên bớt nghịch hơn vào lúc đó.

Tụt quần trước lớp, dọa treo lên quạt trần

Có cô giáo còn có kiểu phạt “rợn người” bằng cách tụt quần trẻ trước lớp rồi dọa treo lên quạt trần. Đơn cử nư trường hợp của bé T.Anh (4 tuổi tại một trường mầm non ở Hà Nội), buổi trưa bé cùng 5 bạn khác không ngủ, rủ nhau nghịch ngợm, quấy phá trong lớp khiến cô giáo bực tức. Rồi cô gọi các bạn cùng xem cô tụt quần cả 6 bé trước lớp rồi dọa sẽ treo hết lên quạt trần làm các bé xấu hổ, hoảng loạn, kêu khóc. Chỉ khi các bé khóc lặng đi, xin lỗi và hứa với cô không vi phạm nữa cô mới dừng lại. Cả lớp cũng được phen run rẩy, không ai dám ho he.

Khi được hỏi về những biện pháp “dẹp loạn” lớp của mình, cô giáo N. H (giáo viên tại một trường mầm non ở Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng từng sử dụng một trong số những kiểu phạt trên đây, là người trong nghề tôi cũng từng chứng kiến nhiều cách “xử lý” học sinh ghê hơn thế này. Nếu đứng ngoài nhìn vào thì có thể nghĩ cô giáo ác, không thương các em nhưng ở vào vị trí của chúng tôi, khi chỉ vài cô vừa phải trông mấy chục trẻ, vừa dạy dỗ, vệ sinh, giải quyết hàng loạt vấn đề của các em. Vì vậy, bị áp lực là điều không tránh khỏi, với những cô mất bình tĩnh hoặc không kiềm chế được cảm xúc của bạn thân sẽ dễ có hành động không “đẹp”, thậm chí ảnh hưởng tới trẻ.”

Theo một số giáo viên mầm non, nếu không sử dụng các biện pháp mạnh sẽ không thể kiểm soát được lớp, với những trẻ hiếu động, nghịch ngợm thì việc áp dụng các hình phạt để làm gương cho các bạn khác là điều hết sức bình thường. 

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

26/06/2012, 12:06