YxineFF – tiệc phim ngắn không còn "hơi mùi sữa" - Tạp chí Đẹp

YxineFF – tiệc phim ngắn không còn “hơi mùi sữa”

Review

Một cách lựa chọn chia sẻ tình yêu điện ảnh

Mỗi năm bày tiệc một lần, kể từ 2010, Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF (Yxine Film Fest) diễn ra tại địa chỉ www.yxineff.com luôn tuân thủ chặt chẽ “định dạng cứng”. Đó là một dự án điện ảnh mang tính tình nguyện, phi lợi nhuận và độc lập.

Bắt đúng xu hướng bùng nổ các nhà làm phim và nhu cầu chia sẻ nội dung thời số hoá, hay nói các khác là góp phần cho sự chuyển biến rõ ràng này ở Việt Nam, YxineFF nhanh chóng trở thành cái tên được biết tới rộng rãi trong giới điện ảnh và người yêu phim.

Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp Online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Lâu nay, những tác phẩm điện ảnh độc lập, dù ngắn hay dài, đều rất chật vật khi tìm đường ra rạp. Đa phần công chúng, đặc biệt là công chúng Việt Nam, còn chưa quen với “mùi” phim độc lập. Thì đây, YxineFF chính là “cửa ngõ” dễ chạm tới nhất, ngay trên mạng, phục vụ tất cả mọi người, bằng những tác phẩm phim ngắn giàu tính khám phá về cả nội dung và cách thể hiện.

Ở năm tổ chức thứ tư, có 22 bộ phim tranh giải đang được trình chiếu tại “rạp online” không chỉ mang vị sữa mà còn là trà, cà phê, cacao, sinh tố,… và thậm chí là cả thuốc đắng. Khớp với chủ đề “Lựa chọn”, YxineFF 2013 đem tới những sự lựa chọn đa dạng, với chất lượng phim tốt hơn các mùa trước mà chỉ cần khoảng 6 giờ để xem hết tất cả các tác phẩm tranh giải ở hai hạng mục chính Quốc tế và Khu vực.

Các nhà làm phim từ nhiều quốc gia đã mang tới nhiều góc nhìn đầy tính cởi mở xoay quanh những sự lựa chọn – một yếu tố quyết định giá trị của mỗi người trong hành trình sống.

Cảnh phim “Không có gì quý”

Ở hạng mục phim tranh giải Quốc tế, có nhiều phim ngắn đáng nhớ. Trong số 12 phim, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều phim tranh giải nhất (mỗi nước có hai phim).

Có mặt ở hạng mục tranh giải Quốc tế, “Không có gì quý” (đạo diễn Nguyễn Trọng Khôi) là tác phẩm giàu cảm xúc được chọn chiếu khai mạc YxineFF. Phim không chỉ mang đến câu chuyện về sự lựa chọn giữa tình yêu, tình bạn đồng giới và khác giới mà còn là sự lựa chọn hướng đi cuộc đời trong những ngày cuối của tuổi học trò, trong bối cảnh câu chuyện là ở miền Trung, ở một vùng xa xôi nghèo khó. Dẫu là tác phẩm đầu tay của toàn bộ ê kíp, từ kịch bản, sản xuất, diễn viên cho tới đạo diễn sinh năm 1990 nhưng tư duy điện ảnh đã được thể hiện khá rõ nét.

YxineFF tổ chức thường niên từ năm 2010 với phương châm “Chia sẻ – Tình yêu – Điện ảnh”. Hiện nay, YxineFF giới thiệu phim ở 4 hạng mục chính: Phim tranh giải Quốc tế (dành cho các tác phẩm Việt Nam và nước ngoài), Phim tranh giải khu vực (dành cho các tác phẩm phim Việt Nam), Toàn cảnh (giới thiệu các phim ngắn đáng chú ý trong nước) và Cận cảnh (giới thiệu các phim ngắn trong và ngoài nước).
“Dưới lòng đất” (đạo diễn Nguyễn Tùng Phong) có mặt ở cả hai hạng mục tranh giải Quốc tế và Khu vực. Đây có thể nói là một bộ phim gây sốc. Người ta sẽ phải suy nghĩ nhiều khi xem xong bộ phim về những cô cậu “trẻ trâu” rỗi việc, chỉ quanh quẩn thụ hưởng đời sống văn hoá tinh thần nghèo nàn ở nông thôn. Một chiếc hố tự chôn mình và bạn bè của các nhân vật được nhà làm phim “đào xới” thực sự đáng giật mình. Chỉ có điều phim lẫn lộn giữa yếu tố phim truyện và tài liệu, giữa tính thật và hư cấu.

Hai bộ phim Hàn Quốc tham gia hạng mục Quốc tế mang đến sự bình thản, nhẹ nhàng hơn trong sự lựa chọn của nhân vật và người xem. “Sweet Temptation” (Jeong Han-Jin) đặt ra sự lựa chọn về tình cảm và lối sống của các nhân vật ở lứa tuổi học sinh. 

Cảnh phim “Sweet Teptation” 

Nhà làm phim đánh trúng vào băn khoăn của nhiều người hiện nay là sử dụng thực phẩm để ăn uống hàng ngày như thế nào cho đời sống, ăn mặn hay ăn chay, thực vật hay động vật? Khi chung quanh ta luôn bày ra vô số sự lựa chọn mà đằng sau mỗi quyết định thường kèm theo nhiều “cám dỗ ngọt ngào” thì một đứa trẻ liệu có thể ý thức rõ được về sự lựa chọn của mình, nhất là khi người lớn đã chọn theo cách của họ?

Bộ phim thứ hai đến từ Hàn Quốc tranh giải Quốc tế là “Mija” (đạo diễn Jeon Hyo-Jeong) nói về câu chuyện về “độc thân ăn chay” và “độc thân ăn mặn”. Với một người vào độ trung niên mà chưa lập gia đình, do chưa có tình yêu từ hai phía, vậy thì họ đối diện với cuộc sống độc thân thế nào, có nên đến với người khác vì tình dục mà không tình yêu? Cảnh yên tĩnh của người gắp thức ăn một mình trong căn phòng vắng lặng đủ để gợi lên suy tư về nỗi cô đơn và sự thảnh thơi đè nén…

8 bộ phim còn lại tranh giải Quốc tế – hạng mục đáng quan tâm nhất – đến từ các nước khác nhau mà mỗi phim đều có sự hấp dẫn riêng chờ khám phá.

Các tác phẩm như “June Ek” (Ngày 1 tháng 6, phim Ấn Độ), “Picture. Perfect” (Bức ảnh. Hoàn hảo, Mỹ), “La Gravite” (Lực hấp dẫn, Campuchia), “Ruggero” (Ý), “Sông Hồng” (Pháp), “Cô gái Mông Cổ với chiếc túi đựng đầy hạnh phúc” (Đức)…  là những phim có thể xem lại. Cần xem lại không chỉ bởi có phim “khó xem”, “khó hiểu” mà còn là để thấy phim ngắn có thể mang đến những ý tứ dài, hay có thể là đề tài mở rộng cho những phim dài.


Tinh thần độc lập

Sau ba lần tổ chức với những chủ đề khác nhau như “Tình yêu” (2010), “Niềm tin” (2011), “Cá nhân” (2012), đến lần thứ tư với chủ đề “Lựa chọn”, nhà tổ chức YxineFF đã gửi gắm đến công chúng, qua các bộ phim, về những giá trị sống đang và cần hiện diện rõ trong đời sống hôm nay.  

Cùng với đó, người yêu phim ảnh, nhất là phim độc lập (indie), phim nghệ thuật, có thể thấy được giá trị ở YxineFF. Dẫu còn nhiều phim non tay, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện, bối cảnh còn hạn chế, đơn giản, sơ sài, nhất là phim ở hạng mục tranh giải Khu vực; nhưng ý tưởng chung, mà ở trên gọi là “định dạng cứng”, càng ngày càng thể hiện rõ sự thuyết phục.

Phim “Katapusang Labok” (Cuộc chiến cuối cùng) từng có mặt tại LHP Cannes 2013 cũng tham gia tranh giải hạng mục Quốc tế YxineFF 2013

Chọn được hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu, cách thức tương tác, chia sẻ của thời hiện đại, tư duy quốc tế và hội nhập, đó là những điểm bắt đầu để kỳ vọng cho cuộc chơi đường dài của tiệc phim 4 tuổi. Có lẽ cũng nhờ vậy mà YxineFF nhận được sự ủng hộ, đóng góp tích cực từ nhiều tên tuổi có uy tín trong giới làm phim. Minh chứng cho điều này là thành phần ban giám khảo của tiệc phim những năm trước và riêng năm nay gồm có đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên – nhà sản xuất Ngọc Hiệp, quay phim Lý Thái Dũng, nhà văn Thuận và diễn viên Tăng Thanh Hà.

Giữ nguyên tinh thần độc lập, nhưng là tinh thần độc lập hướng đến khán giả rộng khắp, đó là cách YxineFF đang thể hiện. Trước hết hiện nay, khán giả có thể xem tất cả các phim hoàn toàn miễn phí, kể cả những buổi chiếu phim offline tại các thành phố lớn trong nước và cả Paris, Berlin, San Francisco, Phnom Penh… Bên cạnh giải Trái tim vàng của ban giám khảo, khán giả sẽ chọn ra phim đoạt giải Trái tim hồng cho hai hạng mục tranh giải chính thức.

Tinh thần độc lập ở đây còn là truyền đi thông điệp xã hội qua giải thưởng Trái tim cầu vồng (cho phim có đề tài LGBT*) và Trái tim xanh (cho phim tài liệu về đề tài phát triển bền vững). Cũng thông qua các chương trình chiếu phim Toàn cảnh và Cận cảnh, khán giả còn được xem rất nhiều phim ngắn xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới được biết tới lâu nay.

Từ phim ngắn đến phim dài là một chặng đường dài, không phải nhà làm phim nào cũng đi tới đích, cũng như tiệc phim ở lần tổ chức thứ tư vẫn còn “kén khách” chọn món, dù lượt xem trực tuyến có tăng. Nhưng rõ ràng, đây không là món ăn thừa và bữa tiệc càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam còn quá thiếu phim độc lập.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: YxineFF.com


*LGBT: là viết tắt chỉ nhóm người đồng tính nữ (Lesbians), đồng tính nam (Gays), song tính (Bisexuals) và chuyển giới tính (Transgender)

>>> Có thể bạn quan tâm: Thật hiếm có một cuộc hội ngộ giữa ba đạo diễn Trần Anh Hùng (Paris), Phan Đăng Di (Hà Nội), Charlie Nguyễn (Sài Gòn) – nhưng nhờ YxineFF làm cầu nối, họ đã gặp nhau và thực hiện một bàn tròn điện ảnh. Câu chuyện từ YxineFF “chạm” vào trải nghiệm riêng tư từ những bước đầu tiên trên con đường điện ảnh, cũng là nơi để họ bày tỏ quan điểm, triết lý làm nghề của mỗi người.


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

14/11/2013, 10:04