"Nghệ thuật không phải tấm gương soi" - Tạp chí Đẹp

“Nghệ thuật không phải tấm gương soi”

Giải Trí

Phan Đăng Di (PĐD): Cái hay của YxineFF là lần đầu tiên ở Việt Nam các bạn trẻ có cơ hội gửi phim đến một Liên hoan phim mà không phải quá lo lắng về thủ tục nhiêu khê như lệ thường ở ta. Phim chất lượng tốt sẽ được chiếu ngay trên mạng, khán giả khắp nơi chỉ cần một cú nhấp chuột là xem được, thích hay không có thể nói thẳng, nhà làm phim biết ngay phản ứng của khán giả. Tạo được không khí sôi nổi, cởi mở và tự do như vậy chính là một điểm mạnh của YxineFF. Nó cũng cho thấy ứng xử hợp thời, thông minh của ban tổ chức trước thời cuộc, nhất là từ năm 2012, khi YxineFF mở rộng quy mô thành một tiệc phim quốc tế. Tôi tin từ thời điểm đó, một cánh cửa rộng hơn đã mở ra giúp các nhà làm phim Việt hòa nhập với thế giới và được thế giới biết đến…

Trần Anh Hùng (TAH): Hùng cũng qua một người bạn đạo diễn mà biết đến YxineFF. Khi xem xong bộ phim đầu tiên, Hùng phát hiện chỉ cần kích chuột là có thể xem tiếp nhiều phim khác, cảm giác những bộ phim đến với mình thật trôi chảy. Chất tươi, mới trong những bộ phim ấy làm cho Hùng nhớ lại thời làm phim ngắn đầu tay. YxineFF hé lộ nhiều điểm sáng, đa dạng, phong phú về ngôn ngữ, nội dung. Khi gửi phim tới YxineFF, bạn sẽ nhìn thấy rõ chỗ đứng của mình trên thế giới vì có cơ hội so sánh với những phim quốc tế cùng tham gia – điều đó rất hay.

Charlie Nguyễn (CN): Nghĩ lại trải nghiệm bản thân, Charlie thấy đúng như lời Di nói. Hồi xưa, mình tự làm tự xem, rộng lắm thì chỉ vài người bạn thân. Với việc chiếu phim trên mạng, YxineFF đã giúp người mới bước vào lĩnh vực này không cảm thấy cô đơn, được động viên tinh thần, tiếp thêm lửa. YxineFF cũng cho Charlie cơ hội được xem tác phẩm của những bạn trẻ khao khát làm phim, để nhớ lại thời làm phim đầy ngây thơ, vô tư của mình 20 năm trước.

PĐD: Đôi khi mình đến với điện ảnh bằng những cú hích rất tình cờ, như Di trước năm 17 tuổi chỉ muốn trở thành một nhà văn và chẳng biết gì về điện ảnh. Rồi mùa hè năm 1993, tình cờ xem chương trình VKT trên VTV tường thuật lễ trao giải LHP Cannes, năm đó anh Hùng nhận được giải Camera D’or cho “Mùi đu đủ xanh”. Di còn nhớ hình ảnh anh Hùng áo sơ mi trắng bước lên nhận giải, có một không khí choáng ngợp và cảm động tràn ngập trong Di giây phút đó. Nó làm cho Di ngay lập tức quyết định theo điện ảnh, bất kể lúc đó mình chỉ là một cậu bé tỉnh lẻ sống ở Vinh, nơi mà hầu như không có đời sống điện ảnh và cũng không ai biết thi vào trường điện ảnh thì sẽ phải làm gì. Hai mươi năm đã qua kể từ thời điểm ấy, mình từ một người sống khép kín chỉ muốn yên thân để viết đã trở thành một người làm phim, phải đi đây đi đó và làm việc với nhiều người. Tất cả chỉ bằng một cú hích tình cờ cách nửa vòng trái đất, trên một bờ biển gọi là Cannes.

TAH: Hùng quan niệm, chỉ với riêng Hùng thôi, mình có thể học từ những bộ phim hay, gợi cho mình nhiều cảm xúc, còn trường điện ảnh là nơi có bạn bè để trao đổi về sở thích mê phim và làm phim. Nhưng Hùng quyết định vào học trường Louis Lumière College vì biết sau hai năm mình sẽ được làm phim ngắn 35mm. Việc thực hiện phim ngắn đầu tay với Hùng rất phức tạp, phải mất 2 năm mới làm xong, dù phim dài chỉ 20 phút. Các đạo diễn trẻ bây giờ may mắn hơn Hùng nhiều vì kỹ thuật làm phim đơn giản hơn.

CN: Còn Charlie, từ khi có trong tay cái máy quay 8mm mua được tại một cửa hàng đồ cũ thì không rời nó ra được nữa, nhưng lúc đó mình không ý thức làm phim phải thế nào, càng không xác định trở thành đạo diễn. Mù mờ nhưng đầy hào hứng, Charlie và em trai đã trải qua 3 năm loay hoay dành dụm tiền thỉnh thoảng lên phố mua cho được một hộp phim sống dài khoảng 3 phút về lắp vào máy quay, quay ba quay má, quay lén hàng xóm, quay chó quay mèo… xong hồi hộp đưa đi tráng, rồi chờ đợi… và sướng ngẩn ngơ khi xem những hình ảnh mình quay được phóng lên tường bằng máy chiếu. Máu làm phim ngấm vào mình từ thời điểm đó!

TAH: Hùng thì nhớ cảm giác lúc mình gắn hai đoạn phim lại với nhau, cảm giác đó rất hay, vừa sợ hãi vừa thú vị. Theo Hùng, đó là điều cơ bản của việc làm phim. Cảm giác sợ hãi rất thực và là trải nghiệm quan trọng với người làm phim. Khi bắt tay vào làm một cuốn phim, chúng ta cần một cái gì đó làm ruột thắt lại, phải có nỗi sợ để vượt qua. Ngay cả đạo diễn kỳ cựu như Stanley Kubrick hay Steven Spielberg trong buổi sáng đầu tiên ra trường quay cũng luôn nói với người lái xe cứ tiếp tục đi, đừng dừng lại. Và Hùng, sau khi học xong, không tham gia các đoàn phim vì muốn giữ được sự sợ hãi cần thiết đó cho đến khi bước vào phim dài.

PĐD: Xem lại phim ngắn đầu tay, Di thấy có quá nhiều điều không hài lòng, tự hỏi tại sao mình không làm tốt hơn. Do vậy, khi được làm phim dài, ý nghĩ đầu tiên đến với Di là muốn khắc phục những lỗi trong phim ngắn. Các bạn trẻ, nếu muốn đi theo con đường này nên khởi đầu bằng một phim ngắn và đừng làm… quá tốt, thậm chí phải hơi sai một chút để mình sửa, khắc phục trong những lần sau, trong phim dài.

CN: Charlie có những phim ngắn cực dở nên đồng cảm với điều Di chia sẻ (cười). Việc làm phim càng làm càng khó. Đừng nghĩ dự án sau dễ hơn dự án trước, vì muốn tránh sự lặp lại ở mọi hình thức và cần sự mới mẻ nên người đạo diễn phải luôn tự thách thức. Vì vậy, khi bắt tay vào dự án, có đôi lúc niềm tin trong mình bị lung lay, không hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của bản thân, cảm thấy hoang mang. Đối với những bạn chưa bao giờ làm phim dài, sự hoang mang càng lớn nhưng các bạn đừng nản lòng.

PĐD: Cũng phải kiên trì nữa vì con đường mà bạn phải đi rất dài! Như Di đi 20 năm rồi mà chưa đến được phim dài thứ 2 đây.    

TAH: Dài đến độ mình có thời gian nhìn thấy dự án chết mấy lần trước khi nó được sống lại!

CN: Hoặc là chết luôn!

(Cả ba cùng cười giòn)

TAH: Và các bạn phải dũng cảm, đủ dũng cảm để chiến đấu hàng ngày. Ngoài ra, còn cần rèn luyện tính kỷ luật. Theo Hùng, đừng tìm cảm hứng bằng cách ngồi đợi, phải hành động và lao động có kỷ luật. Có dạo, Hùng thức dậy lúc 5-6 giờ sáng và ngồi vào bàn làm việc cho đến 10 giờ, sau đó mới ăn sáng, đi thư viện rồi quay lại bàn vào lúc nào đó trong ngày. Mỗi tuần 3 ngày, đúng giờ, đúng chỗ, Hùng làm việc như vậy liên tục trong 2 năm và hoàn thành được 2 kịch bản.

Hùng cũng có một bài tập khác cho tư duy. Một thời gian dài, khi đi xem phim, Hùng thường mang theo một tờ giấy to bằng chiếc phong bì. Xem phim xong, Hùng viết ngay những cảm xúc, phân tích bố cục… về bộ phim rồi… bỏ vào thùng rác. Mình cần sắp xếp lại những xáo trộn về cảm xúc để bước lên một nấc cao hơn và sau khi viết, chúng đã ở trong mình, khi cần tự khắc sẽ bật ra.

PĐD: Đó là các khía cạnh chủ quan, còn chuyện khách quan như vấn đề kiểm duyệt thì ta nên thích nghi bằng cách nào?

TAH: Kiểm duyệt là chuyện ai cũng có thể gặp phải nên mình cứ làm phim theo ý mình muốn trước đã, nếu có vấn đề cần giải quyết thì tùy hoàn cảnh, thời điểm mà xử lý sau. Kiểm duyệt và làm phim, mỗi vấn đề là một chuyện riêng và khác nhau. Dĩ nhiên các cộng sự sẽ nhắc nhở thường xuyên nhưng để giữ được sự phấn khởi, mình phải chiến đấu một cách nhẹ nhàng với những mối bận tâm ngoài phim. Làm phim phải có niềm vui, làm với sự vui vẻ – điều đó quan trọng để có được một cuốn phim hay. Nếu mình có ý định phải thế này phải thế kia trước khi bắt tay vào làm thì sẽ không tốt cho bộ phim. Ít nhất nên làm ra bộ phim hợp theo ý mình rồi tính sau.

PĐD:
Di thấy đó là cách hay vì nếu cứ phải nghe, cân nhắc những điều liên quan đến kiểm duyệt thì chắc mình không làm phim được. Việc của mình, mình cứ làm, làm như không có luật nào cả, cũng phải biết “quẳng gánh lo” đi. Rồi những người tham gia cùng mình sẽ chung tay xử lý các vấn đề nếu có sau đó.

CN: Charlie cũng muốn làm như anh Hùng nói nhưng sau “Bụi đời Chợ Lớn”, tự nhiên trong người như có một bộ phận kiểm duyệt tồn tại song song với sáng tạo. (Cười và nhún vai).

TAH: Nói về kiểm duyệt, có một khía cạnh khác rất hay mà Hùng muốn đề cập. Chính nhờ sự quy định nụ hôn không được kéo dài quá 3 giây thời điểm Hitchcock làm phim “Notorious” mà màn bạc có một trong những nụ hôn nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh*. Nói vậy để thấy, các bạn vẫn có thể sáng tạo trong điều kiện kiểm duyệt. Nhưng không may ở Việt Nam không có sự rõ ràng trong quy định để mình biết phải làm thế nào cho đúng. Mà thôi, quay lại ý cũ, mình cứ làm phim như mình muốn đã, sau đấy hẵng tính.

PĐD: Vâng, nhân chuyện không vui vừa rồi với phim của anh Charlie, dường như người nghệ sĩ đang được đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm công dân. Di thì nghĩ người nghệ sĩ có trách nhiệm lớn nhất là bằng tác phẩm của mình nói cho thật, cho hết điều mình nghĩ và tin. Con người nói chung luôn có nhu cầu đồng lõa với nhau để tránh nhìn vào điều họ muốn tránh. Nghệ sĩ, ngược lại, phải có trách nhiệm nói lên sự thật đang bị giấu đi đó. Thông qua tác phẩm, nghệ sĩ giúp khán giả có được cơ hội nhìn thấy mình ở khía cạnh ít che đậy nhất, giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, khơi nguồn cho sự dũng cảm, tự hiểu và chấp nhận bản thân họ.

TAH: Đúng như Di nói, trách nhiệm của nghệ sĩ là nói lên sự thật. Nhưng phải hiểu rõ cái gì là sự thật, có rất nhiều sự thật tùy vào góc nhìn của mỗi người. Đây là vấn đề phức tạp và tế nhị bởi nghệ thuật không phải là tấm gương soi nên đừng đòi hỏi sự chính xác, rõ ràng. Nghệ thuật là cách thể hiện bằng tâm hồn, đi xa hơn, cao hơn thực tế của người nghệ sĩ khi họ cảm nhận. Do vậy, với Hùng, trách nhiệm của nghệ sĩ là trách nhiệm đối với ngôn ngữ của bộ môn nghệ thuật mà họ tham gia. Bạn phải trung thực, nuôi dưỡng, cố gắng nói thứ ngôn ngữ trôi chảy, thật đẹp để có thể trao cho khán giả món quà thú vị.n

* Để “chơi khăm” quy định nụ hôn trên màn bạc chỉ được kéo dài không quá 3 giây, đạo diễn Hitchcock cho diễn viên của mình hôn nhau và cứ đúng 3 giây họ lại ngừng, thì thầm, âu yếm, rồi lại hôn, để cuối cùng phân đoạn nụ hôn nổi tiếng đó kéo dài đúng 2-phút-rưỡi.

Bài: An Hội

Thực hiện: depweb

03/06/2013, 17:01