“Yêu” – giấc chiêm bao mộng mị - Tạp chí Đẹp

“Yêu” – giấc chiêm bao mộng mị

Review

Chính thức ra mắt từ năm 2000 (trước đó mang tên Du Ca) với mô hình là một nhóm nhạc nữ gồm 5 thành viên, Năm Dòng Kẻ gợi đến hình ảnh một Spice Girls mới của Việt Nam, nhưng đi theo con đường gian truân hơn hẳn là A cappella. Năm cô gái tuy không có tài nhảy nhót nhưng lại sở hữu những chất giọng đủ điêu luyện để có thể thoải mái phô diễn mà không cần sử dụng nhạc đệm phụ họa. Cùng thời của Năm Dòng Kẻ còn có AC&M nhưng các chàng trai đã tạm thời dừng bước trong khi các cô gái vẫn kiên trì, bền bỉ với nghiệp hát.

 

Những tưởng khi Giáng Son, và sau đó là Hồng Ngọc, tuyên bố rời nhóm thì các dòng kẻ còn lại sẽ khó có thể trụ vững giữa một thị trường âm nhạc đầy khắc nghiệt và mang tính đào thải cao như Việt Nam. Sự thật hóa ra ngược lại, con đường mà Năm Dòng Kẻ chọn lựa chưa bao giờ có ý định chiều theo thị hiếu của số đông. Sau đĩa “Tự tình ca” theo thể loại A cappella kén người nghe, năm 2007 nhóm cho ra đời “Cánh mặt trời”­ ­– một đĩa nhạc được thực hiện theo dạng “concept album” (có sự thống nhất cao về chủ đề, nội dung), là sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây, giữa nhạc cụ dân tộc và âm nhạc quốc tế.

5 dòng kẻ

Lan Hương

“Cánh mặt trời”­ không chỉ thể hiện được bản lĩnh của một nhóm nhạc nữ đầy tài năng mà còn xứng đáng có mặt trong danh sách những đĩa nhạc xuất sắc nhất trong thập kỷ 2000-2010. Song, Năm Dòng Kẻ cũng đã tự xây cho mình một bức tường cao đến nỗi không ít kẻ hoài nghi cho rằng nhóm chỉ có thể dừng lại ở đó. Và phải mất tận 6 năm sau, họ mới trở lại với đĩa nhạc mới với cái tên hết sức đơn giản: “Yêu”, như một lời giải đáp những thắc mắc và nghi ngại của khán giả, đồng thời chứng minh rằng Năm Dòng Kẻ vẫn đứng vững, ngay cả khi chỉ còn lại ba thành viên.   

Cùng dựa trên những chất liệu tương tự như world music, new age nhưng “Cánh mặt trời”“Yêu” là hai đĩa nhạc có màu sắc hoàn toàn riêng biệt. Nếu như “Cánh mặt trời” hướng ngoại, là những chiêm nghiệm về cuộc sống đa chiều thì “Yêu” hướng nội, chất chứa những nỗi niềm riêng tư về tình yêu đôi lứa. “Cánh mặt trời” đưa ta vào ban mai ngập tràn ánh bình minh trong khi “Yêu” dẫn lối trở về với màn đêm tĩnh lặng nơi tâm hồn. “Cánh mặt trời” rực rỡ, hào nhoáng như vầng dương thì “Yêu” ngược lại, mong manh và hư ảo như ánh nguyệt.

Cái sự “riêng tư” ấy còn được thể hiện qua chủ đề của đĩa nhạc. Giấc mơ ai cũng từng có, nhưng muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng, mỗi người một kiểu. Và giấc mơ này còn “riêng tư” hơn nữa khi từ đầu đến cuối do một tay Bảo Lan xây dựng. Đây là thành viên đã từng có nhiều sáng tác trong nhóm, là người đã lên ý tưởng, viết ca khúc và đảm nhận luôn phần hòa âm, phối khí.

Có lẽ vì thế mà các ca khúc trong “Yêu” không chỉ đi theo một chủ đề xuyên suốt mà còn mang đậm cá tính của người viết. Nhưng tình cảm mà Bảo Lan dồn vào đĩa nhạc chẳng phải thứ gì đó cao xa, lạ thường, mà rốt cuộc cũng chỉ là nỗi lòng, là tâm sự của bao người phụ nữ khi yêu. Thế nên, hai thành viên còn lại, Lan Hương và Thùy Linh, vừa có vai trò góp giọng, vừa đồng hành cùng với cô bạn trên con đường đi vào giấc mơ đầy những mộng mị về tình yêu.

Bảo Lan   

Âm nhạc của 5 Dòng Kẻ theo thời gian, cũng trẻ trung, tươi mới hơn hẳn. Chẳng hạn như ca khúc chủ đề mang tên “Yêu”, tuy chỉ bao gồm những từ hết sức ngắn gọn như “yêu”, “đêm”, “khát”,… nhưng lại dài tận 6 phút. Đó là khi phần lời tối giản để cho phần nhạc thăng hoa mà ở đây, Bảo Lan giữ bài hát bằng một cái nền nhịp nhàng, ngập ngừng, gợi đến những bản nhạc từ sàn catwalk mà Võ Thiện Thanh từng thực hiện trong đĩa “Listen or walk” phát hành năm 2008, nhưng mềm mại, dễ chịu hơn khi hòa vào chất chill-out hết sức thư giãn. Thi thoảng, tiếng đàn bầu, guitar đột ngột xuất hiện ở giữa bài tạo cảm giác thú vị, tươi mới.

Song, để thưởng thức “Yêu”, không nên tùy tiện chọn một bài mà cần thả hồn vào con đường tiến đến giấc mơ đã được định sẵn từ đầu đến cuối. Bởi lẽ ngay từ những bài đầu tiên, giấc mơ ấy chưa vội vã xuất hiện, mà đâu đó vẫn còn ẩn hiện những trăn trở nơi trần thế. “Đò ngang” sử dụng hình ảnh “con đò nhỏ” mang tính ẩn dụ như để ám chỉ đến cuộc đời ngắn ngủi của mỗi con người: “Mỗi chuyến đò lênh đênh một mảnh đời, ngược xuôi mái chèo…”

Cuộc đời lắm vui nhiều buồn, nhưng có mấy ai là hiểu được nhau: “Khách đến rồi đi. Đi rồi lại về. Người vui vẻ cười nói, người buồn bã lặng im”. Để rồi cuối cùng người người lướt qua nhau như những chuyến đò khẽ khàng cập bến rồi lại cất bước ra đi: “Đò ngang chỉ là nơi chuyển bước. Ai đi ngang mà nhớ nổi đò?!”. Phần ca từ mang tính triết lý cuộc sống trong khi phần nhạc lại quá đỗi mơ mộng, huyền ảo, tạo nên một không gian vừa hư vừa thực, báo hiệu rằng ta đang sắp lạc vào một thế giới khác.

  

Thùy Linh

Tiếp đó, “Nối vầng dương” vẫn là những nỗi đắng cay về cuộc đời, nhưng có một chút bất lực và đã bắt đầu thờ ơ với nhân gian thế sự: “Ta xây bức tường xanh bao bọc mình, nhìn xuyên qua, nỗi niềm ta thấy nhẹ nhàng”. Để rồi cuối cùng chỉ còn mình ta độc bước trên con đường, mình ta ôm ấp những giấc mơ của riêng mình.

Trong khi đó, “Yêu trọn giấc mơ”“Chạm” lại là những khúc du ca tình yêu da diết và rất đỗi chân thành. Cả hai bài hát đều được phối theo phong cách “minimalism” (tối giản hóa) với những nhạc cụ cũng đơn giản như piano, violin. Mọi thứ như lắng lại chỉ còn ba giọng hát khi tách biệt khi lại hòa làm một, chan chứa xúc cảm con tim.

Nhưng phải trở lại ca khúc chù đề “Yêu” thì ta mới thực sự “chạm vào giấc mơ” của Năm Dòng Kẻ. Kể từ lúc này, âm nhạc khi bềnh bồng như đang lạc giữa chốn thiên thai, khi ma quái, rùng rợn như trở thành cơn ác mộng. Bảo Lan cũng đã phá vỡ cấu trúc sáng tác thông thường chỉ bao gồm phần lời và điệp khúc. Các ca khúc của cô không tuân theo một trật tự nhất định mà giống như những bài thơ được sáng tác từ trước và phổ nhạc.

“Rơi” là minh chứng tiêu biểu nhất. Giấc mơ lúc này không còn ngọt ngào, êm dịu mà phức tạp từ cấu trúc, ca từ cho đến giai điệu. Ca khúc như một bài thơ gồm ba đoạn mà mỗi đoạn lại giữ một nhịp riêng biệt nhưng không thể tách rời. Phần đầu ngập tràn những động từ mạnh mẽ thể hiện tâm trạng hoang mang, bất lực. Phần giữa dồn dập tạo kịch tính, kết lại đẩy tất cả lên cao trào. Mọi thứ trong 5 bài hát trước đó như vỡ toang ra, ba cô gái gào thét trên cái nền alternative rock dữ dội. Để rồi sau tất cả, “Giá như” cất lên như lời tự nhắn nhủ với chính mình, bằng những câu nhẹ nhàng an ủi tâm hồn: “qua rồi”, “rồi cũng thế thôi”, “hết rồi”.

Có lẽ “Yêu” sẽ trở nên hoàn hảo nếu Năm Dòng Kẻ lựa chọn một cái kết phá cách hơn, thay vì an toàn với “Hoan ca nắng và gió”. Bài hát mang không khí của “Cánh mặt trời” nhiều hơn so với chủ đề mà “Yêu” đang lựa chọn. Để tạo sự liên kết, Bảo Lan phải viết ra thêm hai bản nhạc không lời nối liền ở giữa là “Ký ức”“Lặng”. Có lẽ đây là quyết định “riêng tư” của tác giả khi muốn tạo ra một kết thúc chan chứa niềm vui và hy vọng. Người nghe hẳn cũng nên tôn trọng quyết định “riêng tư” ấy.

Nhưng có một điều chắc chắn là “Yêu” chưa phải là điểm dừng của giấc mơ mà Năm Dòng Kẻ tạo ra. Mỗi bài hát đều kết thúc bằng những dấu ba chấm như lời bỏ ngỏ để người nghe tự định đoạt. Nếu sâu hơn, thì ca từ do Bảo Lan viết còn phảng phất giáo lý đạo Phật và âm nhạc mang nhiều chất “thiền”. Nhưng khoan đã vội suy xét, hãy cứ chúc mừng “con tàu vũ trụ” mang tên Năm Dòng Kẻ, khi đã dũng cảm từ bỏ lãnh địa pop với những giai điệu sinh ra với mục đích chiều chuộng số đông, để tự tạo ra cho mình một lãnh địa riêng và chờ đón những khán giả của riêng mình.

Bài: Sơn Phước
Ảnh: Năm Dòng Kẻ



>>> Có thể bạn quan tâm: Cả nền ca hát đi trong an toàn của những thói quen chung, thì Tùng Dương – với nhu cầu phô diễn cá tính và cái Tôi mạnh mẽ, đã nhắc người ta về giá trị của sự khác biệt:





Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

10/11/2013, 09:42