Người bệnh tiếp tục đóng tiền nếu “dính” vào dịch vụ xã hội hoá - Tạp chí Đẹp

Người bệnh tiếp tục đóng tiền nếu “dính” vào dịch vụ xã hội hoá

Tin Tức

Người bệnh khổ đủ đường

Cầm tờ thông báo đóng tiền trên tay, bệnh nhân Nguyễn Thị Vinh (Quảng Ninh) thắc mắc: giá nội soi phế quản khoa hô hấp là 987.000 đồng, tôi có thẻ BHYT sao vẫn phải chi trả những 912.000 đồng? Đem thắc mắc này tới nhân viên y tế của bệnh viện Bạch Mai – nơi chị Vinh làm xét nghiệm – nhận được câu trả lời: Đó là dịch vụ y tế thực hiện trên máy xã hội hoá, BHYT chỉ chi trả một phần nhỏ còn lại người bệnh phải tự trả.

Tại bệnh viện Bạch Mai, dịch vụ y tế thực hiện trên máy xã hội hoá đã được bệnh viện này công khai từ năm 2006 với 20 dịch vụ khác nhau. Có nhiều dịch vụ bệnh nhân phải trả trội hơn hàng chục lần. Chụp PET/CT giá dịch vụ là 28,2 triệu đồng/lần, BHYT chi trả 19 triệu đồng còn lại người bệnh phải trả 9,2 triệu đồng. Hay soi đại tràng giá dịch vụ là 300.000 đồng/lần, BHYT chỉ chi trả 75.000 đồng; chụp mạch vành bằng máy CT 64 dãy giá dịch vụ là 2,7 triệu đồng, BHYT chỉ trả 900.000 đồng, còn lại bệnh nhân tự thanh toán…

Tại bệnh viện K Trung ương, bác Lê Thị Thìn (Cao Bằng) thắc mắc với bác sĩ vì không hiểu sao chụp CT scan có giá chụp là 500.000 đồng nhưng ở trong giấy thanh toán ghi 900.000 đồng, hình như bệnh viện in nhầm hoá đơn? Bác sĩ giải thích: Dịch vụ này thực hiện trên máy xã hội hoá, nếu có thuốc cản quang số tiền thực phải thanh toán là 900.000 đồng/lần; còn không thuốc cản quang là 700.000 đồng/lần.

Theo ông Lê Văn Quân, phó giám đốc bệnh viện K, có những dịch vụ sử dụng máy xã hội hoá nên giá do hãng quyết định trên cơ sở cân đối kinh tế của nhà cung cấp. Trước đây, bệnh viện đã đàm phán với các hãng cung cấp máy móc để duy trì mức giá mà bộ Y tế phê duyệt, nhưng có nhiều dịch vụ hãng không chấp nhận giá theo mức bộ Y tế duyệt thì bệnh viện đành công khai niêm yết để người bệnh lựa chọn. Nếu bệnh nhân không chấp nhận chi trả thêm khoản trội ra thì bệnh viện không thực hiện dịch vụ cho trường hợp đó, coi như người bệnh không mua dịch vụ đó.

 

Giá thoả thuận, BHYT không can thiệp

Giá các dịch vụ sử dụng máy xã hội hoá sẽ được điều chỉnh tiếp trong thời gian tới khi mà giá dịch vụ y tế mới đã được các bệnh viện thực hiện. Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới, phía bộ Y tế khẳng định người bệnh sẽ không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác. Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ này bệnh nhân vẫn phải móc hầu bao của mình ra.

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Văn Phúc, ban thực hiện chính sách BHYT (bảo hiểm xã hội Việt Nam), khẳng định, việc bệnh viện sử dụng thiết bị xã hội hoá ngoài tầm kiểm soát của bảo hiểm xã hội Việt Nam. BHYT chỉ chi trả theo giá dịch vụ đã được phê duyệt. Nếu bệnh viện dùng máy xã hội hoá phải thoả thuận với người bệnh, bảo hiểm xã hội Việt Nam không can thiệp việc này.

Cũng theo ông Phúc, hiện giá dịch vụ trên những máy được Nhà nước đầu tư mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành giá, không tính khấu hao máy móc. Còn máy móc xã hội hoá đã được tính đủ nên người bệnh phải chịu thêm giá chênh lệch. Điều đáng nói là bệnh viện sử dụng máy móc xã hội hoá nhưng vẫn dùng đến cơ sở vật chất, nhân lực… do Nhà nước đầu tư, có nghĩa là mức chi của quỹ BHYT vẫn tăng. Bất cứ việc gì cũng có hai mặt của nó, xã hội hoá thì người bệnh được hưởng nhiều dịch vụ tốt nhưng bệnh viện phải quản lý tốt nếu không sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng dịch vụ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện tình trạng lạm dụng dịch vụ xã hội hoá ở một số nơi. Chẳng hạn, có nhiều bệnh chỉ cần dùng máy CT thông thường đã phát hiện bệnh nhưng bác sĩ vẫn chỉ định sử dụng máy xã hội hoá chụp CT 128 dãy.

Theo SGTT

Thực hiện: depweb

29/08/2012, 07:18