Thực ra thì từ nhiều năm trước, báo chí đã đưa tin dân một số địa phương bắt ong bầu để bán.
Nhưng có lẽ chưa bao giờ sự tàn sát quy mô lớn như lần này. Người thu mua không phải là những ông lang ta mua để làm thuốc, mà là các thương lái Trung Quốc. Họ làm gì thì không ai biết. Nhưng chắc chắn là có hại cho ta vô cùng.
Con ong bầu (có nơi gọi là ong mật), một loài ong to, màu xanh đen, bụng bầu. Ong bầu sống đơn lẻ hoặc thành đàn nhỏ, chỉ vài con. Tổ của nó là các ống tre ở đầu các đòn tay của những căn nhà lá thời trước, thậm chí là trong cán cuốc, cán sòng lâu ngày không dùng. Chẻ một đoạn tre khô dỡ ở giàn mướp đã tàn, đôi khi thấy cả bốn, năm con ong bầu. Vì đây là nơi chúng thích làm tổ, vừa tiện lấy mật hoa lại vừa an toàn: có cả một hệ thống tổ thông với nhau và giàn thường ở trên cao, trẻ con khó bắt.
Thuở nhỏ, chúng tôi có trò ăn mật ong bầu: thấy con ong bầu vù vù bay chậm chạp như máy bay trực thăng rồi đậu xuống quả mua chín nở đen mọng thì lấy cành cây đập. Mật hoa quả dính ở chân, ở bụng con ong làm cho cả con ong có vị ngọt lợ. Hồi khoảng 1978, đọc một tạp chí Đông y, thấy có vị lương y giới thiệu bài thuốc chữa hóc (miền Nam gọi là “mắc xương”) rất đơn giản là ngậm con ong bầu (sau khi rút nọc), từ đấy, lỡ có bị hóc, tôi dùng hoặc giới thiệu cho người khác dùng đều thấy khỏi. Theo một số lương y, ong bầu còn chữa bệnh động kinh, phong ngứa, nhức mỏi, đau khớp,…
Nhưng hãy khoan nói tác dụng chữa bệnh. Chỉ riêng việc thụ phấn cho hoa và làm đẹp phong cảnh làng quê của loài ong này đã vô cùng quý giá. Loài ong này rất thích các thứ hoa dại như hoa sim, hoa mua và đặc biệt là hoa mướp, bầu, bí. Không có chúng có lẽ các loài trên sẽ rất ít quả hoặc không có quả. Vì loài ong mật được nuôi hiện nay chỉ tìm mật vào mùa xuân với những cây cao có nhiều hoa như nhãn, vải, xoài, bạch đàn, trong khi đó, mướp rộ hoa vào mùa thu. Bí ngô ra hoa vào mùa xuân nhưng là loài dây bò trên mặt đất, loài ong mật nuôi nhà nói trên hình như không để ý, có lẽ do không có tập quán lấy mật các loài cây thấp hay là chúng không ưa màu vàng?
Trong khi ấy các loài hoa mướp, bí, bầu lại đặc biệt hấp dẫn với ong bầu. Còn gì đẹp hơn phía trên mặt nước ao thu xanh biếc có một một giàn mướp hoa vàng rực trên nền lá xanh với đôi ba con ong bầu xanh biếc bay rù rì, rù rì và thỉnh thoảng nghe rõ tiếng hút mật re…re…re…
Nhưng với kiểu thu mua này của người Tàu thì cảnh trên có nữa còn không? Theo như bài báo kể thì người Tàu bày cho dân bắt ong bầu một phương pháp xưa nay chưa thấy bao giờ: Bộ dụng cụ bắt ong gồm 1 chiếc bếp dầu, 1 tấm sắt tròn, 1 chiếc vợt lưới rộng và một gói mồi nhử (người Tàu bán cho) có mùi thơm như phấn hoa. Mồi nhử trộn với ít đường, để lên tấm sắt rồi đun trên bếp dầu, tạo nên mùi hấp dẫn ong. Theo chiều gió, trong phạm vi 5 – 10km, ong có thể ngửi thấy sẽ bay về. Thế là người săn chỉ việc lấy vợt ra bắt. Nhìn những sân phơi ong bầu, những bao ni lon đầy ắp ong bầu đặt lên cân mà thấy rợn người.
Cách đánh bắt như trên có lẽ chỉ 1, 2 năm thôi là loài ong bầu sẽ tuyệt chủng.
Xem ra thì cả phóng viên đưa tin lẫn ông chủ tịch phường được hỏi đều không bức xúc gì lắm với hiện tượng này. Có lẽ dân ta đã quen với cảnh người Tàu vào nước ta như vào chỗ không người rồi. Họ thu mua bất cứ cái gì mà họ cần (dùng hoặc để phá hoại), và dân ta cứ vét kiệt mà bán: mèo, móng trâu, rễ hồi, gỗ sưa, ếch, đỉa,… Và nhà nước ta cũng chẳng bao giờ có ý kiến, ngoài mấy hội nọ họi kia bàn ra tán vào đôi câu.
Ôi, chỉ vì “Mười sáu chữ vàng”!
Ong bầu được đóng bao bán sang TQ