Tín dụng tăng trưởng thấp: mừng hay lo? - Tạp chí Đẹp

Tín dụng tăng trưởng thấp: mừng hay lo?

Tin Tức

Việc đưa ra gói giải cứu bất động sản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành sản xuất vật liệu xây dựng phục hồi – Ảnh: T.V.NGHI

Bên cạnh đó, tổng quan về các thông tin như dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã vượt lên mức trên 130% so với GDP, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới 8,86% trên tổng dư nợ, nhất là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản… Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mới xử lý được “cục máu đông” nợ xấu để khơi tăng dòng vốn? Kênh dẫn tín dụng của chính sách tiền tệ liệu có nguy cơ ngưng trệ? Khả năng tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn sẽ thế nào?…

Thực tế cho thấy việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ ban hành kịp thời chính là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và cá thể, tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Do vậy tín dụng cho nền kinh tế tuy tăng trưởng chậm lại, song theo chúng tôi là sự điều chỉnh cần thiết…

Sau một thời gian dài tăng trưởng cao trên 30%, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đã được điều chỉnh một cách tích cực thể hiện qua các định hướng chính sách có tính chiến lược của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): kiểm soát chặt chẽ, giảm cho vay vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, tỉ trọng này đã giảm về mức khoảng 7%; có khung chính sách tín dụng đặc thù cho ngành lĩnh vực có tầm chiến lược và quan trọng của đất nước như cho vay sản xuất lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi gia súc…

Tuy nhiên, những quan ngại về tăng trưởng tín dụng hiện nay đã xảy ra thực tế nợ xấu tăng cao, tín dụng lại tăng trưởng thấp, kênh dẫn tín dụng với nền kinh tế liệu có bị ngưng trệ? Việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đặt ra nhiều thách thức cả về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, thách thức về tội phạm trong hoạt động của TCTD sẽ như thế nào? Theo tôi, cần phân tích sâu một số giải pháp cụ thể:

Thực tế ngay trong những ngày cuối năm 2012, thị trường đã đón nhận thông tin từ thống đốc NHNN về gói 20.000-40.000 tỉ đồng dành cho vay đối với người thu nhập thấp và thu nhập trung bình về mua nhà ở với mức lãi suất hợp lý – một điều chỉnh rất đúng đắn vì chính sách tín dụng đã nhắm đến nhu cầu đích thực của thị trường. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực thi chính sách này ở các tiêu chí đối tượng được vay, thời gian thực được vay, niềm tin từ thị trường và vận hành đồng bộ từ các bộ, ngành liên quan.

Tiếp đến là việc duy trì thực hiện chính sách tín dụng với bốn lĩnh vực ưu tiên để tạo thế ổn định có tính chiến lược của nền kinh tế, song chính sách tín dụng của NHNN đang cần sự phối hợp đồng bộ từ chính sách quy hoạch, xúc tiến thương mại, ưu đãi về thuế, sự tự tái cấu trúc về tổ chức và kinh doanh của chính cộng đồng doanh nghiệp và người dân… để tạo ra sự đột phá thật sự trong phát triển kinh tế theo một hoặc hai ngành chủ lực của VN và ở vùng có lợi thế so sánh mới có thể góp phần gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế VN.

Hệ thống ngân hàng phải tập trung vừa thực hiện xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, vừa cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng thể hiện ở danh mục cho vay với các ngành nghề, theo khách hàng, hay đồng tiền cho vay đối với nền kinh tế theo đúng định hướng của NHNN nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Dư nợ tín dụng cần tập trung cho khu vực kinh tế thực. Tiếp tục tăng tiềm lực về vốn và minh bạch hóa tài chính, tuân thủ việc trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, tiết giảm tối đa về chi tiêu nội bộ, cơ cấu mạnh về tổ chức, hoạt động và đặc biệt là về quản trị rủi ro tín dụng cũng như loại rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro tác nghiệp.

Bên cạnh đó, nhìn về dài hạn rõ ràng cần phải giảm tỉ lệ cho vay từ tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế, điều này cũng đã được khẳng định lại trong kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI vừa qua, cũng là giải quyết căn cơ căn bệnh thanh khoản trầm kha của các TCTD khi mà hệ số cho vay trên vốn huy động vẫn trên 90% (dù đã có cải thiện nhiều so với những năm trước đây).

Cuối cùng, rủi ro kỳ hạn về cân đối nguồn vốn từ ngắn hạn sang cho vay trung dài hạn của TCTD VN vẫn khá lớn, môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát đã giảm thấp, mục tiêu giảm lãi suất đang hiện hữu. Đây là thời điểm hơn lúc nào hết các TCTD cần khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi theo hướng tăng mạnh tỉ trọng huy động vốn trung dài hạn để cải thiện thanh khoản, giảm chi phí bù thanh khoản để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng cạnh tranh theo đúng nghĩa đáp ứng tín dụng trọn gói với giá hợp lý.

PHẠM XUÂN HÒE
(vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước)

Thực hiện: depweb

01/01/2013, 10:15