Mướt mồ hôi trở về sau lễ

Chiều 3-9, hàng ngàn người dân từ các tỉnh trở về lại TPHCM để tiếp tục làm việc, học tập khiến giao thông tại nhiều tuyến đường cửa ngõ dẫn vào TPHCM bị ùn tắc nghiêm trọng.

TPHCM: Kẹt xe kéo dài hàng cây số

Từ 16 giờ ngày 3-9, trên Quốc lộ 1A (đoạn trước cổng Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên) đã xảy ra tình trạng dồn ứ, ùn  tắc nối dài hàng cây số. Tại tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn trước cổng Bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh), xe khách về bến cộng với các loại phương tiện giao thông khác đã gây ra tình trạng kẹt xe kéo dài từ cầu Bình Triệu về hướng đường Điện Biên Phủ.

Tại  khu vực phà Cát Lái, từ 11 giờ đến chiều tối, cả 2 hướng từ TPHCM qua Đồng Nai và ngược lại đều bị dồn ứ, các chuyến phà quá tải. Còn tại bến phà Bình Khánh, riêng trong ngày 3-9 có khoảng 35.000 lượt khách qua phà.

Tại Bến xe Miền Tây, xe khách ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau…tấp nập về bến. Hành khách trên các xe đều rất đông, nhiều người phải đứng cả đoạn đường dài. Theo anh Võ Quốc Bình, hành khách từ An Giang lên TPHCM, giá vé tăng 30.000 đồng so với  với ngày thường.

Tại Bến xe An Sương, lượng khách đổ dồn về đây cũng tăng đột biến, chủ yếu là khách từ tỉnh Tây Ninh.

Đông đảo người dân chen nhau qua phà Cát Lái để về TPHCM vào chiều 3-9. Ảnh: THÀNH ĐỒNG

Trong khi đó, lượng người từ Tiền Giang đổ về TPHCM chỉ tăng nhẹ so với ngày thường và không xảy ra tình trạng kẹt xe. Theo một CSGT làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A, năm nay xe máy đổ về miền Tây và lên TPHCM trong những ngày lễ có tăng nhưng do người dân chọn thời điểm đi ban đêm nên không có tình trạng kẹt xe.

Còn theo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Trung Lương – TPHCM, phương tiện có tăng nhẹ so với ngày thường, trung bình mỗi ngày có hơn 20.000 lượt xe qua lại.

Ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội ngày 3-9 khi người dân đổ về TPHCM. Ảnh: HẢI LIÊN

Hà Nội: Lượng khách tăng, giá cước cũng tăng

Theo thông tin từ Bến xe phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm…, lượng khách các tỉnh đổ về Hà Nội trong ngày 3-9 tăng hơn rất nhiều so với ngày thường (trên 60%). Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam, cho biết khách đổ về bến bắt đầu tăng đều từ sáng 3-9 và dồn mạnh vào chiều cùng ngày; khách chủ yếu từ Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình…

Tại Bến xe Gia Lâm, lượng khách từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên về Hà Nội cũng tăng gấp 2 lần so với ngày thường.

Dù trước đó các hiệp hội vận tải đều khuyến cáo sẽ tăng giá sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 nhưng trong dịp lễ, hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hà Nội đã đồng loạt tăng giá cước. Việc bất ngờ tăng giá vé này được nhà xe giải thích là do lượng khách đông sau ngày nghỉ lễ và giá xăng tăng.

Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết trong dịp nghỉ lễ 2-9 đã có 14 doanh nghiệp vận tải hành khách tại 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm tăng giá cước, trong đó doanh nghiệp tăng cao nhất là 25%, thấp nhất là 4%. Cụ thể, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên  tăng 25%; các tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn, Nam Định tăng trên dưới 20%; một số tuyến ngắn khác có mức tăng trên dưới 10%…

Đà Nẵng: Xe buýt “chặt chém”

Do nhu cầu đi lại của người dân quá lớn, xe buýt chạy các tuyến Đà Nẵng – Huế – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Quảng Nam – Đà Nẵng đua nhau “chặt chém” khiến hành khách bức xúc. Anh Nguyễn Văn Trung (ngụ Đà Nẵng) cho biết 3 ngày trước, gia đình anh đón xe buýt từ Đà Nẵng đi Huế giá 55.000 đồng/người nhưng chiều 3-9 đón xe buýt từ Huế vào lại Đà Nẵng, các chủ xe lấy 70.000 đồng/người. Tiền tăng nhưng phải chịu cảnh ngồi ghế phụ (ghế kê thêm) vì xe chật kín người. Nhiều hành khách thắc mắc việc giá vé tăng cao, các chủ xe trả lời: “Tàu xe ngày lễ mà”. Du khách từ Huế vào Đà Nẵng chơi, đón xe buýt trở lại Huế cũng bị lấy giá cao hơn 20.000 đồng so với ngày thường. Hành khách đi tuyến xe buýt Đà Nẵng – Quảng Nam vừa bị nhồi nhét vừa phải bấm bụng chịu mức tăng giá vé từ 10.000 – 15.000 đồng.

Theo NLĐ


From the same category