3 Oscar và “12 năm nô lệ”

Mộc mạc thắng hào nhoáng

“12 Years a Slave” (12 năm nô lệ) mang vẻ đẹp của sự giản dị. Bộ phim chẳng dựa vào kỹ xảo mới lạ, bối cảnh dị biệt nào để gây chú ý; ngoại trừ nội dung câu chuyện thấm đẫm tình người, cách kể chân thực và lối diễn tinh tế.

Như tên gọi, phim trải dài qua 12 năm, nhưng yếu tố thời gian được đạo diễn Steve McQueen thể hiện rất gọn gàng. Thời điểm bắt đầu câu chuyện từ lúc nhân vật Solomon Northup (Chiwwtel Ejiofor) đang sống ở ngoại vi New York, bị đánh thuốc mê, đem bán tới miền Nam xa xôi để làm nô lệ.

Những nhân vật trong “12 năm nô lệ”

Lúc này, chân dung nhân vật chính đã được thể hiện khá rõ. Đó là người đàn ông da màu rất đỗi yêu thương cuộc sống hiện tại, cho dù vẫn phải đối mặt với lo toan cơm áo để chăm lo cho vợ và con trai. Không chỉ điềm đạm trong tính cách, Northup còn là người có kiến thức, có tài chơi violon và luôn khao khát đổi đời… Ngay cả khi bị bắt, bị tra tấn, hành hạ dã man, người đàn ông da màu này vẫn luôn ý thức về sự tự do, nuôi dưỡng ước mơ rất đỗi bình thường về gia đình và giữ gìn phẩm giá.

Dù Northup phải chịu thân phận nô lệ với cái tên giả là Platt, những tên buôn người và bọn chủ nô vẫn nhận được ra các tố chất hơn người của anh. Dẫu vậy, cái giá cho một con người như anh vẫn chỉ là 1.000USD.

Cùng trong hành trình bị “sang tay” qua các đời chủ, phải làm những công việc tay chân nặng nhọc khác nhau với Northup còn có những thân phận “chỉ tồn tại chứ không được sống” khác. Có những nô lệ bị hành hạ đến chết, bị chính những người cùng màu da phải ném xác xuống biển. Có người chỉ được lấp đất, thi thể quấn trong một cái bọc. Nếu bảo mỗi con người đều có một số phận, thì đây là những số phận không có tiếng nói. Cố nhiên, cũng có câu chuyện về nô lệ là nữ, được chủ nô sủng ái, có cuộc đời được lật sang trang mới, nhưng sự lẻ loi ấy không đủ để loé lên chút hy vọng thoát khỏi cuộc sống tối tăm.

Vai diễn người nô lệ biết đọc, biết chơi đàn đem đến cho Chiwwtel Ejiofor đề cử nam diễn viên chính xuất sắc nhất

Chính Northup đã chứng kiến cô gái Patsey (Lupita Nyong’o) vừa bị gã chủ lạm dụng tình dục, vừa bị tra tấn dã man, cho dù cô được coi như “công cụ làm việc có hiệu suất cao nhất”. Ngay Northup cũng biết mình chỉ mang thân phận là “con thú quý với tấm lưng đầy sẹo đang theo đuổi tự do”. Với họ, có người “nhịn nhục để sống”; có người chỉ chua xót bảo “được chết còn sướng hơn chúng ta”.

Với lối kể chuyện chân thực, đạo diễn tài năng Steve McQueen khiến người xem có thể bước vào “12 năm nô lệ” lúc nào không hay, để chứng kiến từng diễn biến, lắng nghe từng hơi thở nhẹ. Chẳng chút màu mè, bộ phim thuyết phục khán giả qua từng khuôn hình, góc quay, cách phục trang, tiếng nhạc. Ngoài những cuộc đời tăm tối phải đối mặt với những kẻ tham lam, tàn ác, người xem còn được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên bình yên, thơ mộng của nước Mỹ những năm giữa thế kỷ 19, trước khi nổ ra nội chiến.

Oscar cho những giá trị lâu bền

Trước lễ trao giải Oscar lần thứ 86 hôm 2/3, “12 Years a Slave” đã liên tiếp được xướng tên là phim hay nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng của Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood, BAFTA của Viện Hàn lâm Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc… Dự án điện ảnh do tài tử Brad Pitt đóng vai trò nhà sản xuất hiện cũng đang nằm trong danh sách 250 bộ phim hay nhất trên trang dữ liệu điện ảnh IMDB.

Tại Oscar, những bộ phim lớn gây ồn ào nhất năm qua như “Gravity” (Không trọng lực) với minh tinh Sandra Bullock, “The Wolf of Wall Street” (Sói già phố Wall) với tài tử Leonardo DiCaprio, “Dallas Buyers Club” với diễn xuất sinh động của Matthew McConaughey…, đã phải dừng chân trước “12 năm nô lệ”. Điều đó có nghĩa: Oscar vẫn tiếp tục tôn vinh những câu chuyện thấm đẫm tình người.

Bên cạnh đó, “12 năm nô lệ” còn thành công về mặt lịch sử khi đưa lên màn ảnh cuốn hồi ký cùng tên của Solomon Northup, nguyên mẫu của nhân vật chính, người về sau trở thành một trong những chủ xướng của phong trào bãi nô. Từ sách lên phim, bằng lối kể vừa chân thực vừa cô đọng, khúc chiết, nhà biên kịch John Ridley xứng đáng với tượng vàng Oscar dành cho kịch bản chuyển thể. Nhờ Ridley và đạo diễn McQueen, “12 năm nô lệ” còn mang đến sự sâu sắc qua rất nhiều câu thoại ngắn và đắt giá.

Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất Lupita Nyong’o

Ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, danh hiệu dành cho Lupita Nyong’o với vai diễn Patsey vừa bất ngờ lại vừa như tất yếu. Bất ngờ bởi lẽ, cũng như bộ phim, khi được xuất hiện không quá ồn ào thì diễn viên cả chính và phụ rất dễ “lép vế” trước những ngôi sao đình đám khác. Trước khi xướng tên các cá nhân đoạt giải thì rất nhiều dự đoán đã cho rằng tượng vàng Oscar cho vai phụ sẽ thuộc về Jennifer Lawrence, ngôi sao trẻ đang toả sáng nhất Hollywood, với vai diễn trong bộ phim có tới 10 đề cử “American Hustle”.

Nhưng cuối cùng, tài năng và sự hy sinh của nữ diễn viên người Mexico đã được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh sự toả sáng trong suốt bộ phim của Chiwwtel Ejiofor trong vai Northup, dù không có quá nhiều đất diễn, Lupita Nyong’o vẫn kịp để lại dấu ấn mạnh mẽ. Khán giả sẽ khó có thể quên người nữ nô lệ thạo việc vừa phải sống trong đắng cay, tủi nhục, ê chề, vừa phải nuốt nước mắt để người khác không thể nhận ra mình đang tồn tại hay đang sống.

Với chiến thắng của “12 năm nô lệ”, Oscar lần thứ 86 khép lại một năm của điện ảnh thế giới bằng sự tiếp tục đi lên của thể loại phim tiểu sử (biography). Sẽ còn rất nhiều bộ phim hay ở phía trước và tất nhiên, cũng không ít phim “thảm hoạ”. Dẫu vậy, như một nhân vật đã nói trong “12 năm nô lệ”: “Thế giới này tràn đầy những điều xấu xa. Nhưng nếu chúng ta biết giữ mình thì những gì ta không mong muốn sẽ đi khỏi”.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: IMDb

>>> Có thể bạn quan tâm: Sau “Những người thừa kế”– bộ phim nổi đình nổi đám chủ yếu nhờ chiến dịch PR rầm rộ và đội ngũ diễn viên thần tượng đông đảo, màn ảnh nhỏ xứ Hàn lại tiếp tục một cơn “bão” nho nhỏ với drama “You Came From The Stars” (Vì sao đưa anh tới).

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category