Bạn và người ấy hợp nhau trên tất cả phương diện, ngoại trừ lối chi tiêu? Bạn muốn tính chuyện trăm năm nhưng lại ngại nói về chuyện tiền nong trước khi cưới? Cùng Đẹp tìm cách gỡ rối cho vấn đề nan giải này!
Việc quản lý chi tiêu thì có gì lãng mạn? Chẳng ai muốn huỷ diệt tình yêu hay cuộc hôn nhân của mình bằng những đề tài khô khan! – Đó là lý do khiến nhiều cặp đôi không muốn (hoặc không biết cách) nói về tài chính trước hôn nhân. Nhưng nói đi nói lại, đây là một trong những yếu tố tiên quyết mà cả hai nên thảo luận trước khi cưới – đặc biệt là khi bạn và nửa kia có phong cách chi tiêu trái ngược nhau. Vậy làm thế nào để cuộc trò chuyện dễ dàng hơn?
Không phải ai cũng nhận ra được vấn đề của bản thân trong chuyện tiền nong. Nếu bạn có vẻ tiêu tiền quá phung phí, hay quá tằn tiện trong mắt đối phương, thì có hai giả thiết được đặt ra: Thứ nhất, nhận định của họ đúng, bạn nên thay đổi thói quen chi tiêu của mình; Thứ hai, đối phương không hiểu bạn. Dù ở trường hợp nào, bạn và người ấy cũng nên chia sẻ với nhau một cách thẳng thắn về quan điểm của bản thân.
Tại sao bạn làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu? Tại sao người ấy lại tiết kiệm thái quá như vậy?,… Đây đều là những câu hỏi mà cặp đôi nên đào sâu hơn để hiểu về thói quen tiêu tiền của nhau. Một số chuyên gia cho biết môi trường lớn lên có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành vi chi tiêu của chúng ta. Vì thế, để hiểu được cách đối phương quản lý tiền bạc, có lẽ bạn cần hiểu về gia đình người ấy – Liệu bố mẹ họ tiếp cận chuyện tài chính như thế nào? Gia cảnh của họ ra sao?,… sau đó giao tiếp và tìm ra tiếng nói chung.
Thấu hiểu là chưa đủ! Chuyện tiền nong sẽ chẳng đi về đâu nếu bạn và nửa kia không sẵn sàng điều chỉnh lối chi tiêu của mình vì đối phương. Vậy, sau khi cả hai đã thực hiện công tác tư tưởng bằng cách trò chuyện, thì giờ là lúc hai người cùng hành động. Bạn có thể thử 5 cách sau:
1/ Thẳng thắn là thượng sách: Nếu bạn đang muốn tiết kiệm một khoản tiền lớn vì một mục tiêu quan trọng, hãy thẳng thắn chia sẻ điều này. Mặt khác, nếu bạn đang đối mặt với một khoản nợ, người ấy cũng cần được biết để có thể san sẻ cùng bạn – không ở khía cạnh tài chính thì cũng ở khía cạnh tinh thần.
2/ “Góp gạo thổi cơm chung”: Một khoản quỹ chung được tích góp hàng tháng sẽ rất cần thiết cho các cặp đôi hiện đại. Quỹ này thường được dùng để chi trả những khoản tiền chung – chi phí sinh hoạt, sự cố bất ngờ, hoặc chuẩn bị cho tương lai. Vì là của chung, nên các bạn cũng sẽ cần bàn luận và thống nhất những phương án chi tiêu thích hợp và vừa lòng cả hai, điều này cũng phần nào hạn chế những mâu thuẫn tiền bạc.
3/ Nhường nhịn nhau chút nhé: Ai cũng muốn là chính mình trong tình yêu, nhưng thay đổi thói quen sẽ hoàn toàn xứng đáng nếu nó mang lại niềm vui cho cả bạn và người ấy. Nếu bạn đã quen với việc chi tiêu phóng khoáng, hãy thử là một người “phóng khoáng có cân nhắc.” Ngược lại, nếu bạn đã quen với việc tiết kiệm, hãy thử ngẫu hứng một chút khi mua sắm. Điều này sẽ khiến cách bạn hòa hợp hơn trong chuyện tiền nong.
4/ Hãy có quỹ riêng: Mỗi người trong chúng ta đều có sở thích riêng, và việc đầu tư hết mình cho sở thích là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, cần giới hạn sự đầu tư này trong khoản quỹ cá nhân. Nếu người ấy muốn sử dụng quỹ chung cho mục đích riêng, bạn dĩ nhiên có quyền phản đối. Song, nếu người ấy sử dụng quỹ cá nhân để đầu tư cho sở thích của họ, bạn cần tôn trọng quyết định này.
5/ Hãy cẩn thận trong lời nói: “Hoang phí” hay “ích kỷ”, “hẹp hòi”,… là những từ ngữ dễ gây tổn thương mà chúng ta cần hạn chế sử dụng trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về tài chính. Sẽ có những thời điểm mà tài chính trở thành chủ đề nhạy cảm, dễ dàng khiến bạn và đối phương mất bình tĩnh. Để hạn chế tình huống này, bạn và người ấy cần thoả thuận về những chừng mực trong giao tiếp ngay từ trước hôn nhân.
Cần lưu ý rằng những lời khuyên kể trên chỉ phù hợp để áp dụng khi bạn và nửa kia đều cảm thấy thoải mái và sẵn sàng tính chuyện trăm năm. Bạn không thể cưỡng ép người khác sống theo nguyên tắc của bạn và ngược lại. Thậm chí, nếu đã thử rất nhiều cách để hoà hợp hơn với đối phương trong chuyện chi tiêu nhưng không thành, bạn nên đặt câu hỏi rằng liệu hai người có thật sự dành cho nhau? Bấy giờ, hãy can đảm từ bỏ một mối quan hệ nếu người kia không thể mang đến cho bạn cảm giác vui vẻ và tự do!
Ảnh: Liza Litvinovich