Phòng bệnh khi trời lạnh - Tạp chí Đẹp

Phòng bệnh khi trời lạnh

Tin Tức

Người nhà đang chờ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi T.Ư – Ảnh: Quang Thế

Cảnh giác với… thời tiết

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê vừa có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện thông báo tình hình rét đậm, rét hại kéo dài đang gây nhiều bất lợi cho sức khỏe người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính. Ông Khuê yêu cầu các sở y tế, bệnh viện tổ chức tuyên truyền để người dân cảnh giác với bỏng do sưởi lửa, sưởi than; tử vong trẻ em do mặc quá nhiều quần áo và chở bằng xe máy đi ngoài đường trời lạnh. Tại các trại trẻ, nếu không được đảm bảo chăm sóc và dinh dưỡng, trẻ có thể mắc các bệnh đường hô hấp do virút.

Trong khi đó, thời tiết giá buốt ở phía Bắc kèm độ ẩm cao khiến lượng bệnh nhi, người già nhập viện tăng mạnh.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, trong hai ngày 5 và 6-1 riêng khoa khám bệnh đã tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhi/ngày. Trong đó chiếm tới 2/3 là những bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Khoa hồi sức cấp cứu – chống độc Bệnh viện Nhi T.Ư mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 trường hợp bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở máy.

Dồn dập nhập viện

ThS.BS Nguyễn Trung Anh – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa T.Ư – cho biết mấy ngày trời lạnh vừa qua, số lượng người già nhập viện tăng 2-3 lần so với ngày thường. Các bệnh chủ yếu gia tăng ở người già khi gặp thời tiết lạnh giá thường là huyết áp, tim mạch, xương khớp…

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ sau khi tập thể dục buổi sáng, đi vệ sinh ban đêm hoặc tắm ở những nơi không kín gió.

Bác sĩ Trung Anh khuyến cáo người lớn tuổi ngoài việc giữ ấm thường xuyên trong những ngày trời lạnh cần phải chủ động dự phòng sức khỏe cho mình bằng cách tránh tập thể dục ngoài trời lúc sáng sớm, hoặc tắm ở những nơi không kín gió. Các cụ tuyệt đối không nên tắm và gội cùng lúc tránh biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

TS.BS Trương Mai Hồng – trưởng khoa hồi sức cấp cứu, chống độc Bệnh viện Nhi T.Ư – cho hay thời tiết giá rét, nhiệt độ xuống thấp, trẻ thường bị viêm đường hô hấp cấp.

Đặc biệt những trẻ có các bệnh mãn tính như hen suyễn, tim bẩm sinh… thường bị mắc bệnh nặng hơn so với những trẻ bình thường khác.

Theo bác sĩ Hồng, phần lớn trẻ mắc bệnh hô hấp nặng có mặt tại khoa đều là trẻ có tiền sử mắc các bệnh mãn tính từ trước. Do đó, vào mùa lạnh phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc: tiêm phòng đầy đủ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, giữ ấm cho trẻ và cách ly những trẻ có tiền sử mắc bệnh mãn tính khỏi môi trường công cộng như trường học, nhà trẻ…

Khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh hô hấp như sốt cao, thở gấp, bỏ bú kéo dài… cần đưa đến bệnh viện, tránh tình trạng tự ý điều trị.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, giải thích với trẻ bị bệnh suyễn, thời tiết chuyển lạnh vừa là nguyên nhân trực tiếp vừa là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ dễ lên cơn suyễn.

Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng dễ làm trẻ mắc bệnh suyễn bị cảm, càng dễ lên cơn. Vì vậy, người mắc bệnh suyễn nên được chủng ngừa cúm vì dễ bị bệnh cúm hơn người khác, chưa kể khi bị cúm lại có thể bệnh nặng hơn.

Cũng theo bác sĩ Anh Tuấn, khi nhiệt độ ban ngày và ban đêm có sự cách biệt như ở TP.HCM mấy ngày qua, các bà mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách. Lúc nào thời tiết lạnh thì giữ ấm cho trẻ, đặc biệt ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, bằng cách cho trẻ mặc áo ấm, đội nón, mang vớ…, còn lúc thời tiết ấm hơn thì cởi bớt đồ ra cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, trong thời gian này các bậc cha mẹ nên nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho ăn uống đủ chất và ăn nhiều loại trái cây chứa vitamin C.

Thời tiết chuyển lạnh làm cả người lớn và trẻ đều dễ mắc các bệnh hô hấp, nhưng ở trẻ khi mắc bệnh hô hấp sẽ dễ chuyển bệnh nặng. Ví dụ người lớn khi mắc bệnh có thể chỉ bị cảm, ho thông thường nhưng ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi, có thể bị bệnh viêm tiểu phế quản.

Trẻ mắc bệnh tuổi càng nhỏ bệnh càng nặng. Nếu bị biến chứng của bệnh viêm tiểu phế quản trẻ sẽ bị suy hô hấp, tắc nghẽn đường thở gây thiếu oxy…,  thậm chí có thể gây tử vong. Do vậy, bác sĩ Anh Tuấn khuyên nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh hô hấp.

Không sưởi bằng than

Những dịp thời tiết như thế này, các bác sĩ khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác bị bỏng do sưởi ấm. Hiện khoa hồi sức cấp cứu Viện Bỏng quốc gia đang tiếp nhận một bệnh nhi 6 tháng tuổi, bé V.T.Ơ. từ Nghệ An chuyển ra, bị bỏng 50% diện tích cơ thể, đặc biệt là ở đùi phải, mặt trước thân do được mẹ sưởi ấm bằng than chiều 2-1 vừa qua. Điều thương tâm hơn nữa là bé Ơ. mồ côi cha từ khi mới 2 tháng tuổi, gia đình rất khó khăn. Khi được sưởi ấm bằng chậu than để dưới gầm giường, lửa than đã bén lên chiếu và chăn màn làm bé bị bỏng nặng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, thông tin những ngày nhiệt độ giảm sâu như vừa qua, số trẻ đến khám tại khoa đều ở ngưỡng 200-300 bệnh nhi, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Trong đó, phần lớn là những bệnh nhi bị tiêu chảy và viêm phổi.

Bác sĩ Dũng đưa ra khuyến cáo về mùa lạnh, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt không cho trẻ ra ngoài trời khi nhiệt độ xuống quá thấp. Khi giữ trẻ trong nhà cũng cần phải chú ý để cho môi trường thông thoáng đề phòng virút gây bệnh hô hấp phát tác. PGS Dũng khuyến cáo năm 2008 đã có hàng loạt trường hợp bị hôn mê, bất tỉnh, tổn thương não do sưởi ấm bằng than tổ ong, nên các gia đình tuyệt đối không đốt than củi, than tổ ong, lá cây trong phòng kín để sưởi.

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

07/01/2013, 09:03