Còn lại gì sau Hội Lim, đền Trần? - Tạp chí Đẹp

Còn lại gì sau Hội Lim, đền Trần?

Tin Tức

Ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 ở Paris, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng danh sách di sản phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận lên con số 7 gồm: nhã nhạc cung đình Huế; cồng chiêng Tây Nguyên; quan họ; ca trù; hát xoan, Hội Gióng và Tín ngưỡng Hùng Vương.

Tỉnh Phú Thọ thông báo chuẩn bị Lễ đón nhận bằng di sản thế giới long trọng, hứa hẹn Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ vô cùng “đặc biệt”.

Còn nhớ cách đây vài năm, Lễ hội Đền Hùng bỗng trở thành một đề tài vô cùng gay cấn khi NSND Phạm Thị Thành và NSND Lê Hùng đăng đàn chỉ trích nhau quyết liệt về “tài năng” và “kinh nghiệm”, trong việc chỉ đạo tổ chức Lễ hội Đền Hùng. Nguyên nhân là năm đó (2010) tỉnh Phú Thọ quyết định mời NSND Lê Hùng làm đạo diễn, thay vì NSND Phạm Thị Thành như mọi năm. Và Đền Hùng 2010 trở thành một chương trình biểu diễn lớn của… diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ.

Hai vị đạo diễn danh tiếng cùng những quan điểm nghệ thuật đều đáng kính trọng được đưa ra, nhưng không ai thấy người dân Phú Thọ, những đối tượng thụ hưởng và trực tiếp gìn giữ Tín ngưỡng Vua Hùng xuất hiện trong các cuộc tranh luận. Hình thái di sản đi về đâu hoàn toàn phụ thuộc vào “quan điểm nghệ thuật” của đạo diễn.

Trước đó một thời gian, GS Ngô Đức Thịnh – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam từng kêu trời vì nhóm chuyên gia thật khốn khổ khi làm hồ sơ công nhận di sản cho dân ca quan họ chỉ vì cái tên.

Quan họ trải dài ở vùng đồng bằng sông Cầu, gồm Bắc Ninh và Bắc Giang. Các cố vấn đề nghị lấy tên Quan họ Kinh Bắc cho dung hòa và bao quát, nhưng tỉnh Bắc Ninh kiên quyết yêu cầu là Quan họ Bắc Ninh. Lý do đa số làng quan họ nằm ở địa phận Bắc Ninh, hội Lim ở Bắc Ninh cũng là hội chính, lâu đời, vậy nhất định tên di sản phải gắn liền với tên địa phương.

 

Lễ hội Đền Hùng 2012 trở thành màn trình diễn của diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ

Cũng như Hội Gióng được công nhận di sản phải xây thêm tượng to, mở rộng quy mô hội cho xứng tầm. Những câu chuyện như vậy ngày càng nhiều lên, khiến việc công nhận di sản gắn liền với những sự rình rang, ồn ào, lễ lạt..

Nói một cách nào đó, di sản bỗng trở thành cứu cánh để địa phương khuếch trương thanh thế và thương hiệu. Các địa phương hối hả trong công cuộc chạy đua lập hồ sơ, đề cử và khai thác di sản; kèm theo câu hỏi: ngân sách sẽ được đổ về bao nhiêu? và Thu hút du lịch như thế nào?

Trong khi chưa có hoặc bế tắc những chiến lược kinh tế – xã hội – chính trị hấp dẫn, khuếch trương di sản có vẻ là giải pháp đúng đắn. Nhưng chính trọng trách “giải pháp” này làm hỏng di sản, đẩy địa phương và nghệ nhân vào thế khó xử khi hoàn toàn không chuẩn bị TÂM THẾ đón nhận hay đáp ứng trọng trách đó.

Trở lại trường hợp “ngả nón nhận tiền” và “không dùng loa” ở Hội Lim, địa phương đã đưa một hình thái văn hóa vốn chỉ diễn ra trong không gian hẹp, phạm vi hẹp mang tính chất giao lưu diễn xướng giữa những người thực hành văn hóa với nhau ra một không gian rộng hơn, “mang tầm quốc gia”; đặt lên vai nghệ nhân những trọng trách và kỳ vọng vốn dĩ không nằm trong tâm thế của họ, nên bản thân người tổ chức và nghệ nhân đều khổ sở loay hoay không tìm được tiếng nói chung.

Chính xác hơn, bản thân những sự ồn ào, lễ lạt rình rang không mang lại bất kỳ tác dụng nào trong công cuộc bảo tồn di sản. Không ai tìm được cảm xúc và vẻ đẹp của quan họ trong một biển người ồn ào, hỗn tạp, lại xuất hiện thêm những sự cải biên, chiêu trò này nọ làm di sản bỗng như nồi lẩu thập cẩm.

Không ai cảm nhận được vẻ đẹp của Quan họ trong biển người này

Cuối cùng ấn tượng về Hội Lim cũng chỉ còn những màn trai giả gái, kỷ lục nhiều người, hay khâu tổ chức nhếch nhách luộm thuộm. Cũng như chả ai nghĩ đến ý nghĩa của ấn nhà Trần là gì, tín ngưỡng Hùng Vương hay tục thờ Thần Gióng có vai trò thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần, sau rình rang chỉ còn lại tranh cướp và hỗn loạn.

Hết cuộc vui ầm ĩ, địa phương cũng chẳng còn được gì nhiều ngoài những báo cáo, nghệ nhân lại càng không, nhưng di sản thì thay đổi – như cách nói của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – bị rạn vỡ.

“Dày vò” di sản chắc chắn không phải cách hay để xây dựng thương hiệu và vị thế địa phương, nếu không đi cùng những chủ trương đúng. Nhìn vào Đà Nẵng, đến nay Đà Nẵng chưa có di sản được công nhận, những Đà Nẵng là thương hiệu mạnh. Người ta đến với thành phố này vì những chủ trương phát triển thuận lợi, chứ không chỉ để xem thi pháo hoa.

Đặc biệt, những nghệ nhân – chủ thể di sản, là “các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người” cần phải trả về đúng vị trí của họ, chứ không nên bị đẩy ra sân khấu để gánh vác những trọng trách chính trị – xã hội nặng nề không thuộc trách nhiệm và tầm vóc của họ.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

26/02/2013, 12:34