Yun Lukas
– Chủ nhân của series cook book:
– “Những ngón tay Vani”
– “Những ngón tay Vani – La Vie En Rose”
– “Những ngón tay Vani – Ngày vàng hạnh phúc”
– Kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh Vanilla & Butter.
“Nếu được ví mình như một món bánh, tôi sẽ là bánh mì”
– Chào Yun! Là ông chủ trẻ của chuỗi cửa hàng cà phê bánh ngọt Vanilla & Butter và là tác giả của series sách cook book “Những ngón tay vani”, không biết niềm đam mê bánh trái đã “chạm ngõ” cùng anh như thế nào?
– Tôi đã có niềm đam mê nấu ăn từ nhỏ. Trong gia đình, ông nội và các chú của tôi đều theo nghề bếp ở Úc. Lớn lên, tôi càng nhận ra niềm đam mê đó cũng ẩn chứa trong con người của mình. Nghề bếp thường được chia thành hai loại: bếp mặn và bếp ngọt. Với tôi, bếp ngọt thực sự có một sức hút riêng!
-“Sức hút của bếp ngọt” là như thế nào nhỉ?
– Với tôi, làm bánh là công việc mang tính thử thách cao. Khi bạn nấu một món ăn, nếu thành phẩm món ăn chưa được như ý, bạn vẫn còn rất nhiều cách để gia giảm cho một kết quả khác tốt hơn. Còn khi làm bánh, chỉ khi nào bánh ra lò thì bạn mới biết mình có thành công hay không. Nếu thất bại, món bánh của bạn xem như bỏ.
– Những ngày bắt đầu học làm bánh, anh có gặp khó khăn gì không?
– Tôi đã tự học với các sách dạy làm bánh của nước ngoài. Đôi khi, với những mẹo đặc biệt hoặc các kĩ thuật khó, tôi tham khảo trên mạng. Với tôi, sách là nguồn thông tin đáng tin tưởng bởi chúng đã được những người có kinh nghiệm biên tập rồi mới xuất bản. Một yếu tố quan trọng trong làm bánh là kĩ thuật và kinh nghiệm. Không phải chỉ cần đúng công thức thì sẽ làm được món bánh thành công.
– Được biết anh từng có một khoảng thời gian làm việc trong lĩnh vực thời trang và bây giờ thì thành công cùng đam mê với bánh. Liệu có sự tương đồng nào giữa thời trang và làm bánh hay không nhỉ?
– Thật ra, chúng cũng không có quá nhiều điểm tương đồng. Điều khiến chúng liên quan đến nhau nhất có lẽ là người tạo ra chúng, nếu có khái nhìn tốt về thẩm mỹ thì đều có thể ứng dụng ở cả hai lĩnh vực. Tôi nghĩ, bên nào cũng đòi hỏi cái gu riêng của người tạo.
– Vậy cái gu trong làm bánh của anh là gì?
– Cái gu trong làm bánh của tôi được ảnh hưởng bởi nét đặc trưng của bánh Nhật. Chúng có thể sẽ hơi đơn giản, không màu mè, được trang trí với trái cây hoặc kẹo màu nhỏ và đặc biệt là không làm kem màu hoặc bắt bông kem phức tạp.
– Loại bánh mà anh từng bị thất bại nhiều nhất là gì?
– Đó là macaron. Thường thì macaron khi làm sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời tiết bị ẩm quá nướng thành phẩm không đẹp, bột rây chưa mịn thì bánh ra bị đốm… Thật ra, đến bây giờ tôi vẫn có lúc thành công và cũng có lúc thất bại với loại bánh này (cười).
– Không chỉ là một người làm bánh, anh còn có một lớp hướng dẫn làm bánh của riêng mình. Anh có kỷ niệm vui nào trong suốt thời gian đồng hành cùng các học viên hay không?
– Tôi đã bắt đầu dạy từ cách đây 3 năm và với tôi, đi dạy đã là vui rồi! Thế nên kỷ niệm vui thì nhiều, chỉ có kỷ niệm buồn thì mới hay làm bản thân lưu tâm. Đôi khi, có những buổi hướng dẫn xong thì thành phẩm ra lò không được như ý. Đó có thể là do lỡ quên mất một thứ gì đó, cũng có thể do tâm trạng hôm đấy không được tốt… Trong trường hợp như thế, tôi đều xin lỗi học viên và bù lại cho họ một buổi hướng dẫn khác.
– Nếu được ví mình như một món bánh, anh nghĩ mình sẽ là loại bánh nào?
– Tôi nghĩ mình sẽ là bánh mì. Bánh mì là loại bánh mang tính thích nghi rất cao. Ta có thể ăn bánh mì với món ngọt và cũng có thể dùng nó với món mặn. Tôi nghĩ mình cũng vậy, cũng thích nghi khá tốt với môi trường.
“Đàn ông đeo tạp dề là đang cùng giữ lửa với người phụ nữ của mình!”
– Anh có nghĩ mình chính là người nghệ sĩ trong căn bếp của riêng mình không?
– Làm bếp cũng cần sáng tạo nhưng gọi là nghệ sĩ thì tôi nghĩ hơi quá. Nghề bếp cũng giống rất nhiều nghề khác, ngoài kĩ năng thì bạn cũng cần phải cập nhật xu hướng của thế giới như xu hướng trang trí, kiểu bánh mới, mùi vị mới… Với tôi, ngoài việc tạo ra các món bánh, tôi còn là một người kinh doanh. Vì vậy tôi luôn suy nghĩ đến khách hàng cũng như cập nhật những điều mới để không bị lạc hậu trong môi trường cạnh tranh hiện tại.
– Anh nghĩ như thế nào về hình ảnh “đàn ông đeo tạp dề”?
– Hình ảnh “đàn ông đeo tạp dề” trong xã hội hiện đại đã không còn quá xa lạ. Đàn ông hoàn toàn có quyền và thích hợp để vào bếp. Đàn ông vào bếp là đang cùng giữ lửa với người phụ nữ của mình.
– Khi anh quyết định theo đuổi đam mê, anh có được gia đình ủng hộ?
– Gia đình từng định hướng cho tôi học về kinh doanh và tôi cũng đã có 3 năm học Quản trị kinh doanh tại Singapore. Sau khi về nước, tôi đã làm khá nhiều nghề nhưng cuối cùng vẫn quay trở lại với đam mê của riêng mình. Để đi được với đam mê đó, tôi đã phải đánh đổi khá nhiều, chẳng hạn như những năm học hoặc mức lương và cuộc sống ổn định mà những nghề trước đây tôi từng có.
– Nếu được nói một điều với những người vẫn còn giữ quan niệm “bếp núc chỉ là việc của phụ nữ”, anh sẽ nói gì?
– Đơn giản là: Nếu không vào bếp thì bạn đừng… ăn! Không vào bếp, bạn sẽ không biết được món ăn đó đã được thực hiện như thế nào và mất bao nhiêu công sức. Thực sự cảm giác thực hiện được một món ăn cũng là một cảm giác rất vui, không chỉ vì mình đã làm ra nó, còn bởi vì sẽ có người thưởng thức món ăn của mình. Cảm giác đó mới thật sự tuyệt vời!
– Ở “Những ngón tay Vani”, độc giả được xem những ghi chép rất đặc biệt trong cả 3 phần. Cảm hứng của bộ sách này liệu có phải từ chính cuộc sống của anh?
– “Những ngón tay Vani” được lấy cảm hứng từ kí ức, về những ghi chép xuyên suốt từ nhỏ đến lớn. Cookbook này giống như được ghi lại về những cột mốc đã diễn ra xung quanh cuộc sống của tôi.
– Anh đã có dự định cho một cuốn cook book tiếp theo chưa?
– Có lẽ sẽ là năm sau và đó tiếp tục là một cook book về bánh. Quyển này sẽ đặc trưng hơn và phần nội dung sẽ hoàn toàn khác so với “Những ngón tay Vani”. Nội dung của nó vẫn là công thức nhưng được kết hợp cùng du lịch. Nhắc đến bánh ngọt sẽ nhớ tới Pháp, nên cuốn sắp tới sẽ mang hơi thở bánh Pháp.
– Cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công với những dự định của mình!
Bài: Bình Minh
Ảnh nhân vật cung cấp