YSL – Người trao quyền lực cho phụ nữ


Ông tên thật là Yves Henri Donat Mathieu Saint Laurent, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1936. Năm 17 tuổi, ông rời gia đình, mang theo năng khiếu thời trang được hưởng từ mẹ, trở thành trợ lý cho nhà thiết kế huyền thoại Christian Dior. Bốn năm sau, sau cái chết đột ngột của Dior, Yves đã trở thành người đảm nhận thiết kế chính cho nhãn hiệu này. Cho đến năm 1962, Yves cùng người yêu của mình, Pierre Bergé rời hãng Dior và thành lập nhãn hiệu riêng.

Thập niên 1960 – 1970 là thời kỳ hoàng kim của Yves Saint Laurent. Từ rất sớm, ông đã nhìn ra được, chính những sự cách mạng về trang phục, sẽ mang lại sự biến đổi tuyệt vời và mang tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Chắc hẳn giới mộ điệu thời trang còn mang ơn ông với những mẫu thiết kế mang tính lịch sử: những bộ tuxedo nam tính cho phụ nữ “Le smoking”, chiếc jacket safari, quần ôm cho phụ nữ, những đôi boot cao…

Cuộc cách mạng unisex đối với trang phục nữ cao cấp thời gian này quả là một cú ngoạn mục. Tấm ảnh đen trắng một cô gái đứng hút thuốc ngoài phố đêm trong bộ vest nam tính quần ống to, đã ảnh hưởng mạnh đến thời trang thế giới. Có thể thấy điển hình như những bộ vest của Catherine Deneuve trên phim, hay cô dâu Bianca Jagger trong bộ tuxedo trắng muốt, cho đến những bộ complet của “người đàn bà của chính trị” Hillary Clinton.

Tổng thống Sarkozy đã phát biểu: “Ông ta đã đưa thời trang cao cấp (haute couture) lên thành một mảng của nghệ thuật – và điều đó mang lại cho ông ta sự ảnh hưởng toàn cầu”. Là nhà thiết kế tiên phong mang hội họa vào các tác phẩm thời trang, bộ sưu tập xuân hè năm 1965 với cảm hứng từ tác phẩm trừu tượng của Mondrian, hay bộ sưu tập sau cùng năm 2002 với các mẫu dạ hội cảm hứng từ tranh của họa sĩ Picasso, ông khiến cả thế giới kinh ngạc và tin một điều rằng, mỗi bộ trang phục, hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Nếu có dịp xem lại các show diễn qua các thập niên của Yves, có một điều đáng lưu ý, ông chính là nhà thiết kế tiên phong sử dụng người mẫu da màu, để sau đó hàng loạt các siêu mẫu lần lượt được thế giới biết đến như Iman, Naomi Campbell, Alek Wek, Tyra Banks… Naomi kể: “Tôi xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue Pháp đầu tiên là nhờ vào ông ấy. Vì tôi nói với ông, “Yves, họ không cho tôi xuất hiện trên bìa Vogue Pháp, họ không bao giờ để một cô gái da đen lên bìa.” Ông ấy bảo là sẽ thu xếp. Và ông ta đã làm được.”

Theo Target Market News.com, phụ nữ Mỹ da màu chi hơn 20 tỷ đôla cho quần áo, thế mà các sàn diễn vẫn từ chối các người mẫu da màu. Yves Saint Laurent không những dùng các người mẫu da màu này trên sàn catwalk ở Paris, mà còn dùng họ trên các phương tiện quảng cáo khác và cho ra đời các dòng mỹ phẩm cao cấp dành riêng cho phụ nữ da màu. Khi mà những show haute couture chỉ dành riêng cho giời thượng lưu da trắng, thì việc xuất hiện vô số các mẫu thiết kế với sự thể hiện của những người mẫu da màu, vừa mang lại một cái nhìn mới, đầy lôi cuốn, vừa xóa đi ranh giới của màu da và đẳng cấp xã hội.

Năm 1966, những năm đầu Berge và Yves cùng mở The Rive Gauche Boutique, họ đã cùng sinh ra một cuộc cách mạng thời trang nữa. Đó chính là việc đại chúng hóa các sản phẩm dòng thời trang cao cấp haute couture. Họ tạo nên dòng sản phẩm cao cấp ready-to-wear, tiện dụng và rẻ tiền hơn. Các nhà thiết thời nay phải nợ họ điều này.

Ảnh hưởng của Yves đến làng thời trang đương đại là không thể chối cãi. John Galliano đã cảm hứng từ các mẫu thời Yves làm cho Dior mà tạo nên những chiếc áo khoác lịch lãm, những chiếc quần theo rập mẫu được giữ lại cho Carla Sarkozy, vị tân phu nhân tổng thống Pháp, trong chuyến thăm Anh Quốc vừa qua. Hay như Marc Jacobs đã liên tiếp trình làng những bộ sưu tập mới nhất bắt nguồn từ những sản phẩm của hãng YSL trong thập niên hoàng kim 1970.

Yves đã ra đi ngày 1 tháng 6 vừa qua, để lại hình ảnh một nghệ sĩ hoàn thiện cả cuộc đời cho nghệ thuật. Con người ông sinh ra gắn liền với sự lịch lãm và vẻ đẹp đài các. Ông cực đoan trong sáng tạo, vì thế ông đã cách mạng giải phóng nhiều ràng buộc trong trang phục nữ thế kỷ 20. Thế nhưng cũng vì lý do này, những năm cuối đời, ông dường như xa lìa với thế giới thời trang vì ông cho rằng: “Tôi chẳng còn điểm chung nào với thế giới thời trang ngày nay. Sự lịch lãm và những vẻ đẹp đã bị đánh mất.”

Những đóng góp của anh chàng Yves Saint Laurent xứ Algeria cho thời trang quả lớn lao. Ông là biểu tượng mà các thế hệ thiết kế trẻ cần học hỏi. Thế giới thời trang của ông không chỉ có sáng tạo vẽ vời, mà đấy chính là nơi để phát minh ra những vẻ đẹp, không chỉ ở bề ngoài. Yves, ông chính là một nhà cách mạng xã hội tuyệt vời!
 

 “Nếu Chanel giải phóng phụ nữ nửa đầu thế kỷ 20 thì Yves trao cho họ quyền lực trong nửa cuối thế kỷ. Ông là một nhà kiến tạo chân chính, vượt qua những quan niệm thẩm mỹ thông thường”. (Pierre Berge)

Trương Thanh Hải


From the same category