#YeuLaCuoi - Nói chuyện tiền nong trước khi cưới - Tạp chí Đẹp

#YeuLaCuoi – Nói chuyện tiền nong trước khi cưới

Sống

Dù là vấn đề nhạy cảm, nhưng tài chính là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Vậy trước khi cùng nửa kia bắt đầu một chương mới, hai bạn nên cùng nhau thảo luận về những vấn đề gì về tiền bạc để tránh những tranh cãi không đáng có về sau?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vấn đề tài chính là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng trong các mối quan hệ và xếp hạng 2 trong danh sách các lý do dẫn đến ly hôn, ngay sau sự phản bội. Do đó Irene Damaryan, chuyên gia tài chính của City National Bank (Los Angeles), đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của những cuộc nói chuyện về tiền bạc với đối phương, dù đã kết hôn hay chưa: “Điều quan trọng là các cặp đôi phải có cùng quan điểm về tiền bạc, vì tranh chấp tài chính có thể khiến hôn nhân bị ‘chìm xuồng’. Bạn cần thoải mái thảo luận về tiền bạc ngay từ đầu để xây dựng lòng tin trước khi cuộc hôn nhân bắt đầu”.

Dưới đây là 7 điều bạn nên làm nếu muốn giảm thiểu những tranh cãi liên quan đến tài chính với nửa còn lại:

 Tìm hiểu thói quen chi tiêu của nhau

Sau khi cưới, phần lớn các cặp vợ chồng sẽ có quỹ chung, việc thảo luận và tìm hiểu về thói quen chi tiêu của  của nhay sẽ giúp cả hai hiểu hơn về nửa còn lại, về sau sẽ không quá bất ngờ nếu thấy người ấy tiết kiệm quá mức hoặc chi tiêu quá đà.

Nếu bạn cũng chưa hiểu rõ về thói quen chi tiêu của mình, hãy vẽ ra các mô hình thu nhập và chi tiêu đơn giản, đồng thời trả lời những câu hỏi sau: “Mình có đang tiết kiệm 15-20% thu nhập mỗi tháng không?”, “Tháng vừa rồi mình đã chi tiêu ngẫu hứng vào những thứ gì?”, “Mình thích sống tận hưởng hay tiết kiệm?”,… và chia sẻ cho nửa kia biết. Khi đã phần nào hiểu phong cách chi tiêu của nhau, hãy tiếp tục vẽ ra các mô hình lợi và hại từ thói quen đó để tiếp tục điều chỉnh.

Ngoài ra, có một cách để bạn và người ấy hiểu thêm về cách cư xử cũng như “cách dùng tiền” là cùng nhau đi du lịch dài ngày trước khi cưới. Ngoài việc thêm gắn kết, một chuyến đi thường phát sinh những chi phí khác những buổi hẹn hò thông thường. Hãy coi đây là dịp để quan sát xem đối phương sẽ xử lý thế nào với những khoản chi đột xuất – liệu họ có quỹ dự phòng không? Hay họ sẽ loay hoay không biết xử trí thế nào?

Đừng mập mờ trong vấn đề tài chính

Sẽ rất khó để tiến tới hôn nhân nếu cả hai không biết về tình hình tài chính của nhau. Một số vấn đề quan trọng bạn cần đặt câu hỏi bao gồm: Người ấy có những khoản vay hay nợ nào trước khi cưới hay không? Điểm tín dụng của họ có ở mức tốt không? Họ có thường trả nợ đúng hạn hay không?

Đối với vấn đề này, cả hai nên trung thực và minh bạch nhất có thể dù tiền bạc là vấn đề nhạy cảm. Nếu nửa kia của bạn đang có một khoản nợ thì bạn cũng đừng xem đó là một bước lùi trong mối quan hệ, vì đôi khi việc kinh doanh sẽ yêu cầu phải mượn vốn. Trước khi bước sang trang mới cùng đối phương, hãy đánh giá xem họ có kế hoạch trả nợ rõ ràng không? Liệu thu nhập của họ có khả thi trong việc giải quyết nợ không? 

Quỹ chung hay quỹ riêng?

Tiến sĩ Bonnie Eaker Weil, nhà tư vấn về mối quan hệ và hôn nhân tại New York, tin rằng việc có một tài khoản chung và đồng thời có tài khoản riêng là giải pháp tối ưu dành cho các cặp đôi. Theo bà, việc giữ một tài khoản chung sẽ giúp cung cấp cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính tổng thể của gia đình, để từ đó có những quyết định chi tiêu phù hợp: “Điều này chứng tỏ rằng cặp đôi đang cùng nhau hướng tới các mục tiêu tài chính dài hạn”. Mặt khác, mỗi người cũng cần có tài khoản riêng biệt để thoải mãn nhu cầu tự do mua sắm của mình và giữ lại một chút riêng tư cho bản thân. 

Tiến sĩ Wail nhấn mạnh: “Nếu hai người có phong cách quản lý và chi tiêu tài chính đối lập nhau, họ có thể quyết định sử dụng tiền theo cách riêng của mình”. Hãy luôn nắm rõ tình hình tài chính của gia đình thông qua ghi chép và tính toán theo tuần, tháng, quý, năm. Chú ý tăng cường tiết kiệm với các khoản tích lũy ít rủi ro như gửi ngân hàng hoặc bảo hiểm nhân thọ.

 Đừng quên lập một “quỹ khẩn cấp” 

Việc xây dựng một “quỹ khẩn cấp” (emergency fund) là rất cần thiết và nên được tích lũy từ khi bạn còn độc thân. Giá trị và mức đóng góp của quỹ sẽ tùy theo mong muốn và dự tính của cả hai. Damaryan đưa ra gợi ý một “quỹ khẩn cấp” nên có từ ba đến sáu tháng chi phí sinh hoạt dự trữ để đề phòng những trường hợp khẩn cấp như: mất việc làm, sửa chữa nhà, hay các chi phí y tế bất ngờ,… 

Khi phải đối diện với những tình huống “từ trên trời rơi xuống”, một quỹ khẩn cấp có thể cung cấp cho bạn khoản đệm tài chính để bạn tự đứng vững trở lại.

Đặt ra những câu hỏi lớn

Trước khi cưới là thời điểm tốt nhất để bắt đầu cuộc trò chuyện về những gì bạn muốn cuộc sống chung của mình sẽ như thế nào trong 5 năm tới: Bạn muốn mua nhà hay thuê nhà? Bạn có muốn có con không và nếu có, việc chu cấp cho con cái sẽ được phân chia như thế nào? Bạn có kế hoạch nghỉ hưu sớm không?,…

Mặc dù cả hai có thể là một cặp vợ chồng trẻ mới cưới đang bắt đầu sự nghiệp đầy hứa hẹn, nhưng bạn phải nhớ rằng, một ngày nào đó bạn sẽ phải tạm dừng công việc khi có con nhỏ hoặc để chăm sóc cha mẹ già. Lúc này, mọi chi phí đều sẽ tăng lên, vì vậy hãy lên kế hoạch và tiết kiệm sớm.

Bên cạnh “quỹ khẩn cấp”, “quỹ cho tương tai” cũng cần được thảo luận nghiêm túc để từ đó cả hai phấn đấu thực hiện. Bạn nên lồng ghép các mục tiêu tài chính của mình vào tất cả các cuộc trò chuyện về con cái, nhà ở, ngân sách tài chính và nghỉ hưu. Bên cạnh đó, bạn và người ấy cần thống nhất mức độ đóng góp của mỗi người trong các khoản chi trả chung hàng tháng, có thể tỷ lệ thuận với thu nhập. Điều này bao gồm: Ai sẽ lo các chi phí hàng ngày như hàng hóa, tiền thuê nhà, tiền internet,.. Thảo luận trước về những điều này và phân chia vai trò tài chính có thể giúp bạn cùng nhau lên kế hoạch tài chính tốt hơn.

 Đừng để ngày trọng đại trở thành gánh nặng

Việc kết hôn sẽ luôn kéo theo những con số tốn kém. Các chi phí trước mắt sẽ bao gồm trang trí, tiệc cưới, ảnh cưới, quà cưới và các phụ phí đi kèm. Nếu chưa có tài chính dư giả, hãy tham khảo ý kiến từ bạn bè và loại bỏ bớt các công đoạn rườm rà và tốn kém không cần thiết, đồng thời tìm hiểu về những gói ưu đãi của bên tổ chức sự kiện. Sẽ tốt hơn nếu tổ chức một đám cưới vừa túi tiền hơn là tổ chức một đám cưới xa hoa.

Trò chuyện về tài chính cả sau khi kết hôn

Mặc dù việc thảo luận tài chính với người ấy trước hôn nhân là điều quan trọng, nhưng để duy trì mối quan hệ lành mạnh, cả hai cần phải thường xuyên đề cập đến chủ đề này. Tần suất trò chuyện được các chuyên gia khuyên là theo tuần nếu bạn và nửa kia có vấn đề về tài chính, và theo tháng nếu bạn thấy mọi thứ thuận lợi.

Lưu ý rằng khi lên kế hoạch tài chính cùng nhau, các cặp đôi không cần quá rạch ròi mà chỉ đơn thuần chia sẻ các vấn đề và mong muốn của mình là được. Bạn hãy chọn những thời điểm vui vẻ, ít căng thẳng để nói về tiền bạc. Hãy nhớ rằng không nhất thiết mọi vấn đề phải được giải quyết ngay, quan trọng là cả hai góp ý với thái độ tôn trọng, tránh tổn thương lẫn nhau.

Tác giả: Thu Thủy

03/11/2023, 16:00