20 bộ phim có thời trang đẹp nhất mọi thời đại (P1) - Tạp chí Đẹp

20 bộ phim có thời trang đẹp nhất mọi thời đại (P1)

Review
Ngay từ khi bắt đầu một bộ phim, trang phục mà các diễn viên khoác lên mình đã trở thành yếu tố góp phần lôi cuốn người xem và gợi mở nhiều suy đoán về tính cách, hoành cảnh của các nhân vật…

Những thân hình đẹp được cho là yếu tố cần để quyết định mức độ thành công của phục trang trong phim, nhưng vẫn chưa phải là yếu tố đủ để bộ phim đó tạo nên xu hướng thời trang, hay được coi là một trong những tác phẩm có thời trang đẹp nhất. Dẫn chứng là những bộ phim mà Lauren Bacall hay Elizabeth Taylor tham gia không hề được nhắc đến trong danh sách những bộ phim có thời trang “vượt thời gian” dưới đây.

Tuy nhiên, những bộ phim có sự xuất hiện của Audrey Hepburn hay Grace Kelly lại được xướng danh một cách đầy thuyết phục. Cả hai người phụ nữ đẹp này đều từng học múa ballet và họ biết cách đứng thế nào, đi thế nào và mở khuôn miệng của mình tinh tế đến thế nào để làm hoàn hảo hình ảnh của nhân vật, khiến trái tim của các quý ông tan chảy, còn lý trí của các quý bà lại dậy sóng khát khao…

Hãy cùng điểm tên 20 bộ phim có sức sống bền bỉ qua thời gian, vẫn giữ vững những xu hướng thời trang được theo đuổi ở thời điểm hiện tại…

American Gigolo (1980)

Bộ phim kể câu chuyện tình giữa Michelle (Lauren Hutton), vợ của một chính trị gia và Julian (Richard Gere), người đàn ông trạc 30 tuổi sống bằng tiền của các bà bạn gái giàu có. Nhân vật Julian của nam diễn viên mới bước vào nghề khi đó – Richard Gere – tự coi mình là kẻ “có tài làm vừa lòng phái đẹp”, nên hình ảnh của anh được khắc họa quyến rũ một cách lạ kỳ.

Từ công đoạn lựa chọn áo sơ mi, áo veston, quần âu, đi tất, xỏ giày, chọn cà vạt cho đến cách tạo dáng trước phụ nữ đều được nhân vật đầu tư một cách kỹ lưỡng và hoàn hảo. Sẵn có thân hình đẹp, khuôn mặt của một chàng hoàng tử lịch lãm, Richard đã góp phần không nhỏ làm bừng sáng thương hiệu veston Giorgio Armani của nước Ý. Những chiếc áo veston được thiết kế với tông màu trang nhã, lịch lãm từ beige đến nâu, xám… Bộ phim “American Gigolo” có trang phục thành công đến độ người ta coi nó là một trong những bộ phim mẫu mực cho thời trang nam giới.

Annie Hall (1977)

Annie Hall là cuộc hành trình lãng mạn của diễn viên hài Alvy Singer (Woody Allen) và một người phụ nữ nhí nhảnh có tên Annie Hall (Diane Keaton). Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá rất cao và giành được 4 giải Oscar bao gồm cả giải phim xuất sắc nhất.

Không chỉ là một câu chuyện tình yêu của thập niên 70, “Annie Hall” còn mở ra phong cách thời trang mới cho thời điểm lúc bấy giờ và vẫn tiếp tục được ngưỡng mộ, đem ra ứng dụng ở thời điểm hiện tại. Trong phim, khán giả nhiều lần bắt gặp Dianne Keaton trong trang phục với phong cách khá nam tính nhưng vẫn không mất đi vẻ quyến rũ của một người phụ nữ đang say trong tình yêu.

Another Country (1984)

“Another Country” được coi là phim mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của phim đồng tính nam, kể về sự say mê mà hai học sinh nam dành cho nhau qua những tình tiết nhẹ nhàng, nhưng vẫn mang thông điệp nhân văn sâu sắc. Bộ phim lấy bối cảnh những năm 30 trong một ngôi trường nội trú nhưng phong cách thời trang vẫn hoàn toàn mới mẻ ở thời điểm thực hiện là những năm 80s.

Trang phục tạo điểm nhấn là những bộ đồng phục nam sinh trẻ trung, năng động nhưng không kém phần hấp dẫn. Những sự kết hợp màu sắc và kiểu dáng của áo quần trong phim thể hiện sự chuẩn bị công phu của các nhà thiết kế trang phục, đem lại cho khán giả cái nhìn toàn diện về hình ảnh của nhân vật.

The Awful Truth (1937)

Trong khi hầu hết các nữ diễn viên hài khác để mình bị cuốn trôi theo diễn biến của bộ phim, thì Irene Dunne lại có thể khiến mình trở nên tách biệt, nổi bật và vượt lên cả tác phẩm đang tham gia. Có lẽ bởi cô được tham gia học opera từ trước đó. Cách cô xử lý âm sắc, ánh sáng, thời gian và những cái nhìn khi sắc lẹm, khi ngọt ngào của cô hoàn toàn xuất sắc, đều xứng đáng trở thành bậc thầy. Đặc biệt trong bộ phim “The Awful Truth” (1937), khi cô kết hợp ăn ý cùng huyền thoại điện ảnh Cary Grant. Ở đó, hình ảnh của Irene Dunne tỏa sáng với những trang phục quý phái, trang nhã không thể tuyệt vời hơn – những bộ cánh mà bất cứ qúy cô nào cũng ao ước được khoác lên mình.

Belle De Jour (1967)

Bộ phim “Belle De Jour” của điện ảnh Pháp sản xuất từ năm 1967 nhưng những gì nó để lại thì vẫn mãi vang vọng đến hiện tại. Bộ phim được xếp thứ 56 trong “Danh sách 100 phim hay nhất thế giới mọi thời đại” do tạp chí Empire bầu chọn vào năm 2010. Nội dung kể về cuộc sống hôn nhân, tình yêu và tình dục của người phụ nữ trẻ đẹp Séverine Serizy, được xây dựng với một cốt truyện hấp dẫn, hình ảnh nhân vật long lanh trong những trang phục cao cấp được thay đổi thường xuyên đã tạo dấu ấn mạnh trong lòng người xem.

Trong phim, nữ diễn viên xinh đẹp Catherine Deneuve luôn thể hiện được từng khía cạnh nhân vật trong những chiếc áo khoác hai hàng khuy đúp ngực (double-breasted) cao cấp, dẫu là người nội trợ nhẹ nhàng thanh thoát hay là cô gái trong nhà chứa lạnh lùng, nóng bỏng.

The Best of Everything (1959)

“The Best of Everything” được coi là một cuộc diễu hành của thời trang cao cấp với những trang phục mà khiến bao phụ nữ khao khát được khoác lên mình. Rona Jaffe, tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1958 – nguyên tác của bộ phim – đã nhấn mạnh với đạo diễn Jean Negulesco rằng phải làm cho câu chuyện lãng mạn trở nên chân thật nhất có thể.

Trên thực tế, một trong những điểm hấp dẫn nhất của bộ phim là những thiếu nữ trẻ đẹp với những chuỗi ngọc trai, khăn quàng cổ, những chiếc mũ và những đôi găng tay được kết hợp một cách khéo léo, tinh tế đã tạo nên hiệu ứng hình ảnh tuyệt vời. Nổi bật nhất là phân cảnh Suzy Parker, cô người mẫu thành công nhất lúc bấy giờ ở nước Mỹ, khoác lên mình chiếc váy dạ hội satanh đỏ, lộng lẫy như bước ra từ trong tiểu thuyết, nở nụ cười đẹp mê hồn làm say đắm lòng người. Đây cũng là mốc son cho vai diễn đầu tiên của Suzy và khẳng định rằng sự đài các, kiêu sa khôn tả trong tác phẩm của Rona là có thật.

Blow-Up (1966)

Bộ phim “Blow-Up” không phải là một câu truyện trinh thám mà đơn giản là chuỗi chắp nối những sự việc diễn ra trong một ngày của nhiếp ảnh gia Thomas. Bộ phim được phỏng theo công việc, thói quen, phong cách của nhiếp ảnh gia nổi tiếng David Bailey.

Tuy vậy, yếu tố thời trang trong bộ phim vẫn được đẩy lên quan trọng hàng đầu với một loạt những thiết kế thuộc dòng cao cấp như Hermes, Dolice Dolce & Gabbana… Đặc biệt, sự góp mặt của những chân dài nổi tiếng như Jane Birkin, Vanessa Redgrave, Sarah Miles càng làm cho những trang phục đó trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết. Riêng với nhân vật nam chính Thomas, thường diện những chiếc quần skinny màu trắng, phảng phất phong cách của David Bailey. Đôi mắt màu xanh trong của anh lại gợi về những gì xa xăm, khó hiểu và không chắc chắn vào điều mình nhìn thấy, luôn có sự chất vấn tưởng như đang sống trong giấc mơ và điều này lại hoàn toàn chính xác với nội dung của bộ phim.

Bonnie and Clyde (1967)

“Bonnie and Clyde”  là một bộ phim hình sự năm 1967 xoay quanh câu chuyện về Bonnie Parker và Clyde Barrow, một băng cướp huyền thoại thời Đại khủng hoảng. Bộ phim được xem như mốc đánh dấu kỉ nguyên phim Hollywood hiện đại, phá vỡ nhiều chuẩn mực và trở nên thịnh hành trong giới trẻ. Bên cạnh đó, phim còn tạo một cơn sốt trong giới thời trang đương đại và suốt trong nhiều năm sau nữa.

Phong cách thời trang của nhân vật Bonnie (do Faye Dunaway thủ vai) đã khiến những cô gái trẻ của thập niên 60 say mê, đồng thời gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế trong nhiều thập kỷ. Với “Bonnie and Clyde”, Faye Dunaway đã trở thành biểu tượng đi tiên phong cho cách mix đồ phá cách, những chiếc váy caro và những phụ kiện đầy quyến rũ. Điểm nhấn đặc biệt trong phong cách của Faye là những chiếc khăn quàng cổ và mũ bêrê làm tôn lên nét rực rỡ của mái tóc vàng óng ả.

Breakfast at Tiffany’s (1961)

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên, kể về cô gái Holly (Audrey Hepburn) xinh đẹp miền quê Texas lên New York với mong muốn kiếm một tấm chồng giàu có và hòa nhập vào xã hội thượng lưu. Một ngày kia nhà văn trẻ và nghèo khó tên là Paul Varjak xuất hiện và Holly dần nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Phim giành được 5 đề cử Oscar và đoạt 2 giải cho nhạc phim và ca khúc phim hay nhất.

Cùng với bộ phim này, hình tượng Audrey Hepburn đã đi vào lịch sử điện ảnh cũng như thời trang thế giới bởi phong cách cổ điển, đơn giản mà tinh tế, nhẹ nhàng mà gợi cảm của mình. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng “Breakfast at Tiffany’s ” cùng phong cách thời trang Audrey Hepburn vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều nhà thiết kế cùng với hàng triệu các tín đồ thời trang trên thế giới. Đặc biệt, với chiếc váy dài đen không tay, trơn dài, tóc bới cao với chuỗi ngọc trai, mũ rộng vành và kính gọng đen bản lớn, Audrey Hepburn đã tạo ra một hình tượng điển hình của người đàn bà thanh lịch cho những bữa tiệc.

Flashdance (1983)

Flashdance kể về câu chuyện của cô bé Alex 18 tuổi tràn đầy ước mơ và khát vọng, Alex ban ngày làm thợ hàn nhưng về đêm lại hóa thân thành một vũ công vô cùng rực lửa trên sân khấu, mục tiêu của cô là có thể được nhận vào học ở trường dạy khiêu vũ danh tiếng. Bộ phim này có doanh thu cao thứ ba trong ngành điện ảnh Hoa Kỳ vào năm 1983.

Câu chuyện về cuộc đời của Alex không chỉ hấp dẫn khán giả ở yếu tố nội dung mà còn lôi cuốn ở yếu tố trang phục. Điểm nhấn là những chiếc váy, áo rộng mà Alex mặc cứ hờ hững nửa trong nửa ngoài một cách đầy thú vị ở cái khoảng thời gian mà cô còn “ở trong chiếc kén, nỗ lực hết mình để hóa thành nàng bướm xinh đẹp”.

Linh Nguyễn (Theo Vanityfair )

Thực hiện: depweb

31/08/2012, 22:08