Cần tạo điều kiện cho công an?
Trong số rất nhiều ý kiến phản hồi xung quanh đề xuất cho phép nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ (trong trường hợp đặc biệt), có khoảng 60% ý kiến của bạn đọc VietNamNet đồng tình với đề xuất này.
Bên cạnh đó, các chia sẻ bày tỏ e ngại, băn khoăn về vấn đề “lạm dụng” quyền hạn của những người thi hành công vụ sau khi đề xuất được thực thi cũng không phải là con số nhỏ.
Để lập luận bảo vệ của mình, nhiều bạn đọc cho rằng, với những người dân tuân thủ pháp luật, tôn trọng người thi hành công vụ thì không có lý do gì để cơ quan chức năng phải nổ súng trấn áp.
Một thanh niên cầm vỏ chai tấn công cảnh sát giao thông ở Lạng Sơn trong một clip phát trên mạng tháng 6-2012
Độc giả Nguyễn Tuấn phân tích: “Một công dân tôn trọng luật pháp thì không bao giờ có thái độ chống cự lại người thi hành công vụ. Nếu bạn không mang theo hung khí hay vật dụng có khả năng gây sát thương và không sử dụng nó để tấn công, đe dọa người thi hành công vụ thì ai dám chĩa súng về phía bạn?”.
Độc giả Lưu Hữu Phú cho rằng: “Hẳn chúng ta còn nhớ vụ cướp ở Đồng Nai, kẻ phạm tội nổ súng vào công an và người dân hậu quả là chiến sĩ công an đã hy sinh. Thử hỏi vũ khí trong tay công an để làm gì khi họ không dám sử dụng trong khi tính mạng họ bị đe doạ? Ngoài ra, rất nhiều đối tượng hất công an lên nắp ca pô, lao thẳng xe vào công an… là hành vi cố ý giết người chứ không phải chống người thi hành công vụ, cần phải cương quyết xử lý nhằm hạn chế thương vong cho công an và người dân vô tội”.
“Người thi hành công vụ không thể bảo vệ mình thì làm sao bảo vệ nhân dân? Chính vì vậy tôi ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí trấn áp đối với những kẻ côn đồ chống người thi hành công vụ”, độc giả Minh Sang cũng đồng tình.
Bạn đọc Thanh Hùng cũng phản hồi: “Hiện nay người dân rất sợ côn đồ có vũ khí, mọi người nhìn thấy đều phải tránh, ít ai dám can thiệp, nếu không tạo điều kiện cho công an trấn áp tội phạm thì côn đồ sẽ ngày càng lộng hành.
Người thi hành công vụ trước hết phải bảo vệ được mình mới bảo vệ được xã hội. Tôi đã nói chuyện với một số cảnh sát đã về hưu, rất nhiều người họ nói thẳng là đã phải tránh côn đồ khéo léo để an toàn về với gia đình”.
Ai chịu trách nhiệm khi bắn “sai người, sai tội”?
Song song với việc ủng hộ đề xuất trên, việc lạm dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đến tính mạng con người và làm bất an xã hội cũng chính là những băn khoăn của nhiều độc giả khi đề xuất trên được đưa vào thực tế.
Độc giả Lan Anh (Nam Định) cho rằng: “Việc sử dụng trái pháp luật lực lượng chức năng tham gia cưỡng chế dân trong vụ án Đoàn Văn Vươn là bài học quá lớn cho vấn đề này. Không đơn giản chỉ thiệt hại về tài sản, vật chất của nhà ông Vươn mà quan trọng là hành vi của chính quyền huyện Tiên Lãng đã khiến người dân cả nước bức xúc, mất niềm tin vào cách hành xử của một bộ phận cán bộ”.
Người dân xôn xao trước vụ việc một người trong sới gà bị bắn chết ở Yên Thế, Bắc Giang
Ngoài vụ án Đoàn Văn Vươn, nhiều bạn đọc cũng dẫn giải vụ việc một thượng sĩ công an nổ súng bắn chỉ thiên nhưng súng bị cướp cò gây thiệt mạng một người trong vụ việc bắt sới gà ở Bố Hạ, huyện Yên Thế, Bắc Giang vừa qua.
Vụ việc này cũng đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài.
“Để xảy ra tình trạng nhiều người bất bình, phản đối, thậm chí chống lại người thi hành công vụ, thì những cơ quan chức năng, người thi hành công vụ cũng phải tự xem lại mình xem đã làm đúng chưa?
Tôi phản đối những hành vi chống người thi hành công vụ, nhưng tôi cũng kịch liệt phản đối những người lạm dụng việc thi hành công vụ, hách dịch, nhũng nhiễu dân”, bạn đọc Phạm Văn Bài phản đối.
Độc giả NguyenMuoi cũng hoài nghi: “Bạn nghĩ sao nếu viên đạn lạc vào những người xung quanh? Bạn nghĩ sao nếu đối tượng bị bắn tàn phế suốt đời hay chết? Họ có đáng bị như vậy hay không? Người thi hành công vụ có chuyên môn nhưng không phải họ không có sai lầm. Ai sẽ chịu hậu quả khi viên đạn bắn “sai người, sai tội”, đạn bắn rồi có thu lại được không?”.
Theo bạn đọc Quang Vinh thì người dân sẽ ủng hộ công an dùng các biện pháp mạnh khi trấn áp tội phạm nhưng một số trường hợp không xử lý đúng đã khiến không ít người dân thiếu thiện cảm.
Đề xuất trên không sai, nhưng đưa ra chưa đúng thời điểm và chắc rất nhiều người dân không ủng hộ mà trái lại lo lắng sẽ bị công an lạm quyền.
“Việc nổ súng trực tiếp vào người có hành vi chống người thi hành công vụ có thể gây thương tích hoặc tử vong cho người đó. Trong khi, các nghi can có bất cứ hành vi phạm tội nào vẫn phải trải qua quá trình điều tra, tuy tố xét xử trước khi bị buộc tội và thi hành án”, một ý kiến phân tích.
Không chỉ đưa ra nhận định, độc giả Hà Hương (Quảng Ninh) còn đề xuất: “Theo tôi nên khuyến khích việc khống chế, bắt giữ tội phạm theo hướng sử dụng công cụ hỗ trợ như vòi rồng, roi điện, súng điện, bình xịt hơi cay… Còn với quy định “nổ súng trực tiếp” thì phải hết sức cân nhắc. Nếu thật sự nguy hiểm tới tính mạng của người thi hành công vụ thì nổ súng, còn không chỉ cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ khống chế, bắt giữ xử lý là đủ”.