Bà bầu Phương Trà (Bình Định) lại phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ cơn giận của mình: “Từ khi mang thai, người mình khó chịu và cộc cằn đến mức chồng mình vốn là người dễ tính cũng chịu không được. Có bầu vui thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy ngày thì vợ chồng cãi nhau, ngày thì chồng viện cớ họp hành về trễ để khỏi phải nghe bà bầu cằn nhằn…”. Dù biết cơn giận thất thường là đặc trưng của thai phụ nhưng nhiều người, thậm chí chính bản thân bà bầu, cũng không hiểu lý do tại sao mình lại tức giận như vậy. Thật ra, ngoài tác động của hormone và thay đổi về sinh học, còn rất nhiều vấn đề đằng sau cơn bùng nổ cảm xúc ấy mà có lẽ bạn chưa biết hết về chúng!
Tình trạng mất cân bằng
Có phải nhiều lúc bạn vẫn cảm thấy bị phân biệt hoặc không làm chủ được cuộc sống phải không? Bạn sợ bị sếp và đồng nghiệp coi thường rằng mang bầu đồng nghĩa với không bắt kịp tiến độ của mọi người? Hay bạn cảm thấy chồng thờ ơ và không hề phụ giúp việc nhà dù bạn có cố tình gợi ý hết mức có thể? Tất cả những nỗi lo lắng đó sẽ tạo áp lực lên chính bản thân bạn khi phải cố gắng cân bằng công việc – nghỉ ngơi trong khi nhận được sự quan tâm yếu ớt từ người thân của mình. Và còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã châm ngòi cho cơn giận khủng khiếp của bạn rồi đấy!
Mất thoải mái
Rất nhiều tình trạng khó chịu về thể chất xuất hiện trong thai kỳ như ốm nghén, đau nhức cơ, kiệt sức, hay thậm chí ngất xỉu. Sự mệt mỏi về thể chất sẽ dẫn đến khó chịu về tinh thần. Có thể nói, đây là nguyên nhân phổ biến nhất trong mọi cơn giận của bà bầu, như chị Lâm An (Quy Nhơn) thú nhận: “Cứ đến chiều là mình cảm thấy kiệt quệ vì đi lại trong văn phòng nhiều cũng như công việc thì bề bộn không hết. Đã vậy gặp những hôm mấy cô em trẻ trẻ trong công ty mua sầu riêng về cho cả phòng cùng ăn xế, là mình chỉ muốn nôn ngay tại chỗ. Mệt và khó chịu cực kỳ. Sao họ chẳng tâm lý chút nào”.
Thay đổi hormone
Thay đổi hormone xảy ra xuyên suốt thai kỳ của bạn và chúng là nguyên nhân gây nên những đợt cảm xúc thất thường, bao gồm cả những cơn giận không kiềm chế được. Tuy nhiên, những cơn giận này không phải tự nhiên mà xảy ra. Thông thường, để bùng nổ một cơn giận khủng khiếp đòi hỏi thai phụ bị kích thích từ những điều khó chịu từ trước đó. Vì vậy, hãy cẩn thận với những vấn đề gây khó chịu mà bạn coi là nhỏ nhặt vì theo thời gian “tích tiểu thành đại”, chúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho không chỉ bạn mà còn với cục cưng sắp chào đời.
Nỗi sợ
Nhiều người thường đối mặt với nỗi sợ bằng nỗi bực tức như một hành động tự vệ. Và với bà bầu thì còn hơn vậy, vì họ phải đối mặt với hàng nghìn nỗi lo từ sẩy thai, sinh non, đến thai nhi bị dị tật, bệnh hoạn, thiếu cân, hay xa hơn là làm sao để nuôi con khôn lớn và khỏe mạnh sau này. Ắt hẳn đã có lần bạn tự phóng đại một lần hụt chân suýt té sẽ ảnh hưởng đến bé, hay lỡ uống một ngụm rượu sẽ khiến cả thai kỳ như một cơn ác mộng? Tất cả những nỗi sợ đó tuy rất thông thường đối với bà bầu nhưng chúng có tác động vô cùng tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần thai phụ. Nghiêm trọng hơn, những nỗi ám ảnh về rủi ro trong thai kỳ có thể sẽ khiến 9 tháng mang thai của bạn mất đi niềm vui thật sự của việc làm mẹ.
Tạo niềm vui cho 9 tháng hạnh phúc Tình trạng mất cân bằng là một trong những nguyên nhân gây xích mích gia đình trong những ngày bà bầu mang thai. Để giải quyết tính trạng này, cần phải có sự cố gắng từ hai phía. Nên dành thời gian tâm sự và chia sẻ nỗi lo với chồng, cũng như cùng chồng soạn ra kế hoạch tương lai để cân bằng lại cuộc sống cũng như công việc của bạn (hoặc cả hai). – Nghỉ ngơi thật nhiều. Ngoài ra cần tìm kiếm những không gian thoáng đãng, thoải mái và tránh xa những tình huống gây mệt mỏi hoặc không gian khó chịu. – Tranh thủ đi spa, massage những ngày cuối tuần hoặc tham gia khóa học yoga cho bà bầu. – Tập thở sâu và đếm từ 1 đến 10 khi cảm thấy khó chịu về lời nói hoặc hành động của ai đó. – Tìm một người bạn hoặc người thân để chia sẻ những nỗi lo và suy nghĩ của mình. – Tìm sự trợ giúp của bác sĩ nếu cảm thấy lo sợ nghiêm trọng vấn đề nào đó. |
Theo Mẹ yêu bé