5 hãng mỹ phẩm quen thuộc không thử nghiệm trên động vật - Tạp chí Đẹp

5 hãng mỹ phẩm quen thuộc không thử nghiệm trên động vật

Làm Đẹp

1. The Body Shop 

Năm 1986, The Body Shop thực hiện chiến dịch đầu tiên phối hợp với tổ chức Greenpeace nhằm kêu gọi chấm dứt nạn săn bắt cá voi và thúc đẩy việc sử dụng dầu jojoba làm thành phần thay thế cho dầu cá voi trong các sản phẩm mỹ phẩm. Cứ hai năm một lần, họ tiến hành tự thanh tra để đảm bảo tất cả các thành phần đều không qua thí nghiệm trên động vật. Chính những chiến dịch nhân đạo với hàng triệu chữ kí từ người tiêu dùng của hãng mỹ phẩm này mà lệnh cấm thử nghiệm với động vật đã được ban hành trên toàn nước Anh từ năm 1998 và trên toàn châu Âu vào năm 2004. Năm 2009, The Body Shop đã được trao Giải thưởng trọn đời của RSPCA – Hội Bảo vệ động vật của Hoàng gia Anh.

hang-my-pham-khong-thu-nghiem-tren-dong-vat-3

Hiện tại, The Body Shop đang thực hiện chiến dịch tham vọng nhất của mình trong lịch sử: huy động 8 triệu chữ kí qua trang web foreveragainstanimaltesting.com nhằm kêu gọi Liên hợp quốc ban hành lệnh cấm trên toàn thế giới đối với việc sử dụng động vật để thử nghiệm mỹ phẩm và thành phần mỹ phẩm.

2. LUSH

LUSH là một hãng mỹ phẩm handmade rất văn minh. Không chỉ nói không với thử nghiệm trên động vật, các sản phẩm của LUSH còn được gắn logo V – Vegetarian – tức mỹ phẩm “chay”, sử dụng 100% nguyên liệu thiên nhiên (ngay cả nhũ hay kim tuyến cũng được làm từ rong biển).

hang-my-pham-khong-thu-nghiem-tren-dong-vat-2

Nếu bạn để ý, sẽ thấy hiếm có hãng mỹ phẩm nào chịu khó “lột trần” sản phẩm như LUSH. Họ ít sử dụng hộp đựng để hạn chế nguyên liệu và rác thải môi trường. Sự khẳng khái của LUSH thể hiện ở việc kiên quyết từ chối phân phối sản phẩm ở những quốc gia yêu cầu phải thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật trước khi bán ra thị trường. Giải thưởng LUSH Prize hàng năm được trao cho những cá nhân và tổ chức chống lại việc thử nghiệm sản phẩm trên động vật hoặc dùng động vật làm nguyên liệu.

Không ít hãng mỹ phẩm ban đầu cam kết “cruelty-free”, nhưng sau đó vì không cưỡng lại được sức hấp dẫn của thị trường đông dân số 1 thế giới – Trung Quốc – mà chấp nhận theo luật pháp của nước này, tự tay gỡ bỏ logo con thỏ trên bao bì của mình.

3. Urban Decay

Sở hữu những bảng màu mắt đẹp chất ngất luôn được các cô gái trẻ khát khao thèm muốn, Urban Decay tỏ ra rất “cứng” khi thẳng thừng từ chối bước chân vào Trung Quốc – một thị trường khổng lồ hứa hẹn con số doanh thu cực kỳ cao, chỉ bởi vì hãng không muốn phá vỡ cam kết nhân đạo của mình. Sản phẩm của Urban Decay được công nhận bởi cả hai tổ chức PETA và The Leaping Bunny.

hang-my-pham-khong-thu-nghiem-tren-dong-vat-4

4. NYX

Là thành viên của Hiệp hội PETA từ năm 2010, hãng mỹ phẩm trang điểm N.Y.X rất được các cô gái trẻ yêu thích bởi sự phong phú về chủng loại và màu sắc cùng giá thành dễ chịu. Sản phẩm của N.Y.X không chứa sáp ong, màu nhuộm đỏ thắm được sản xuất từ xác khô của loài bọ yên chi cái, lông hoặc bất cứ thứ gì dính dáng đến động vật. Những cây cọ trang điểm nổi tiếng của N.Y.X được làm hoàn toàn từ sợi tổng hợp cao cấp thay vì lông dê hay lông gấu.

hang-my-pham-khong-thu-nghiem-tren-dong-vat-7

5. Paula’s Choice

Là một thành viên của tổ chức The Leaping Bunny, trên website của mình, Paula’s Choice công khai bày tỏ tình yêu với động vật và thậm chí khuyến khích các nhân viên dắt theo thú cưng đến chỗ làm.

hang-my-pham-khong-thu-nghiem-tren-dong-vat-6

4 tiêu chuẩn để gắn nhãn “cruelty-free” cho mỹ phẩm

1. Sản phẩm cuối cùng không thử nghiệm trên động vật.

2. Các nguyên liệu sử dụng không thử nghiệm trên động vật.

3. Không có bên thứ ba dưới danh nghĩa của công ty thực hiện thử nghiệm trên động vật.

4. Công ty không thử nghiệm sản phẩm trên động vật ngay cả khi luật pháp yêu cầu.

Thực hiện: depweb

04/08/2017, 08:05