Giảm thuế, khoan sức dân cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu (trong ảnh: DN nộp thuế tại Chi cục thuế quận 3 – TPHCM). Ảnh: Phạm Hậu. |
Giảm thuế TNDN xuống 20%
Hiện thuế suất TNDN ở mức thấp 25%, cho phép chuyển lỗ sang năm sau trong 5 năm, có mức thuế suất ưu đãi cho một số ngành, lĩnh vực. Còn thuế GTGT 10%.
Theo ông Ved P. Gandhi (Ấn Độ), chuyên gia thuế quốc tế chính sách thuế TNDN và GTGT của Việt Nam khá tốt. Nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực Asean, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức thuế suất cao thứ 3 (thuế TNDN và GTGT cao nhất là 30%).
Trong khi đó, gần đây, nhiều nước đã và đang có kế hoạch giảm thuế TNDN để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đơn cử, Singapore- quốc gia có chính sách thuế lý tưởng nhất- đã giảm thuế TNDN từ 26% (năm 2000) xuống còn 17% hiện hành. Hiện tại, Đài Loan có thuế TNDN là 23% và dự kiến giảm xuống 20% vào năm 2013.
Ông Tom McClelland, Chủ tịch Ủy ban Thuế, Phòng thương mại và công nghiệp Châu Âu cho rằng, Việt Nam nên giảm thuế TNDN xuống 20% càng sớm càng tốt, bỏ mức thuế suất thuế GTGT 5%, và xem lại chế độ ưu đãi thuế.
Bên cạnh đó, chính sách thuế GTGT đối với lãi vay của doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng mà cho vay (áp dụng từ ngày 1-3-2012) nên sớm bãi bỏ. Vì chính sách này sẽ hạn chế việc tiếp cận vốn nước ngoài của doanh nghiệp. Trên thế giới, cũng chưa có nước nào đánh thuế GTGT với lãi vay.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, quy định tính thuế với hàng trả chậm là đánh thuế 2 lần. Đơn cử, doanh nghiệp mua thiết bị USB ghi tài liệu để phát cho đại biểu tham dự họp, nhưng phải kê khai thuế đầu ra với hàng hóa tiêu dùng nội bộ, sau đó, lại phải đưa vào doanh thu để tính thuế TNDN.
“Trong lúc khó khăn này, nhà nước nên giảm thuế TNDN xuống 20%, không cần qua bước quá độ. Cần xem lại việc tính thuế với hàng hóa nhập khẩu, khấu hao tài sản, xác định chuyển lỗ, chi phí lãi vay, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá… Cải cách chính sách thuế và quản lý thi hành chính sách phải đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách”– Bà Cúc nói.
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cải cách hệ thống thuế trong dài hạn đến 2020 và phù hợp với những thông lệ quốc tế.
Trong đó, tập trung cải cách thuế TNDN và GTGT ở mức hợp lý, đơn giản hóa thủ tục. Đặc biệt, chuyên gia IMF khuyến nghị nên mở rộng cơ sở thuế, giảm thuế TNDN từ 25% xuống 22%.
Ông Phạm Minh Đức (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, nên bỏ thuế suất 5% và chuyển sang cơ cấu thuế suất GTGT chỉ có một mức thuế suất dương phù hợp; thu hẹp diện miễn thuế GTGT (hiện có 25 nhóm), mà chỉ miễn thuế đối với dịch vụ tài chính, cho thuê nhà ở, giáo dục, cơ sở y tế cơ bản, hoặc hoạt động được viện trợ.
Thuế cao: DN tìm cách trốn thuế mới có lãi
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Cty CP TMDV Hạ Long (Hải Phòng) cho biết, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu của công ty phải chịu 100% thuế nhập khẩu nên giá thành sản phẩm đội lên tới 200%.
Sau đó, công ty lại chịu 40% thuế tiêu thụ đặc biệt của giá thành này. Cuối cùng, cộng thêm 10% thuế GTGT (người tiêu dùng chịu).
Tất cả thuế phải nộp ngay một lần cho Hải quan khi nhập khẩu đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thu xếp lượng vốn lớn.
Ví dụ, giá nhập khẩu là 100 triệu đồng, cộng 3 loại thuế trên thì giá sản phẩm sẽ thành 308 triệu đồng (chưa có chi phí phí khác như cước vận tải, phí lưu kho, lãi ngân hàng, nhân công…).
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, một cổ đông của Công ty CP Kim Anh (Hải Phòng)- kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp- nói: “Các doanh nghiệp trong nước hiện phải chịu nhiều loại chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt lãi vay ngân hàng. Nhưng một số khoản chi như hoa hồng môi giới không được hạch toán vào chi phí sản xuất, còn chi quảng cáo, tiếp khách… lại không được vượt quá 10% doanh thu, trong khi thực tế doanh nghiệp phải chi quảng cáo vượt khung. Vì thế nhiều khi doanh nghiệp phải biến tấu nội dung chi để được hạch toán vào chi phí”.
“Nếu hạch toán đủ, chắc chắn doanh nghiệp không có lãi để nộp thuế. Vì lợi nhuận làm ra ít, mà phải đóng thuế cao nên doanh nghiệp luôn có tâm lý tìm mọi cách để trốn thuế”- Ông Dũng chia sẻ.