Tài chính vốn được cho là chủ đề khó nói trong hôn nhân, vì thế nhiều cặp đôi thường hạn chế nhắc đến điều này vì sợ tình cảm sẽ phai nhạt dần. Liệu với nhà đầu tư Thái Vân Linh thì chuyện tiền nong có trở nên “dễ thở” hơn khi bàn luận cùng nửa kia? Hãy cùng Đẹp tìm hiểu cách quản lý tài chính của nữ “cá mập” này, và cách cô ấy duy trì tình cảm với chồng khi cả hai đều rất bận rộn.
Xin chào chị Thái Vân Linh, cảm ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn của Đẹp. Chị có thể chia sẻ về lần đầu tiên chị và chồng gặp nhau?
Tôi với anh Kevin gặp nhau ở đại học. Nhưng phải đến 10 năm sau, chúng tôi mới bắt đầu hẹn hò.
Ngay ở buổi đi chơi đầu tiên, chúng tôi đã chứng kiến một vụ cãi nhau rất căng thẳng ở quán bar. Trong bầu không khí hỗn loạn, tất cả mọi người đều lo lắng tới mức mặt mày tái mét, anh Kevin đã dũng cảm đứng ra che chở và bảo vệ tôi trong tình thế rối ren. Dù chuyện đã xảy ra lâu rồi, nhưng đó là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, cũng là giây phút mà tôi xác định rằng: “Mình phải cưới người này!”
Đều là dân tài chính, nên tôi tò mò không biết anh chị đã phân chia chi phí hẹn hò như thế nào khi còn yêu?
Điều này tuỳ thuộc vào từng giai đoạn đấy. Ở buổi hẹn hò đầu tiên, tôi để anh Kevin trả hết, coi như đó là cơ hội để anh thể hiện sự ga lăng (cười). Sang đến lúc cả hai tìm hiểu nhau, anh Kevin thường chi trả 80% chi phí hẹn hò, phần còn lại thì tôi lo.
Về sau, khi cả hai hẹn hò nghiêm túc và bắt đầu có ý định tính chuyện lâu dài, chúng tôi thường chia đôi. Theo tôi, một khi đã muốn đồng hành cùng nhau, thì cả hai nên có sự tương trợ lẫn nhau về mặt tài chính.
Vậy trước khi kết hôn, anh chị đã cùng bàn luận và thống nhất những chủ đề gì?
Chúng ta không thể sử dụng lý trí hoặc logic của mình để thay đổi suy nghĩ của bất kỳ ai trong các chủ đề quan trọng như sự nghiệp, chuyện con cái, nơi ở và tôn giáo. Vì vậy, cả hai cần phải thống nhất quan điểm về những vấn đề này trước khi tiến vào hôn nhân.
Đầu tiên, chúng ta nên tìm hiểu sâu về kế hoạch sự nghiệp lâu dài của đối phương – họ đang làm gì lúc này và mục tiêu trong tương lai của họ ra sao. Lúc mới kết hôn, tôi làm tài chính và có nguồn thu nhập ổn định. Nhưng khoảng 1 tháng sau, tôi đã nghỉ việc để khởi nghiệp, và chấp nhận thời gian đầu tiền sẽ chỉ đi ra chứ không đi vào (cười). Tất cả những điều này tôi đều thảo luận trước với chồng để không có sự bất ngờ nào.
Theo chị, cặp đôi cần thảo luận vấn đề gì liên quan đến tài chính trước khi kết hôn?
Kết hôn không chỉ là quyết định về cảm xúc mà còn liên quan đến pháp lý và tài chính. Vì vậy, bạn cần phải lường trước tất cả những viễn cảnh có thể xảy ra trước khi bước vào hôn nhân. Đầu tiên, cả hai cần chia sẻ minh bạch về tài sản, nợ và báo cáo tài chính (nếu có). Nếu một bên đang có khoản nợ khá lớn, các bạn cần lên kế hoạch và lộ trình để trả hết, vì điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách và việc thu chi trong gia đình. Thứ hai, bạn cần phải chia sẻ những trách nghiệm của mình với gia đình. Ví dụ, nếu người thân của bạn cần hỗ trợ tài chính, bạn cần nói với đối phương rằng đó là ai, mức hỗ trợ là bao nhiêu, cần hỗ trợ vào thời điểm nào,…
Sau buổi nói chuyện, bạn cần lên kế hoạch tài chính cho gia đình khi kết hôn. Lúc này bạn cần “lật bài ngửa” về cách sống của cả hai. Ví dụ các bạn có nhu cầu gì đặc biệt về chuyện ăn uống không? Bạn muốn đi ăn nhà hàng cao cấp thường xuyên hay ăn ở nhà là đủ rồi? Ngoài ra, những chuyện chi tiết như muốn mua xe gì, nhà ở ra sao (căn hộ hay biệt thự),… cũng cần được nhắc đến.
Sau khi kết hôn và có con, hai vợ chồng quản lý tài chính như thế nào? Theo chị, phương pháp tối ưu là gì?
Trong hôn nhân, tôi cùng chồng chia 50/50, vì cả hai đều có sự nghiệp và thu nhập ổn định, nên việc cùng nhau vun vén các chi phí trong hôn nhân là điều dễ hiểu.
Thế nhưng tôi cũng biết nhiều cặp đôi có phương pháp quản lý tài chính khác hiệu quả với họ. Vấn đề ở đây không phải là đúng hay sai, tối ưu hay là không, mà nó tuỳ thuộc vào mong muốn và nhu cầu của từng cặp đôi.
Chị và chồng có bao giờ mâu thuẫn về tài chính chưa?
Về cơ bản, chúng tôi chưa bao giờ mâu thuẫn về tài chính, có lẽ vì cả hai đều tôn trọng và chấp nhận sở thích của nhau (cười). Ví dụ, anh ấy thích đồ điện tử, cứ 2 năm sẽ thay điện thoại một lần. Về phần tôi, dù không quá quan tâm đến đồ điện tử nhưng tôi thích du lịch vào những ngày lễ lớn. Đó là cách mà mỗi người tự đầu tư cho bản thân, và chúng tôi đều thoải mái với điều đó.
Cách lập kế hoạch tài chính của hai người khi mới kết hôn và sau khi có con có gì khác biệt?
Dĩ nhiên là có sự khác biệt rất lớn. Nếu trước khi có con, chúng tôi lập kế hoạch tài chính dựa trên quỹ hưu trí và chi tiêu cá nhân, thì sau khi có con chúng tôi phải cân nhắc nhiều khoản dự trù hơn. Lúc này, chúng tôi có thêm quỹ khẩn cấp, quỹ cho tương lai của các con (ví dụ: học phí Đại học) và quỹ cho nhu cầu hiện tại của con.
Tài chính là một vấn đề khá nhạy cảm, vậy chị có lời khuyên gì để các cặp đôi dễ dàng mở lời với nhau hơn?
Ở bất cứ nền văn hóa nào, tiền nong luôn là chủ đề nhạy cảm, nên tôi hiểu nhiều cặp đôi sẽ rất ngại khi mở lời. Thế nên, bạn có thể bắt đầu với việc viết để có nhiều thời gian suy nghĩ hơn. Hãy lập danh sách các câu hỏi và cùng nhau trả lời như một cách chia sẻ thông tin và thảo luận đơn thuần.
Hoặc là hai bạn có thể lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai, bao gồm những khía cạnh như gia đình, con cái, tôn giáo, sự nghiệp, tài chính,… Bằng cách này bạn có thể đề cập đến chuyện tiền nong dễ hơn, vì nó nằm trong một chủ đề lớn.
Theo chị, hai người chỉ nên kết hôn khi…?
Khi họ thực sự yêu nhau!
Khoản chi xứng đáng nhất mà chị dành cho gia đình?
Ăn uống, vì sức khỏe rất quan trọng.
Thành tựu lớn nhất anh chị cùng đạt được kể từ khi kết hôn?
Duy trì tình yêu cho nhau.
Khi rảnh rỗi, chị thường làm gì?
Ngủ, tham gia một khóa học online, nghe podcast hoặc xem Youtube.
Nhu cầu lớn nhất của chị trong hôn nhân?
Có người bạn tâm tình, sự đồng cảm, trí tuệ và hành động.
Cảm ơn chị rất nhiều vì những chia sẻ thú vị.