Chuyện yêu, ở và đi

Đầu năm, không hiểu sao toàn nghĩ, nhớ chuyện yêu thương. Đầu tiên nghĩ tới chiếc thang máy tự chế của ông Phạm Văn Nhận – đạo diễn hàng loạt phim Việt Nam quay ở Pháp vào thập niên 50 thế kỷ trước. Tết Đinh Dậu này ông 98 tuổi, sống một mình tại miền Nam nước Pháp.

Cách đây hai mươi năm, khi bạn đời còn sống, ông, một mình, cặm cụi miên man ba tháng thiết kế cho bà chiếc thang máy cá nhân lên xuống giữa tầng trệt và tầng một. Thang máy thô sơ nhưng bền vững vì người làm ra nó vốn là dân kỹ thuật. Hàng xóm, chủ yếu người cao tuổi, thấy thang máy tiện nghi, giá thành thấp, cứ lũ lươt ỉ ôi nhờ ông làm giúp. Tôi – cháu dâu – cũng hăng hái vô dịch vụ quá hời, nhưng ông từ chối. Lý do: chỉ có tình yêu mới giúp/khiến ông đủ ý tưởng, đủ năng lượng, nghị lực làm ra một công trình như vậy – công trình “có thiết kế tình yêu”. Hè rồi đi thăm, thấy ông yếu lắm nhưng chiếc thang vẫn hoạt động tốt.

Căn nhà rồi sẽ bán khi ông mất, liệu chủ mới có quan tâm lịch sử yêu thương của khối sắt vô tri?

Từ chiếc thang máy “có thiết kế tình yêu”, tôi bỗng nhớ chiếc Yamaha “lưỡng tính” mà diễn viên Kim Xuân từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Kim Xuân kể, từ lúc quen chồng đến nay đã trên bốn mươi năm, trong từng ấy thời gian, người đàn ông đó vẫn luôn đưa đón người yêu, về sau là vợ, là mẹ của các con mình đi đóng phim, đi diễn, đi phỏng vấn… Anh đưa đón chị từ hồi còn đạp xe đến lúc sắm được xe gắn máy. Có thời điểm anh mua về chiếc Yamaha đàn ông, nhưng vì thương vợ, ông chồng, vốn là dân kỹ thuật, đã “chế biến” lại chiếc xe để vợ có thể cùng sử dụng, thành ra chiếc xe “trông như lưỡng tính”.

Theo Kim Xuân, chính nhờ những kỷ niệm ân tình đó mà người ta mới “thấm” được nhau, thấm được mọi chuyện trong cuộc sống, giữ tình yêu ở lại trong điệp trùng lối đi của trái tim.

shutterstock_234410887

Trong rất nhiều câu chuyện đọc được trên báo, tôi nhớ hoài tâm sự của một người đàn ông. Anh viết cho người yêu cũ sau khi cùng người yêu mới đi mời cô dự cưới. Anh kể, anh đủ tinh tế để nhận ra cái nhìn soi mói của người yêu cũ, và thoáng buồn trên gương mặt vợ tương lai.

Anh viết rất hay: “Cô ấy biết chúng mình là mối tình đầu của nhau. Cô ấy tôn trọng điều đó, và đó cũng là lí do khiến anh yêu, tôn trọng cô ấy. Suốt buổi nói chuyện giữa ba người, em không ngừng nói tới những kỉ niệm, ‘khéo léo’ nhắc cô ấy về những thói quen, sở thích ăn uống của anh, với lí do giúp cô ấy hiểu anh hơn.

Em đang cố chứng tỏ em hiểu anh đến từng chân tơ kẽ tóc, rằng em là người con gái đã từng yêu thương chia sẻ với anh, rằng cô ấy là kẻ đến sau. Đâu cần em phải làm thế, cô ấy luôn biết vị trí của mình. Anh có cảm giác em như con nhím bị thương, đang xù lông lên phòng vệ. Kỳ lạ ở chỗ, ngày đó chính em là người quyết định ra đi, vậy mà giờ đây, em có gì đó như hậm hực. Sau những lời em nói, cô ấy luôn giữ nụ cười trên môi, dù anh biết đó là nụ cười gượng gạo. Cô ấy đủ lịch sự để nói với em những lời cảm ơn nhẹ nhàng sau mỗi chỉ dẫn ‘thân tình’. Lúc đó anh càng nhận ra chính tình yêu lớn lao dành cho anh, khiến cô ấy có thể giữ thái độ hòa nhã đến thế. Anh thấy mình thật hạnh phúc khi yêu và được yêu cô ấy.

Anh thừa nhận mối tình đầu với em là kí ức, là quá khứ không thể nào xóa nhòa trong anh. Nhưng tình yêu với cô ấy chính là tương lai và hạnh phúc của cuộc đời anh. Anh yêu người con gái ấy không phải để lấp khoảng trống em để lại, càng không phải là vật thế chân. Anh yêu cô ấy vì cô ấy là chính mình. Với anh, cô ấy không phải người đến sau mà là người ở lại với cuộc đời anh. Những lời em nói về tính cách, sở thích hay thói quen của anh, chỉ đúng là anh trong quá khứ. Yêu cô ấy, anh không đánh mất mình nhưng anh thay đổi cho phù hợp với cô ấy.

Ra về, anh hỏi người anh yêu có chạnh lòng không, cô ấy trả lời rất nhẹ: Không anh ạ, chị ấy là mối tình đầu của anh, nhưng em mới là vợ anh. Cô ấy nói đúng. Và đó là điều làm anh hạnh phúc nhất”.

shutterstock_524582323

Một người đàn ông khác viết tâm sự, rằng anh lấy vợ được năm năm, vợ không phải người nhan sắc vẹn toàn nhưng rất chăm chỉ, và là người mẹ tốt của con anh; trong lúc anh chỉ biết bạn bè, nhậu nhẹt, chơi bời. Vợ đã tha thứ cho anh rất nhiều lần, từ chuyện bồ bịch lăng nhăng tới chuyện cờ bạc, nhưng anh nông nổi, ham chơi, không biết quý trọng tình yêu đó.

Cứ thế cuộc sống trôi qua, vợ chồng anh vẫn thường xuyên cãi vã, mà lỗi hầu hết do anh. Mỗi lần như thế vợ lại dọn ra riêng. Gần đây, không chấp nhận chuyện vợ cứ bỏ đi, anh viết đơn ly hôn. Chưa kịp nộp thì anh phát hiện vợ đang quen người khác, và cũng một mực muốn ly hôn. Anh kết thư bằng câu hỏi: “Liệu tôi nên níu giữ gia đình này hay từ bỏ?”.

Người đàn ông tên Hưng, hứng rất nhiều “gạch đá” của độc giả, nhưng tôi nhớ nhất hai ý kiến: “Ly hôn đi anh. Anh không xứng đáng với vợ đâu”. Và “Xin lỗi anh, theo bài viết anh chưa từng có một gia đình, thì làm sao níu giữ hay từ bỏ?!”


From the same category