Chuyện vào bếp nhiều phen làm chúng ta bối rối, từ việc nên hay không để trái cây trong tủ lạnh đến lưu trữ thực phẩm như thế nào là đúng cách. Tất tần tật các câu hỏi xoay quanh góc bếp sẽ được hóa giải, nếu bạn “nằm lòng” những mẹo căn bản này.
Kẹp gắp hạn chế khả năng tuột tay, khiến thức ăn bị rơi ra ngoài trong quá trình nấu. Nếu bạn có dụng cụ nhà bếp chống dính, nên dùng kẹp gắp làm bằng gỗ hoặc phần đầu gắp được bọc silicon. Trong trường hợp dùng loại kẹp gắp không phủ silicon thì hãy lưu ý, luôn giữ một khoảng cách nhất định với mặt chảo/nồi để tránh gây xước, làm giảm hiệu quả chống dính.
Bỏ rau củ quả, rau gia vị… trong bình rồi bọc lại bằng một chiếc khăn ướt có thể bảo quản tới 1 tuần, nhưng không phải ai cũng có thời gian để làm tỉ mỉ, công phu như vậy. Hộp đựng thực phẩm có nắp (tupperware) sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề này vì có thể giữ mọi thứ tươi lâu hơn so với ngăn đựng thực phẩm của tủ lạnh.
Bóc tỏi bằng dao rất mất thời gian. Hãy đặt tép tỏi cần bóc trên mặt thớt, dùng một con dao bản lớn đập dập nhánh tỏi. Vỏ tỏi sẽ nhanh chóng bong ra, và với cách làm này bạn chỉ mất 10 giây để có thể lột sạch vỏ tỏi.
Thớt sau khi được sử dụng để cắt tỏi và hành tây đều bị bám mùi. Vì vậy, nếu không muốn thức ăn cũng bị bám mùi tỏi, bạn nên sử dụng thớt cắt tỏi riêng, thớt cắt trái cây, pho mát và các thức ăn khác riêng. Ngoài ra, giữa thịt cá sống và các thực phẩm như rau, củ, quả cũng nên dùng riêng thớt, như vậy sẽ hợp vệ sinh và đảm bảo sức khỏe hơn.
Cũng như bao loại thực phẩm khác, rau thơm, rau gia vị tươi luôn tốt hơn rau héo, rau khô (trừ rau oregano khô) bởi chất lượng rau sẽ bị giảm đi nhiều nếu để quá lâu. Tốt hơn hết, bạn hãy mua đủ dùng để vừa không mất công bảo quản vừa có thể chế biến được những món ăn ngon.
Gia vị khô để lâu rất dễ bị ẩm mốc, đổi màu và mất mùi. Có rất nhiều loại gia vị khô có thể để sẵn trong bếp như tỏi, hành khô, quế, bột cà ri, rau mùi, ớt… Nhưng tốt nhất chỉ nên mua khi bạn cần và mua với số lượng ít, trừ trường hợp bạn thường xuyên phải sử dụng đến những gia vị này.
Thực phẩm được nấu quá chín không chỉ bị giảm độ hấp dẫn, mất chất dinh dưỡng mà còn không tốt cho sức khỏe. Hãy tìm hiểu nhiệt độ chín của từng loại thức ăn và tắt bếp khi thức ăn vừa chín tới.
Nếu đã cho vừa muối nhưng vị vẫn chưa ngon, bạn hãy thử cho một ít giấm hoặc chanh, vị chua lúc này sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của món ăn. Nếu thức ăn quá khô và dính, hãy sử dụng dầu ô liu để làm ẩm. Đây là cách để “chữa cháy” cho gần như mọi món ăn có hương vị chưa thực sự ấn tượng.
Đối với hầu hết những món ăn hàng ngày, hành củ nhỏ giúp món ăn ngon hơn và có sắc thái tốt hơn. Hành lớn chỉ được sử dụng nhiều để trộn salad, nấu súp hoặc ướp thịt nướng… Nhìn chung, hầu hết mùi vị món ăn sẽ gây ấn tượng hơn khi vị hành được sử dụng một cách tiết chế và tinh tế.
Nếu bạn mua loại thực phẩm nào đó mà không cần phải lưu trữ trong tủ lạnh như các loại quả táo, lê, cam và chuối thì hãy để chúng ở bên ngoài, trừ khi bạn không thể ăn hết được ngay trong một khoảng thời gian ngắn. Còn nếu buộc phải bảo quản trái cây trong tủ lạnh, thì nên chọn nhiệt độ thích hợp khoảng 3.3 độ C – 5.6 độ C. Trái cây nào được mua trước nên sắp xếp ở vị trí dễ thấy để lấy ra dùng trước. Tuy nhiên, lý tưởng nhất vẫn là nên mua một lượng trái cây vừa đủ, không nên phó thác hết cho chiếc tủ lạnh.