Chơi ngày Tết - Tạp chí Đẹp

Chơi ngày Tết

Tin Tức

Ba tháng mùa Xuân theo âm lịch Việt Nam được xác định từ ngày mùng một tháng Giêng, tức là mùng Một Tết Nguyên đán đầu năm, cho đến hết tháng Ba (âm lịch). Lịch là như vậy, nhưng thực ra Xuân tiết có thể đến muộn, hoặc đến sớm ngay từ tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), cũng tùy từng vùng từ Trung Hoa đến Việt Nam, mùa Xuân đến muộn hay sớm. Cho nên thời Đường nhà thơ Lý Bạch đã viết: Yên Thảo như bích ty/Tần tang đê lục chi, nghĩa là: Cỏ đất Yên còn biếc như tơ/Dâu đất Tần đã xanh đầy cành. Đất Yên ở Bắc Trung Hoa cỏ mới lên lún phún, thì đất Tần ở phía Trung Tây Hè đã đến.

 

Ngày nay, thời tiết nóng sớm, có năm mới hết tháng Giêng trời đã hết rét. Mùa Xuân với người Việt Nam ngày xưa là mùa của những tập tục hội lễ, không phải lúc nào người nông dân cũng được ăn được chơi, nên theo tập tục cả tháng Giêng, người ta dành cho lễ hội và ăn chơi, tất nhiên theo ý nghĩa lành mạnh, xả ra những nhọc nhằn mà quanh năm suốt tháng hứng chịu trên đồng ruộng hoặc trong làng xã. Lễ hội không chỉ giới hạn ở tháng Giêng, mà thực ra kéo dài đến tháng Tư, ngoài ra có nhiều vùng còn có lễ hội mùa Thu. Nếu ở Kinh Bắc cũ, chủ yếu là Bắc Ninh hiện nay, thì Hội pháo Đồng Kỵ là sớm nhất, mùng 4 tháng Giêng, và kết thúc ở Hội Gióng, mùng 9 tháng 4, lúc đó ánh nắng đã chói chang, và sắp bước vào vụ gặt lúa chiêm. Từ Hội pháo Đồng Kỵ đến Hội Gióng là cả trăm lễ hội của nhiều làng, nếu kéo nhau đi chơi hội, thì thấy mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một tập tục, có giống có khác. Đấu vật, cờ người, kéo co, đánh tổ tôm điếm, hát quan họ, hát trống quân, bắt chạch, thả chim, diễn tuồng, chèo… là những tiết mục, trò chơi phổ biến, nhưng tất nhiên tổ chức cũng tốn kém, nên tùy từng nơi làm tất cả hay một vài trò. Bên cạnh đó là lễ chính theo tậ tục của làng như thi đốt pháo trước đây ở Đồng Kỵ, thi cướp nước ở chùa Dâu, thi hát quan họ ở Hội Lim, đánh giác Ân ở Hội Gióng, cờ lau tập trận trong Hội Trường Yên, Ninh Bình, múa năm trò trong Lễ hội Xuân Phả, Thanh Hóa…, và tất nhiên có rước sách thành những đoàn dài với nghi trượng, kiệu rồng.

Từ trước Tết, khắp các làng người ta đã dựng cây nêu lớn và những cây đu trên những bãi trống, cho trai gái vui đùa. Chơi đu là hình thức thể thao khá mạo hiểm, nam nữ như úp sấp vào nhau, nhún nhảy trên sào đu dài và văng lên cao bốn năm thước, tính phồn thực luôn nằm ở tất cả các hoạt động dân gian. Đặc biệt là xa xưa trong Lễ hội Trường Yên, khi Lê Hoàn đón Dương Vân Nga về, hai người phải làm lễ giao hoan trên bè (đóng nghi lễ); Hội gà phủ ở Phú Thọ, nam nữ đóng gà trống mái nhảy nhau… Dẫu vậy đạo đức phong kiến trọng lễ nghĩa, sự thủy chung, nên ngoài lễ hội có tính tượng trưng, trong làng xã quan hệ nam nữ là hết sức đứng đắn.

Cờ người là trò chơi ngoạn mục đẹp mắt của lễ hội truyền thống. Không phải làng nào cũng tổ chức được đoàn cờ người, mà thực ra chỉ có vài làng chuyên, các làng khác muốn tổ chức phải thuê. Đoàn cờ gồm hai ông bà tổng cờ, một hề cờ, một người cầm trịch trống cái, 16 đồng năm, 16 đồng nữ, ngoài ra mỗi quân cờ người nhà phải đi theo phục vụ, đặc biệt là hai quân tướng, gia đình mang theo bàn lễ, nghi trượng. Lễ rước cờ, rải quân dưới sự dẫn dắt của tổng cờ, hai hàng quân phải đi chân tế (bước chếch từng bước một). Khi chơi hai đấu thủ cũng phải ăn mặc theo lễ phục truyền thống. Mỗi một trò dân gian đều ẩn chứa trong đó những ý nghĩa triết lý phương Đông cổ xưa, sự giáo dục lễ nghĩa tôn ti trật tự xã hội, rèn luyện thể lực và tinh thần thượng võ và gắn kết cộng đồng nhiều làng xã. Bên cạnh những trò chơi lớn, những trò chơi riêng lẻ cho trẻ con có tính tự phát nhưng được chính thanh thiếu niên đúc kết cũng được chơi trong hội lễ xuân, như trò thi chạy (Xuân Phả), trồng nụ trồng hoa, đánh khăng, đánh chắn, ô ăn quan, leo cột… Người dân tộc thì có cơ hội bắn nỏ, ném còn (Mường, Thái).

Giữa lễ – trò – chơi có khoảng cách nhất định nhưng không hoàn toàn phân biệt. Lễ đương nhiên là nghiêm túc, như rước, bái, dâng hương, tấu sớ nhằm tôn vinh anh hùng, tổ nghề, cha ông. Trò diễn tích lại cả quá trình lịch sử, hoặc cô đọng tập tục dưới dạng diễn xuất. Chơi hoàn toàn nhằm giải trí, trao tặng thưởng, đôi khi nằm dưới dạng trò. Tất cả mọi trò và chơi đều phải thi lễ đầu tiên trước cửa thành, mọi người tham gia trò hay chơi cũng cậy, thắng cuộc họ chia phần thưởng cho cánh làng mình thậm chí còn mở lễ khao làng. Ví dụ thi nấu chè, người thắng cuộc làm nhiều mâm chè khao cả làng mình, dù là mỗi người chỉ một miếng (chè kho).

 

Xây làng lập ấp, rồi khai nền mở nước, người xưa coi đất nước bắt đầu từ làng xã. Như Lê Lợi bắt đầu sự nghiệp từ cha ông khai nền lập móng ở Lam Sơn, nhà Trần phát tích ở Nam Định, Thái Bình, nhà Lý phát tích từ Kinh Bắc… cũng như vậy mỗi dòng họ đều có quê hương bản quán phát tích, rồi từ đó con đàn cháu đống, chia đi bốn phương lập nghiệp, cũng nhờ khí thiêng của đất phát tích, nên chính lễ hội là dịp họ quay về tạ ơn, chiêm bái tổ tiên, mong tổ tiên tiếp tục phù hộ họ nơi đất mới. Các lễ, trò, chơi đều có nguồn gốc địa phương và sự tích riêng như vậy, trừ một số nghi thức trò chơi có tính quốc gia chung. Nên trước khi tham gia hội lễ, các bô lão trong từng dòng họ có trách nhiệm giảng cho con cháu ý nghĩa của lễ nghi trò chơi mà họ sắp tham gia, thắng cuộc không phải là quan trọng, mà hiểu, cảm, nhận biết truyền thống mới là chính.

Cuối Xuân, tháng ba, mọi gia đình đi du Xuân tảo mộ trong tiết thanh minh, rồi chuẩn bị cho một dịp làm ăn mới. Nhà nông thì sau tháng ăn chơi (tháng Giêng) đã bắt tay vào cày cấy cụ lúa chiêm, trồng khoai, trồng đậu trồng cà. Xuân Thu nhị kỳ, dịp mùa Thu cũng là lễ hội, nhất là rằm tháng Bảy, Tết Vu lan và rằm tháng Tám, Tết Trung thu, cũng nhiều trò, nhiều lễ, lần nữa dẫn dắt con người vào cái thế giới vô cùng của trời đất, để biết mình hữu hạn, bé nhỏ, chớp nhoáng, đừng mê muội và tham lam vô độ, sang thế giới bên kia cũng chỉ là tay không.

Phan Cẩm Thượng
Theo Thể thao & Văn hóa

 

Thực hiện: depweb

28/01/2013, 17:19