LTS: Nhân hội thảo Âm nhạc với người trẻ – thực tế và phương hướng vừa diễn ra tại Hà Nội, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu.
Nhạc giao hưởng thính phòng – vốn quý của nhân loại – còn xa lạ với thiếu nhi và nhiều bạn trẻ VN. Trong ảnh: nhóm Sông Hồng trình diễn tại Nhà hát TP.HCM trong chương trình hòa nhạc cổ điển tháng 10-2012 – Ảnh: Anh Chi
Thực trạng ấy ở ta như thế nào?
Từ chuyện của bé
Ở trường tiểu học cũng được học nốt nhạc đấy, nhưng chỉ cần đọc làu làu như vẹt thôi chứ làm sao nhớ nổi mặt nốt để tự xướng âm, thành ra thật lòng mà nói thì bé vẫn hoàn toàn mù nhạc. Nhạc giao hưởng thính phòng – vốn quý của nhân loại, cũng như nhạc cổ truyền dân tộc – di sản của tổ tiên đều hết sức xa lạ với bé.
Bài hát là món ăn tinh thần duy nhất. Trí tưởng tượng bản năng trời cho trong bé không được khơi gợi, nuôi dưỡng bằng nhạc không lời. Trí tưởng tượng mất dần đi, sức sáng tạo cũng ngủ quên, cái tôi cá biệt là điều không thể thiếu cho một tài năng cứ luôn bị đúc ép theo khuôn mẫu chung.
Nếu bé có chút năng khiếu ca hát là điều đáng mừng và cũng thật đáng lo. Thiên thần ca hát có thể biến thành nạn nhân của người lớn với mục đích kiếm lời và kiếm danh.
Và nếu bé được gia đình có điều kiện sớm đưa vào môi trường âm nhạc chuyên nghiệp thì quả là may mắn, nhưng cũng chưa hẳn là chẳng có gì đáng lo ngại nữa. Trong xu thế chú trọng thành tích của căn bệnh hình thức thời nay, bé có thể phải đánh đổi tuổi thơ để được chăm bẵm kiểu “nuôi gà nòi” với vài bài tủ làm vốn tham dự các cuộc thi khu vực, thậm chí quốc tế.
Lệch chuẩn loạn chuẩn
Không thể phủ nhận độ chênh giữa chương trình đào tạo chuyên nghiệp với nhu cầu xã hội. Mục tiêu đào tạo dường như chỉ để đáp ứng yêu cầu dạy lại cho trò những gì thầy đã học, chứ không phải cái xã hội cần. Nếu không được giữ lại hành nghề trong tháp ngà, các tân cử nhân dù tốt nghiệp hạng ưu vẫn khó chen chân vào đời sống âm nhạc bên ngoài.
Ca sĩ chuyên nghiệp không được học kỹ năng biểu diễn sân khấu nên không cạnh tranh nổi với dàn “sao” ca nhạc thị trường tuy kém phần thanh nhạc, thậm chí nốt nhạc bẻ đôi chẳng biết, nhưng lại mạnh về “phần nhìn”. So với thù lao cao ngất ngưởng của các “sao” nhạc thị trường thì cái giá của ca sĩ nhạc chính thống chỉ là cò con, chưa kể thù lao cho nhạc công giao hưởng và nghệ nhân nhạc cổ còn bèo bọt hơn nhiều.
Tài năng cần được khích lệ bởi công chúng. Vậy mà lâu nay công chúng trẻ muốn nghe nhạc giao hưởng thính phòng vẫn không đủ tiền hoặc cơ hội mua vé, muốn tìm hiểu nhạc cổ truyền đích thực chứ không phải đồ giả cổ vẫn chẳng biết nghe ở đâu. Trong khi đó bao quanh họ là gì?
Âm nhạc cần kinh doanh nên các chương trình showbiz bao trùm lên mọi sinh hoạt âm nhạc. Có thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ.
Truyền hình cần kinh doanh nên ngày càng nhiều hơn các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc theo kiểu ăn xổi, và các chương trình được tài trợ hẳn nhiên chất lượng phải chiều theo thị hiếu bình dân của doanh nghiệp tài trợ.
Báo chí cũng cần kinh doanh nên không ngớt quảng bá những gì liên quan đến nhạc giải trí, kể cả thứ nhạc gây sốc kiểu nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc rác, nhạc té ghế, nhạc thảm họa…
Tình trạng bát nháo các giá trị thật giả dẫn đến lệch chuẩn loạn chuẩn trong thẩm mỹ âm nhạc ở giới trẻ đang góp phần làm cô lập, chìm khuất những tài năng thật sự.
Song tài năng thật sự không hoàn toàn mất đi.
Đặt lòng tin vào tuổi trẻ
Những tài năng có bản lĩnh luôn biết nắm bắt mọi cơ hội để phát huy. Môi trường tự học hỏi cho giới trẻ thời đại công nghệ thông tin toàn cầu vô cùng rộng mở. Thông tin, kiến thức, kho tàng âm thanh để thưởng thức là vô tận.
Qua Internet, nhạc sĩ trẻ trong mọi lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo và lý luận không những được tiếp cận với tinh hoa thế giới dễ dàng, mà còn có cơ hội quảng bá tác phẩm mới, trao đổi video – clip để nhận được những góp ý đa chiều từ cộng đồng mạng.
Thế giới phẳng mang đến cho họ những người thầy và công chúng từ các quốc gia khác nhau. Sự sẻ chia qua mạng, cả lời khích lệ lẫn phê phán, đều giúp tài năng trẻ thời a – còng không còn đơn độc, cho dù họ có bị cô lập ngoài đời đi nữa.
Thế giới ảo có tác động không ảo, vấn đề là biết chọn lọc cái hay cái lợi cho mình. Nhà quản lý văn hóa nghệ thuật có tâm có tầm hẳn nhìn ra ý nghĩa to lớn của Internet mà đặt lòng tin vào tuổi trẻ. Ðiều cần làm là giúp lớp trẻ có được “bộ lọc” tốt thay vì triệt để kiểm soát bằng cách chặn đứng các xa lộ thông tin, đóng cánh cửa tiếp cận thế giới bên ngoài.
Làm thế khác nào triệt tiêu nốt cơ hội học hỏi phát triển tài năng ở giới trẻ. Ta cùng nhìn thẳng vào bức tranh như thế này để càng thương yêu và chăm chút hơn những tài năng đáng quý ở con cháu mình.
“Có thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ” |
Theo Tuổi trẻ