2013 - năm thắng lớn của thể loại kinh dị - Tạp chí Đẹp

2013 – năm thắng lớn của thể loại kinh dị

Review

Đơn giản vì tại Hollywood, mùa phim cuối năm chủ yếu tập trung các tác phẩm lớn hoặc những phim hài hước, phù hợp với đối tượng khán giả gia đình. Vào các ngày nghỉ lễ, đỉnh điểm là dịp Giáng sinh đầu năm mới, chẳng ai dại gì bỏ tiền đi xem một phim ghê rợn, nặng đầu. Thế nhưng, trong suốt khoảng thời gian 10 tháng qua, thể loại kinh dị đã kịp thắng lớn về mặt thương mại tại thị trường Bắc Mỹ. 


 

Đã từ rất lâu rồi mới có một bộ phim kinh dị thuần túy (“The Conjuring”) lọt vào Top 20 phim ăn khách nhất trong năm (không tính “World War Z” của nam tài tử Brad Pitt vì thể loại hành động/phiêu lưu nổi trội hơn). Trong 4 năm trở lại đây, chưa năm nào mà có tới 5 tác phẩm kinh dị cùng lọt vào Top 50 tác phẩm kiếm được nhiều tiền nhất như năm 2013. Và cũng trong năm nay, có 5 bộ phim kinh dị thu về từ 60 triệu USD trở lên. Cá biệt trường hợp của “The Conjuring”, hãng phát hành Warner Bros, thậm chí bỏ túi tới 137 triệu USD. Những con số thống kê kể trên cho thấy, thể loại kinh dị đã có một năm thành công rực rỡ, ít nhất là về mặt lợi nhuận.  Không những tăng trưởng đột biến về doanh thu, phim kinh dị còn tạo nên những kỳ tích ít ai ngờ tới. Nếu như trước đây, thể loại này thường tập trung vào những tháng đầu năm hoặc dịp lễ Halloween thì năm nay, hàng loạt dự án “dám” cả gan lao thẳng vào mùa phim hè, quãng thời gian tập trung các siêu bom tấn. Điển hình là trường hợp của “The Purge” và “The Conjuring”.

Phim The Conjuring

Phim “The Conjuring”

Lĩnh ấn tiên phong ở thể loại kinh dị ngay trong tháng 1 là 4 bộ phim “Texas Chainsaw 3D”, “A Haunted House” (kết hợp với hài), “Hansel and Gretel: Witch Hunter” (nghiêng về thể loại hành động) và đặc biệt là “Mama” của đạo diễn Andres Muschietti. Không lấy chủ đề quỷ dữ hay lực lượng siêu nhiên quen thuộc, thật ngạc nhiên khi “Mama” lại kết hợp một chút yếu tố tâm linh châu Á. Tạo hình oan hồn trong phim làm những fan của phim kinh dị nhớ tới “The Ring” hay “The Grudge” lừng lẫy một thời. Với kinh phí thực hiện ít ỏi (khoảng 15 triệu USD) nhưng “Mama” đã thu về khoản lợi nhuận lên tới 71,6 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ.  

Phim The Purge

Phim “The Purge”

Trong những tháng tiếp theo, lần lượt “Dark Skies”, “The Last Exorcism Part 2” được ra mắt nhưng chỉ thuộc dạng làng nhàng và sớm rơi vào quên lãng. Phải đến đầu tháng 4, thể loại kinh dị mới tạo bước đột phá mới qua tác phẩm “Evil Dead”. Ngay trong dịp cuối tuần đầu tiên ra mắt, “Evil Dead” đã leo lên ngôi đầu bảng xếp hạng Top Box Office. Còn nhớ cách đây hơn 3 thập kỷ trước, đạo diễn Sam Raimi đã gây rúng động khi tung ra “The Evil Dead” (ở nước ta được biết đến với cái tên “Ma cây”) và sau này là hai phần tiếp theo “Evil Dead II”, “Army of Darkness”. “Evil Dead” 2013 được làm lại từ bộ phim gốc của Sam Raimi. Đặc biệt, ở phiên bản mới này, đích thân Sam Raimi và nam diễn viên Bruce Campbell (đóng vai chính trong “The Evil Dead”) đứng tên sản xuất. Không có gì ngạc nhiên khi “Evil Dead” 2013 nhanh chóng mang về 54,2 triệu USD từ tiền bán vé.

Phim The Purge

Phim “Mama”

Như đã đề cập ở trên, “The Purge” và “The Conjuring” là 2 gương mặt đại diện cho thể loại kinh dị chen chân vào mùa phim hè. Ra mắt ngay sau “After Earth” và ngay trước “Man of Steel” đúng 1 tuần, ấy vậy mà “The Purge” vẫn “chiến đấu” rất anh dũng tại phòng vé. Đây có thể là bộ phim thu về nhiều lợi nhuận nhất trong năm so với số vốn đầu tư (bỏ ra 3 triệu USD nhưng thu về 64 triệu USD, tức gấp 21 lần).  Riêng “The Conjuring” xứng đáng là hiện tượng không chỉ trong năm 2013 mà cả trong một thập kỷ trở lại đây. Làm nên thành công cho “Ám ảnh kinh hoàng” (tựa đề phát hành tại Việt Nam) chủ yếu nhờ tay nghề xuất sắc của đạo diễn người gốc Malaysia – James Wan. Trước đây anh từng gây chấn động Hollywood với “Saw” (2004) hay sau này là “Insidious”. Với “The Conjuring”, James Wan đã chứng minh rằng, anh đang là một trong những tài năng trẻ bậc nhất hiện nay tại Mỹ. Rất hiếm có một tác phẩm kinh dị nào mà doanh thu vượt mốc 100 triệu USD chỉ sau 3 tuần trình chiếu như “Ám ảnh kinh hoàng”. Hiện “The Conjuring” đã hết thời gian khai thác tại rạp và hãng phát hành Warner Bros. ung dung ôm về 137,4 triệu USD (xếp trên các tên tuổi lớn như The Wolverine, Pacific Rim, G.I. Joe: Retaliation). Nếu tính cả những thị trường khác trên thế giới thì doanh thu toàn cầu của “The Conjuring” chạm mốc 316,7 triệu USD. Con số này thậm chí khiến nhiều quả bom tấn còn phải mơ ước.

Phim The Purge

Phim “Insidious”

Chỉ ngay sau đó hơn 2 tháng, James Wan còn có một bộ phim kinh dị khác cũng rất ăn khách là “Insidious Chapter 2”. So với “The Conjuring”, kinh phí sản xuất của “Insidious Chapter 2” thấp hơn nhiều (5 triệu USD so với 20 triệu USD). Tuy được phát hành vào giữa tháng 9, vốn là thời điểm “kén” khán giả nhất trong năm nhưng bộ phim vẫn thắng đậm tại phòng vé với 83 triệu USD (gấp 16 lần số vốn bỏ ra).

Ở chiều hướng ngược lại, chúng ta cũng được chứng kiến không ít trường hợp gây thất vọng về mặt nội dung hoặc thương mại. Điển hình nhất là “Carrie” của nữ đạo diễn Kimberly Peirce. Đây là phiên bản làm lại của bộ phim gốc ra đời hồi năm 1974 (do đạo diễn Brian De Palma thực hiện). Đảm nhận vai nữ chính Carrie White trong phim là diễn viên trẻ mới 16 tuổi Chloe Grace Moretz (đã từng tham gia 2 bộ phim “Kick-Ass”, “Let Me In”). Ngoài Chloe Grace Moretz ra, Carrie còn có sự tham gia của một diễn viên quen thuộc khác là Julianne Moore. Cô vào vai mẹ của Carrie White, một người cực kỳ mộ đạo. Đáng tiếc, tác phẩm vốn rất được mong chờ này lại không đạt doanh thu như kỳ vọng ban đầu. Sau thời gian trình chiếu ngoài rạp, Carrie chỉ mang về vỏn vẹn 34,3 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ trong khi kinh phí sản xuất lên tới 30 triệu USD.

Phim The Purge

Phim “Carrie”

Tuy còn một vài tác phẩm nhỏ khác gặp thất bại nhưng không đáng kể. Đơn giản vì thành công của phim kinh dị trong năm 2013 là quá lớn. Đây là thể loại có vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, dễ sinh lời hơn cả, câu chuyện không cần quá phức tạp, chiến dịch quảng cáo chẳng cần rầm rộ, vậy mà vẫn đạt được kết quả khả dĩ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi kinh dị vẫn là thể loại quan trọng hàng đầu tại Hollywood.

 Bài: Hoàng Phương

 

>>> Có thể bạn quan tâm: Khi mà sự bế tắc đã làm khán giả chán ngấy thì sự xuất hiện của anh chàng người Malaysia gốc Trung Quốc James Wan quả là một sự cứu cánh cho các nhà sản xuất.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng! 

Thực hiện: depweb

09/12/2013, 17:06